Xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Chính định kiến về phụ nữ của chính bản thân người phụ nữ và của cả xã hội là một nguyên nhân khiến nữ giới vắng mặt trong các thành tựu đột phá trong khoa học (cũng như trong các thành tựu nghề nghiệp khác) được cộng đồng ghi nhận. Các định kiến này thường xoay quanh vấn đề là người phụ nữ hiển nhiên không có đủ thời gian, sự nhiệt tình và năng lực đối với công việc nghiên cứu và điều này có một nguyên nhân hiển nhiên là họ bị chi phối bởi thời gian và trách nhiệm đối với gia đình.
Phụ nữ tự loại bỏ mình
Chính phụ nữ là người tự loại mình ra khỏi các thử thách - đồng thời cũng là cơ hội - phát triển nghề nghiệp do mặc nhiên thừa nhận các nhận định của xã hội về bản thân. Sự thừa nhận này có nguyên nhân từ giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình. Ngay từ nhỏ, phụ nữ đã bị cha mẹ và sách vở “nhồi” vào đầu bài học về những thứ được gọi là công - dung - ngôn - hạnh mà không được dạy đặt câu hỏi rằng những đức tính đó được hình thành trong hoàn cảnh xã hội nào, có mục đích chính trị, xã hội gì.
Lẽ ra, chúng ta phải được dạy cách đặt câu hỏi về ý nghĩa chính trị, xã hội và lịch sử cho tất cả các sự vật, phẩm chất, trật tự, chế định trong xã hội xung quanh hơn là được dạy phải chấp nhận mọi sự sắp xếp và coi mọi quan niệm phổ biến là hiển nhiên và không thể thay đổi.
Ví dụ, từ nhỏ, phụ nữ đã bị dạy rằng hạnh phúc gia đình hay sự tồn tại của gia đình phụ thuộc vào vai trò của người đàn bà mà không được dạy để hiểu rằng quan niệm đó là chế định xã hội về sự vắng mặt của phụ nữ trong các cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Quan niệm đó rõ ràng đã giúp đàn ông gạt đi đối thủ cạnh tranh trong nghề nghiệp của họ và cũng góp phần giải phóng họ khỏi gia đình, từ đó càng có hội phát triển và được ghi nhận ngoài xã hội. Hơn nữa, với quan niệm đó, phụ nữ sẽ tự trói buộc cuộc sống của mình trong cái vòng quay chăm sóc chồng con, cha mẹ và nhà cửa. Họ sẽ từ chối các thử thách - đồng thời là các cơ hội nghề nghiệp - với suy nghĩ là để giữ gìn gia đình, trong khi gìn giữ gia đình là trách nhiệm của mọi thành viên. Tâm lý tình nguyện với sự ràng buộc gia đình của phụ nữ - một tâm lý được xây dựng từ giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội - là nguyên nhân khiến phụ nữ tự làm mình vắng mặt trong các thử thách, cũng là cơ hội dấn thân vì nghề nghiệp.
Chính sách ưu tiên tước đi cơ hội
Chế định về vị trí gia đình của phụ nữ là cái cớ để các cá nhân, tổ chức nghề nghiệp và xã hội loại phụ nữ ra khỏi các thử thách, đồng thời là các cơ hội phát triển. Cụ thể hơn, với quan niệm đó, phụ nữ không được tin tưởng để giao các công việc. Không làm việc đồng nghĩa với việc không được ghi nhận về chính trị và vật chất.
Đáng sợ hơn, với quan niệm đó, các tổ chức và cá nhân có vị trí thực hiện chính sách ưu tiên đối với phụ nữ, tức là không để họ tham gia công việc quan trọng và nhiều thử thách trong nghề nghiệp, “giúp” họ có nhiều thời gian và tâm trí cho gia đình. Hình thức ưu tiên này đồng nghĩa với việc tước đi của phụ nữ các cơ hội phát triển nghề
nghiệp.
Mặt khác, các chế định của xã hội về những thứ được gọi là phẩm chất, đạo đức của phụ nữ cũng khiến cho họ không thể bứt phá trong môi trường làm việc. Bởi vì, những quan niệm đó chi phối cách mà xã hội trông chờ ở người phụ nữ khi làm việc và do đó ảnh hưởng đến sự thể hiện công việc của họ.
Cụ thể, trong không gian công việc, nhiều phụ nữ không dám và không được phép nêu ý kiến một cách mạnh mẽ, trực diện vì trước khi ý kiến được ghi nhận, họ đã bị đánh giá về cách thể hiện “thiếu nữ tính” rồi. Hoặc, để ý kiến của mình được lắng nghe, nhiều phụ nữ cũng phải tìm cách trình bày theo những cách thiếu chuyên nghiệp nhất, tức là phải “diễn” theo đúng cái phẩm chất “nữ” mà xã hội chế định: Nói nhõng nhẽo, nói nũng nịu, nói bóng gió, nói theo kiểu trêu đùa bông lơn, giọng điệu khúm núm...
Hoặc, trong không ít công việc hay dự án, phụ nữ (dù có bằng cấp bằng hay thậm chí là hơn các thành viên nam) chỉ đóng vai trò thư ký, tức là người chăm lo các công việc “bếp núc” (lo việc giấy tờ hành chính, tài chính, thậm chí là vận chuyển tài liệu...).
Tóm lại trong tất cả các công việc, phụ nữ phải thể hiện mình là người đi sau, người ít biết hơn, người cần được che chở, bảo ban như đúng xã hội đã chế định.
Để có những bứt phá, thiết nghĩ, phụ nữ cần “tẩy não” cho bản thân mình. Sự tẩy não này bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi với tất cả các những điều được coi là hiển nhiên trong xã hội đối với người phụ nữ: Chúng có ý nghĩa xã hội, chính trị, lịch sử và văn hóa gì, để từ đó hành động, làm việc theo niềm yêu thích và niềm tin của mình.