Việc khắc phục những lỗ hổng trong quá trình áp dụng các quy trình an toàn sinh học là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch tả lợn châu Phi, nhất là trong bối cảnh sau mưa lũ khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi tăng cao.

Số lợn tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi ở Bắc Kạn trong thời gian gần đây tăng cao. Nguồn: nongnghiep.vn
Số lợn tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi ở Bắc Kạn trong thời gian gần đây tăng cao. Nguồn: nongnghiep.vn

Diễn biến dịch ngày càng phức tạp

Khi giá thịt lợn tăng cao trong thời gian gần đây, nhiều người cho rằng nguyên nhân do bão Yagi gây thiệt hại cho các trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, các chuyên gia chăn nuôi nhận định rằng số lượng vật nuôi bị chết trong đợt mưa bão vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung. Vấn đề đe dọa nguồn cung hơn cả là nguy cơ dịch bệnh trên vật nuôi sau bão, bao gồm dịch tả lợn châu Phi: “Khi xảy ra mưa bão và ngập lụt, các chất thải chăn nuôi bị phân tán khắp mọi nơi. Nếu có mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi thì chắc chắn nó sẽ lây lan nhanh chóng. Vì vậy, chúng ta phải hết sức cẩn thận, vì sau bão lũ thường là dịch bệnh”, PGS. TS Lê Văn Phan, Phó Trưởng phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học thú y, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhận xét trong hội thảo “An toàn phát triển trong tình hình dịch tả lợn châu Phi (ASF) mới” do Công ty Cargill, Vettech và Việt Thái tổ chức vào ngày 14/9 vừa qua.

Dịch tả lợn châu Phi không phải là căn bệnh mới. Đợt bùng phát dịch đầu tiên cách đây hơn năm năm vẫn còn là một ký ức ám ảnh với nhiều người chăn nuôi lợn ở Việt Nam. Khi công bố xuất hiện dịch tại Hưng Yên vào tháng 2/2019, chỉ trong thời gian ngắn, dù nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống, các ổ dịch mới vẫn liên tục xuất hiện trên cả nước. Với khả năng lây lan rộng, gây triệu chứng sốt cao, xuất huyết đa cơ quan, lợn mắc dịch tả lợn châu Phi có tỉ lệ chết lên đến 100%. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2019 cả nước có hơn 8000 ổ dịch tả lợn châu phi, tổng số lợn phải tiêu hủy gần 6 triệu con, gây thiệt hại hơn 13 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng cũng không kém phần lao đao do “bão giá’ thịt lợn. Do thịt lợn chiếm tới 65-70% cơ cấu bữa ăn, giá thịt lợn tăng cao đã ảnh hưởng đến bữa ăn của hàng triệu gia đình. Thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn trong giai đoạn đó tăng cao kỷ lục, có lúc tăng gấp đôi so với một năm trước khi xảy ra dịch bệnh.

So với lần đầu tiên xuất hiện đầy bất ngờ, giờ đây, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm và “vũ khí” trong tay - chẳng hạn như vaccine - để đối phó với dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, đây vẫn là mối đe dọa lớn với ngành chăn nuôi Việt Nam. “Bức tranh về dịch tả lợn châu Phi hiện nay không giống trước đây, nhất là từ năm ngoái đến năm nay, các ổ dịch nổ ra liên tục, trên diện rộng hơn, nhanh hơn và phức tạp hơn”, ThS. Nguyễn Văn Non, Giám đốc kỹ thuật của Công ty Cargill Việt Nam, phân tích. Trong bảy tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất hiện hơn 600 ổ dịch tả lợn châu Phi tại hơn 40 tỉnh thành, buộc tiêu hủy hơn 40 nghìn con lợn, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái - theo báo cáo của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt trong đợt mưa lũ vừa qua, nguy cơ phát tán mầm bệnh tồn tại ở các khu vực này sẽ rất cao.

Việc áp dụng không đúng cách sẽ làm giảm hiệu quả của các biện pháp an toàn sinh học. Nguồn: hsvn.com.vn
Việc áp dụng không đúng cách sẽ làm giảm hiệu quả của các biện pháp an toàn sinh học. Nguồn: hsvn.com.vn

Diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi tiếp tục đe dọa bữa ăn của nhiều gia đình. “Cuối năm 2023, khi dịch bùng phát, giá thịt lợn giảm nhanh, sau đó 3-6 tháng giá thịt lợn lại tăng đột biến. Và dự kiến từ nay đến giữa năm 2025 giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức cao”, ThS. Nguyễn Văn Non cho biết. Nguồn cung thịt lợn chắc chắn sẽ ngày càng thiếu hụt, nhất là trong bối cảnh mức tiêu thụ thịt lợn có xu hướng tăng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, mức tiêu thụ thịt lợn ở Việt Nam đã tăng từ 30kg thịt lợn/người/năm 2021 lên mức 33,8 kg/người/năm 2023, khiến Việt Nam đứng thứ sáu trong số 10 nước tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới.

Sự biến chủng của virus African Swine Fever (ASF) gây ra dịch tả lợn châu Phi cũng là một trong những nguyên nhân khiến bài toán phòng chống dịch tả lợn châu Phi vẫn còn nan giải. “Ban đầu người ta nghĩ rằng con virus này ít biến chủng. Nhưng bây giờ, tốc độ biến chủng của nó khá lớn, xuất hiện chủng virus lai giữa các loại. Sự thay đổi về chủng virus dẫn đến thay đổi về các triệu chứng lâm sàng, khiến người chăn nuôi lợn càng khó phát hiện”, PGS.TS Lê Văn Phan giải thích. Hiện nay, có hai chủng virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi phổ biến là chủng type I có độc lực thấp, gây bệnh mãn tính và type II, độc lực cao, gây bệnh cấp tính. Ở Việt Nam trước đây chủ yếu lưu hành chủng type II, có thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày, với triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Nhưng bây giờ có nhiều chủng gây bệnh mãn tính, độc lực thấp, không rõ thời gian ủ bệnh, triệu chứng lâm sàng không điển hình. Do vậy, “nếu chúng ta chỉ nhìn vào lâm sàng để định hướng chẩn đoán có mắc dịch tả lợn châu Phi hay không thì sẽ thất bại”. Một điều đáng lo ngại là những vaccine dịch tả lợn châu Phi hiện có ở Việt Nam cũng bất lực trước những chủng virus mới. Nghiên cứu mới công bố của PGS.TS Lê Văn Phan và các cộng sự cho thấy, hai loại vaccine đang có ở Việt Nam hiện nay không có khả năng bảo hộ đối với chủng virus lai giữa type I và type II. “Ngay cả khi con lợn từng mắc dịch tả lợn châu Phi và khỏi bệnh, đáp ứng miễn dịch rất cao, nếu gặp con virus lai này vẫn có thể mắc bệnh và chết như thường”.

Khắc phục những lỗ hổng


Cũng như hầu hết các loại dịch bệnh trong chăn nuôi khác, việc phát hiện sớm và thực hành an toàn sinh học là những yếu tố hàng đầu giúp phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả. Để nhận sớm và chính xác, những kỹ thuật xét nghiệm như xét nghiệm phân tử sinh học PCR hay xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme (ELISA) là điều cần thiết. “Mặc dù tốn kém nhưng chúng ta nên chấp nhận đầu tư chi phí xét nghiệm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang phức tạp như vậy, đặc biệt là sự xuất hiện của các chủng virus độc lực thấp, khó nhận diện bằng lâm sàng”, ThS. Nguyễn Văn Non nhận xét. Bên cạnh đó, cần chú ý không nên xét nghiệm gộp mẫu, vì việc gộp mẫu sẽ pha loãng ra, nếu hàm lượng virus trong lợn mang mầm bệnh thấp, cơ hội phát hiện bệnh sẽ càng giảm đi.

Nếu không chú ý trong khâu tầm soát, người chăn nuôi có thể phải trả giá bằng toàn bộ đàn lợn. “Một trại lợn có hơn 600 nái ở Đồng Nai đã chịu thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi. Sai lầm ở chỗ là sau khi phát hiện lợn bệnh, chỉ tập trung những con có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, không theo dõi từng con dẫn đến bỏ sót. Sau đó 1-2 tuần, dịch lan nhanh, đến tuần thứ ba, họ bắt buộc phải loại bỏ toàn bộ hơn 200 heo nái ở khu vực chuồng mang thai”, ThS. Nguyễn Văn Non kể lại một trường hợp sơ suất trong tầm soát dịch tả lợn châu Phi. Do vậy, “ngay sau khi phát hiện có dịch, chúng ta phải tầm soát diện rộng, tăng cơ hội phát hiện sớm, cô lập ổ bệnh thì mới kiểm soát thành công”.

Sau nhiều đợt bùng phát dịch, việc áp dụng quy trình an toàn sinh học không còn là điều xa lạ với các trang trại ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả áp dụng không phải lúc nào cũng như mong đợi. “Tôi đi rất nhiều trại lợn, tôi thấy trại nào cũng có quy trình chuẩn hết, thậm chí niêm yết như lệnh phòng cháy chữa cháy. Nhưng vấn đề là thực hành như thế nào”, PGS.TS Lê Văn Phan nhận xét. “Thực tế vẫn còn một số lỗ hổng, mỗi nơi lại có những lỗ hổng riêng”.

Những lỗ hổng này có thể là sự chủ quan, vô tình làm phát tán mầm bệnh, hoặc do áp dụng biện pháp không đúng về bản chất khoa học. Chẳng hạn có nhiều trại trang bị đèn cực tím để tiệt trùng các vật dụng, hoặc buồng sục khí ozone cho người trước khi vào trại. “Có nhiều nơi tôi thấy dùng đèn cực tím, trong khi đèn UV mới có tác dụng diệt khuẩn. Hoặc sục người bằng khí ozone, thực ra mặc quần áo thì sục như vậy có tác dụng gì đâu, mà khí này rất nguy hại cho người. Tôi không nghĩ cái này có tác dụng, chưa kể chi phí đầu tư tốn kém”, PGS.TS Lê Văn Phan kể lại. Hoặc có những trường hợp chuồng trại chia thành khu riêng, công nhân ở khu vực nào hoạt động giới hạn trong khu vực đấy, sáng vào trại lợn, tối mới ra. Nhưng đến trưa, mọi người lại nghỉ ngơi chung một chỗ, nếu con lợn ở giai đoạn ủ bệnh thì sẽ rất nguy hiểm. Một hiểu lầm phổ biến khác là dùng vôi bột để tiêu độc khử trùng chuồng trại. “Dùng vôi bột không thì chẳng có tác dụng gì, vôi phải gặp nước thì mới xảy ra phản ứng hóa học, thì mới có tác dụng”.

Việc nâng cao năng lực chuyên môn kết hợp tăng cường giám sát quá trình thực hành là điểm mấu chốt để khắc phục các lỗ hổng này. “Về cơ bản, con người vẫn là yếu tố quyết định. Vì vậy đào tạo nâng cao chuyên môn kĩ thuật để hiểu đúng các phương pháp là rất quan trọng. Bên cạnh đó, phải giám sát trước, trong và sau quá trình thực hiện. Chẳng hạn như xịt cồn khử trùng tay thôi, việc xịt ít hay nhiều cũng sẽ dẫn đến tác dụng hoàn toàn khác”, PGS.TS Lê Văn Phan nhận xét.