Thí nghiệm phi hành gia song sinh
Vào tháng 3 năm 2016, phi hành gia Scott Kelly của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) quay trở lại Trái đất sau 340 ngày làm việc trên trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Khi Scott sống trên ISS, các nhà khoa học đồng thời quan sát người anh em song sinh của Scott tên là Mark Kelly với cuộc sống bình thường trên Trái đất. Mục đích của họ là nghiên cứu những thay đổi của cơ thể người nếu thực hiện chuyến bay vào vũ trụ thông qua các biện pháp xét nghiệm máu, nước bọt, nước tiểu, siêu âm, quét xương, chích ngừa cúm và nhiều thứ khác.
Theo những phát hiện ban đầu của nghiên cứu, khoảng thời gian Scott Kelly ở trên quỹ đạo đã làm thay đổi vĩnh viễn một phần biểu hiện gene (ADN) của ông. Đặc biệt, các nhà khoa học nhấn mạnh sự hiện diện của cái gọi là “gene không gian” trong cơ thể Scott Kelly.
“93% gene của Scott Kelly quay trở lại trạng thái bình thường sau khi trở về Trái đất. Tuy nhiên, đã có sự thay đổi lâu dài trong 7% gene còn lại liên quan đến hệ miễn dịch, sửa chữa ADN, hình thành xương, giảm oxy (hypoxia) hoặc tăng CO2 (hypercapnia) trong máu”, NASA cho biết.
Phi hành gia Scott Kell (bên phải) cùng người anh em song sinh Mark Kelly. Ảnh: NASA
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với trang Fox News, Scott Kelly cho biết hệ vi khuẩn sống trong cơ thể của ông cũng bị thay đổi đáng kể khi sống trong không gian. Giống như các phi hành gia khác, Scott Kelly cũng tăng chiều cao tạm thời trong không gian.
Telomere trong tế bào bạch huyết của Scott Kelly cũng có những thay đổi đáng kể. Telomere là mũ bảo vệ ở cuối nhiễm sắc thể, tác động đến sự lão hóa và bệnh tật. Khi chúng ta già đi, chúng sẽ trở nên ngắn hơn. “Telomere của tôi đã dài ra khi tôi ở trong không gian, nhưng chúng nhanh chóng co lại như kích thước bình thường khi trở về Trái đất”, Scott Kelly nói.
Sứ mệnh tương lai
Nhiều tổ chức trên khắp nước Mỹ bao gồm Đại học Stanford, Đại học Johns Hopkins, Đại học Pennsylvania, Đại học California…đã tham gia vào nghiên cứu hai anh em song sinh. Phát hiện của họ cực kỳ hữu ích cho Chương trình Nghiên cứu Con người của NASA, nhằm mục đích giữ cho phi hành gia an toàn và khỏe mạnh trong không gian.
Kết quả nghiên cứu cũng là tiền đề quan trọng cho các nhiệm vụ trong tương lai để đi tới sao Hỏa. Mục tiêu của NASA là đưa tàu vũ trụ có người lái bay vào quỹ đạo thấp của hành tinh đỏ vào thập niên 2030. Tuy nhiên chuyến hành trình này có thể mất tới hai năm rưỡi, và các nhà khoa học đang muốn tìm hiểu tác động của những nhiệm vụ dài hạn trong không gian tới sức khỏe thể chất và trí tuệ của phi hành gia.
Scott Kelly là người Mỹ đầu tiên trải qua 12 tháng liên tiếp trên quỹ đạo xung quanh Trái đất. Kelly trải qua tổng cộng 520 ngày trong không gian khi làm việc tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Ông nghỉ hưu vào năm 2016. |