Bão số 3 năm 2024 (bão Yagi) đã gây ra những thiệt hại lớn về người và của. Không cần nhắc lại những đau thương đã trải qua nhưng những thiệt hại đó nhắc nhở chúng ta cần có những biện pháp ứng phó với thiên tai và các sự kiện thời tiết cực đoan có thể xảy ra trong tương lai.

Thủy điện hồ Thác Bà. Nguồn: Báo Chính phủ
Thủy điện hồ Thác Bà. Nguồn: Báo Chính phủ

Thiên tai luôn có sức mạnh vượt xa sức ứng phó của con người, vì vậy người ta chỉ có thể chống thiên tai tới một mức độ nhất định và phải tìm cách thích ứng với nó. Kinh nghiệm phòng chống thiên tai của một quốc gia thường chịu ảnh hưởng rất nặng nề của thiên tai như Nhật Bản là kinh nghiệm rất thích hợp để chúng ta học tập.

Năm 2011, trận động đất ngoài khơi Honshu của Nhật Bản đã tạo ra sóng thần cao hơn 40 m gây ra thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Sau khi điều tra và đánh giá, các kỹ sư Nhật Bản đã thấy rằng việc thiết kế đê ngăn sóng thần trước đó đã bỏ qua việc điều tra lịch sử về một trận sóng thần rất lớn trong quá khứ.

Họ cũng mong muốn xây dựng đê ngăn sóng thần với các trận sóng thần có tần suất lặp lại tương tự trận sóng thần đã xảy ra tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, những tính toán cho thấy việc này không khả thi vì nó sẽ tiêu tốn một số tiền rất lớn, vượt quá khả năng kinh tế của một quốc gia như Nhật Bản.

Do vậy, họ đã hoàn thiện một phương châm ứng phó với thiên tai đang được áp dụng phổ biến trên thế giới, ở Nhật Bản là cần áp dụng đồng thời giải pháp cứng và giải pháp mềm; trong đó đầu tư cho giải pháp cứng ở mức độ vừa phải và tăng cường đầu tư cho giải pháp mềm một cách toàn diện để nó giúp giải pháp cứng trở nên hiệu quả, đồng thời tăng cường hiệu quả toàn diện công tác phòng chống thiên tai gắn liền với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Theo cách hiểu chung trên thế giới, giải pháp cứng phòng chống thiên tai là các giải pháp đầu tư vào hạ tầng vật lý, như nâng cấp đường sá, đê điều, xây dựng các công trình thoát lũ, chống sạt lở đất v.v. Giải pháp mềm bao gồm các giải pháp thay đổi kế hoạch sử dụng đất, đầu tư vào nghiên cứu khoa học về thiên tai, hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, phương án chuẩn bị ứng phó thiên tai, sơ tán, cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ trước và sau thiên tai, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thiên tai, xóa đói giảm nghèo để nâng cao năng lực tự ứng phó với thiên tai v.v.

Cả hai giải pháp đều cần thiết nhưng giải pháp cứng cần đầu tư rất nhiều vốn chỉ nên đầu tư ở mức độ phù hợp với năng lực kinh tế của quốc gia, địa phương; còn các giải pháp mềm rẻ hơn rất nhiều, cần đầu tư ít hơn nhưng nếu được xây dựng tốt thì khi kết hợp với giải pháp cứng hiệu quả lại cao hơn rất nhiều.

Là một quốc gia chịu nhiều thiên tai, trong những năm qua, Việt Nam đã rất chú trọng thực hiện cả tất cả các giải pháp cứng và giải pháp mềm. Chúng ta đã đầu tư, nâng cấp được các công trình đê điều, đường sá, cầu cống, các công trình thoát nước, chống ngập lụt, thậm chí các công trình chống sạt lở đất tại một số vị trí quan trọng.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế của nước ta, các giải pháp cứng chỉ được và chỉ nên được đầu tư ở mức độ vừa phải. Giải pháp mềm cần được chú trọng vì nó cần chi phí thấp hơn nhiều so với giải pháp cứng nhưng hiệu quả rất lớn.

Với chủ trương như vậy, Việt Nam đã đầu tư vào tất cả các giải pháp mềm để phòng chống thiên tai. Đặc biệt, phương châm bốn tại chỗ trong phòng chống thiên tai: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và ba sẵn sàng: phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả đã được thể chế hóa và đang được áp dụng rất hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Với những giải pháp cứng kết hợp với giải pháp mềm, thiệt hại do bão, lũ liên tục giảm trong những năm qua. Tuy nhiên, con số thiệt hại do bão lũ vẫn còn lớn.

Dưới đây, tôi xin đề cập đến một số giải pháp khả thi.

1. Dự báo và cảnh báo

Trong cơn bão số 3 vừa qua, các cơ quan chức năng đã có giải pháp khá tốt để phòng chống bão. Công tác dự báo thời tiết được thực hiện với chất lượng cao và bản tin dự báo trong trận bão vừa qua khá chính xác. Tuy vậy, trong bão vẫn còn một số người thiệt mạng do không tuân thủ tốt những khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Đặc biệt, tại thành phố Hà Nội, trong khi các cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân ở trong nhà khi có bão và chỉ ra ngoài khi có những việc cực kỳ cấp bách nhưng đường phố vẫn có khá nhiều người tham gia giao thông, dẫn tới một số người chết do cây đổ. Tại Quảng Ninh, một số người dân vẫn ở lại coi lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển nên bị sóng cuốn trôi và mất tích. Đặc biệt, như đã nêu ở trên, số người ở miền núi bị thiệt mạng, nhà cửa, tài sản bị tàn phá do lũ, lũ quét rất lớn.

Để giảm thiểu những thiệt hại này trong tương lai, cần phải xem xét, đánh giá và đề xuất những vấn đề cần được cải thiện trong xây dựng và thực hiện các giải pháp mềm nhằm ứng phó tốt hơn, giảm thiểu hơn thiệt hại do bão lũ gây ra.

Trong thời gian có bão, thông thường người dân cần các thông tin cập nhật kịp thời để có giải pháp phòng chống thích hợp. Ở Nhật Bản, khi có bão, hầu như tất cả các kênh vô tuyến truyền hình đều phát tin bão 30 phút một lần đồng thời với những khuyến cáo về các giải pháp phòng chống bão, cứu hộ, cứu nạn hiệu quả.

Ở ta trong thời gian bão số 3 vừa qua theo quan sát của cá nhân tôi thì chỉ có hai kênh truyền hình thành phố Hà Nội liên tục phát tin bão. Các kênh truyền hình quốc gia và địa phương có bão, thậm chí bão mạnh, rất ít phát tin về bão.

Mặc dù đã biết trước rằng thiệt hại lớn nhất về nhân mạng sẽ xảy ra sau bão, khi mà mưa lớn gây lũ, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng các bản tin thời tiết được phát trong thời gian bão không nhấn mạnh thông tin về mưa lớn và khả năng xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất cũng như khuyến cáo về giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất.

2. Quy trình vận hành chống lũ liên hồ

Những gì diễn ra với cơn bão Yagi cho thấy vai trò quan trọng của quy trình này. Nếu không làm tốt được công tác vận hành liên hồ chứa thủy điện sẽ gây ra áp lực rất lớn lên các con sông, khiến nước dâng nhanh bất ngờ không kịp trở tay, gây thiệt hại người và tài sản.

Chúng ta biết rằng, quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ và mùa cạn khác nhau. Mùa lũ từ 15/6 tới 15/9 chia thành thời kỳ lũ sớm, thời kỳ lũ chính vụ từ ngày 20/7 đến ngày 21/8 và thời kỳ lũ muộn từ ngày 22/8 đến ngày 15/9. Trong mỗi thời kỳ, căn cứ vào dự báo lũ thượng nguồn các hồ và dự báo lũ tại khu vực hạ du quan trọng (với sông Hồng là Hà Nội) thì chế độ xả đón lũ tới mực nước được quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa.

Tuy nhiên, có một vấn đề ở đây là quy trình vận hành chống lũ liên hồ của một số hồ thủy điện chưa được rõ ràng. Thí dụ, theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng thì trong thời kỳ lũ muộn từ 22/8 tới 15/9, hồ Thác Bà được phép tích dần đến mực nước dâng bình thường. Trong quá trình tích nước, nếu Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo có khả năng xảy ra lũ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai xem xét quyết định việc vận hành điều tiết để hạ dần mực nước các hồ nhưng tối đa không thấp hơn giá trị mực nước quy định của hồ là 57m.

Trên thực tế thì quy trình vận hành hồ Thác Bà ban hành theo Quyết định số 4629/QĐ-BCT ngày 14/12/2018 của Bộ Công thương về việc phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Thác Bà lại không quy định về việc hồ phải xả nước để đón lũ khi có lũ muộn. Vì vậy, trước bão hồ đã tự xả lũ và giảm mực nước xuống còn 57,4m. Tuy nhiên, do lũ sông chảy về quá lớn nên hồ thủy điện Thác Bà đã xảy ra tình trạng mực nước trong hồ vượt mực nước với chu kỳ lặp lại 1.000 năm, dẫn tới nguy cơ phải phá đập phụ để bảo vệ an toàn hồ đập.

Như vậy ta đã không có phương án dự phòng trong trường hợp bão và lượng mưa cực đoan, nhất là toàn bộ các hồ đập trên hệ thống sông chính và chi lưu của sông Hồng đều đồng thời cùng đột ngột tăng lượng nước. Trong ví dụ trên, cần chú ý thêm là quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Thác Bà ban hành trước quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng và về mặt nguyên tắc cần phải sửa và ban hành lại, nhưng tới nay vẫn chưa ban hành lại.

Như vậy, để hạn chế thiệt hại cần phải rà soát, phân tích rất kỹ những sai sót nêu trên và những sai sót còn chưa được nêu ra ở đây, rà soát những quy định pháp luật, đặc biệt các quy định dưới luật về phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn nhằm chỉnh sửa, khắc phục tất cả những điểm yếu kém nhằm đảm bảo tất cả cán bộ chính quyền và người dân tại các khu vực có rủi ro thiên tai cao nắm được những kiến thức cần thiết về thiên tai và các giải pháp phòng chống thiên tai. Cần thực hiện một cách nhanh và hiệu quả tất cả các giải pháp mềm để phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

3. Phổ biến tài liệu về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Không chỉ riêng cơn bão Yagi năm nay kích hoạt nhiều vụ lũ quét sạt lở đất mà nhiều năm trước chúng ta đã phải hứng chịu rất nhiều sự kiện cực đoan như vậy. Một trong những giải pháp để phòng ngừa nguy cơ này là xây dựng các quy trình ứng phó và tài liệu phổ biến về các nguy cơ thiệt hại do thiên tai bão lũ, các dấu hiệu nhận biết lũ, lũ quét, sạt lở đất và giải pháp phòng tránh.

Tuy nhiên, quy trình ứng phó và tài liệu thiết thực như thế chưa được phổ biến tới tất cả các vùng và người dân tại các vùng có nguy cơ cao. Nhiều vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ, lũ quét chưa được cảnh báo kịp thời và chưa có phương án sơ tán dân để phòng, tránh. Công tác chuẩn bị về giao thông liên lạc tại các Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện chưa được tốt nên nhiều trường hợp khi mất điện là mất liên lạc.

Việc xác định các khu vực có nguy cơ, rủi ro thiên tai cao và xây dựng, thực hiện việc di dân tới nơi an toàn chưa được làm hiệu quả. Một số khu vực được sử dụng để di dân phòng chống thiên tai không có điều kiện phù hợp để canh tác, làm người dân không tạo được sinh kế bền vững nên phải quay lại bản cũ để canh tác, vừa lãng phí nguồn lực vừa không giảm được rủi ro thiên tai.

Vậy chúng ta nên sửa chữa điều này như thế nào? Hiện nay, chúng ta đã có bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Thậm chí, Tổng cục Khí tượng Thủy văn còn có hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét và sạt lở đất theo thời gian thực.

Bản đồ chung tỷ lệ 1:50.000 đã có ở 15 tỉnh. Bản đồ tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000 về hiện trạng trượt lở ở một số khu vực có nguy cơ cao. Có thể sử dụng các bản đồ này để khoanh vùng cấp thôn, cấp xã. (Nghĩa là đối chiếu 1cm trên bản đồ bằng với 10.000 cm trên thực địa để khoanh vùng các địa điểm trên thực tế thực tế)

Các bản đồ và hệ thống này có thể được sử dụng để xây dựng các tài liệu tuyên truyền về lũ quét, sạt lở đất bao gồm nguy cơ, các dấu hiệu nhận biết lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn, các giải pháp sơ tán phòng lũ quét, sạt lở đất khi có cảnh báo. Cần tổ chức các lớp tập huấn và chuyển các tài liệu dễ hiểu tới tận tay người dân và cán bộ chính quyền tại các thôn, bản có nguy cơ cao. Đặc biệt, với mục đích ưu tiên tránh thiên tai, cần khảo sát, đánh giá kỹ những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đã được xác định trên các bản đồ và di dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao này.

Để việc này thành công, cần thực hiện một cách cẩn trọng việc điều tra, khảo sát để tìm những khu vực vừa an toàn đối với thiên tai, vừa giúp đồng bào các dân tộc ít người miền núi khi di dời tới các khu vực tái định cư có thể có sinh kế bền vững theo truyền thống và bảo tồn được các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, cũng cần từng bước chuyển đổi sinh kế để giảm áp lực khai thác tài nguyên, phục hồi rừng và các sinh cảnh tự nhiên để giảm các nguy cơ lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất.