Các nhà khoa học đang nghiên cứu những loại virus nào có thể gây bùng phát dịch bệnh. Các chính phủ sẽ phải có một chiến dịch phản ứng nhanh chóng hơn, tầm nhìn dài hạn hơn: một đồng cho phòng dịch hôm nay sẽ giúp tiết kiệm nhiều đồng và sinh mạng trong tương lai.
Vào ngày 30/12/2019, Tổ chức y tế Thế giới thông báo có hai ca bệnh lạ, mà sau này được biết với cái tên COVID-19. Bệnh lây lan theo cấp số nhân, từ một số rất ít bệnh nhân đã lan rộng thành đại dịch với tốc độ đáng báo động, đến đầu tháng 3/2020 số ca bệnh tích lũy vượt mốc 6 chữ số và đến cuối tháng ba thì vượt mốc một triệu.
Một kỹ thuật viên xét nghiệm kháng thể trung hòa virus MERS tại Viện Vaccine Quốc tế tại Seoul, Hàn Quốc, 11/3/2020. Ảnh: Ed Jones/AFP/Getty
Trước khi biện pháp ứng phó phù hợp được đưa ra, bệnh dịch vượt quá tầm kiểm soát. Chính tốc độ lây lan theo cấp số nhân của SARS-CoV-2 đã dạy chúng ta phải đi nhanh hơn nữa, và chúng ta hiểu rằng nếu can thiệp từ sớm, có thể kịp ngăn chặn những đại dịch tương tự tiếp theo. Một ước tính vào tháng 5/2020 cho rằng ban hành các biện pháp giãn cách xã hội sớm hơn hai tuần vào tháng ba năm đó có thể đã ngăn chặn 83% số ca tử vong tại Mỹ vào tháng năm.
Đối phó với dịch bệnh, tốc độ phản ứng là yếu tố tối quan trọng. Vaccine được ước tính đã cứu sống 1.1 triệu người vào cuối tháng 11/2021, và các phương pháp điều trị hiệu quả cũng cứu nhiều người khác.
COVID-19 không phải là căn bệnh cuối cùng có khả năng phát triển thành đại dịch. Đại dịch COVID đang dần bị bỏ lại sau lưng, nhân loại cần chuẩn bị đối mặt với đại dịch tiếp theo ngay từ bây giờ. Tốc độ và thời gian là điều cốt yếu. Để chống lại kẻ thù tiếp theo, giới chuyên môn cho rằng cần có một kế hoạch tăng tốc nghiên cứu và phát triển vaccine và các phương pháp điều trị. Kế hoạch đó sẽ nhắm vào các mầm bệnh “khả nghi”, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thử nghiệm các vaccine và thuốc kháng virus tiềm năng.
Một vài ý tưởng về đại dịch tiếp theo
Trước COVID-19, thế giới đã được cảnh báo rằng họ hàng nhà coronavirus là một kẻ thù nguy hiểm. SARS và MERS là hai ví dụ điển hình. Các nhà nghiên cứu vaccine đã nghiên cứu tạo ra các vaccine tiềm năng chống lại SARS và MERS, bắt đầu với thử nghiệm nghiệm pha I. Kết quả ban đầu cho thấy vaccine từ Sinovac, Trung Quốc (2007) và Vical, Mỹ (2008) an toàn và tạo phản ứng miễn dịch trên một số lượng nhỏ tình nguyện viên. Nghiên cứu của Công ty GeneOne từ Hàn Quốc với vaccine MERS pha I năm 2019 đã cho thấy tính an toàn và đáp ứng miễn dịch.
Thử nghiệm pha II cần lượng tình nguyện viên lớn hơn, tốn kém hơn, nhưng vaccine SARS và MERS chưa bao giờ bước sang giai đoạn này, có lẽ do không được các nhà tài trợ quan tâm.
Peter Hotez và Maria Elena Bottazzi tại bệnh viện nhi Texas cho biết nghiên cứu vaccine SARS của họ cạn tiền trước khi có thể bắt đầu thử nghiệm trên người. Sau đợt bùng phát MERS tại Hàn Quốc năm 2015, giáo sư Adrian Hill của Đại học Oxford đã trả lời tờ Reuters rằng: “Chúng ta có nên sản xuất vaccine MERS không? Nên. Vậy ai đủ tiền cho việc đó? Chính là Chính phủ Ả Rập Saudi. Ai đó nên phát triển vaccine này sớm đi chứ”.
Adrian Hill và đồng nghiệp cuối cùng đã thử nghiệm vaccine MERS tại Ả Rập Saudi vào tháng 12/2019, ngay trước khi COVID-19 bùng phát. Hill sau đó tiếp tục giúp Oxford/AstraZeneca phát triển vaccine COVID. Còn Hotez và Bottazzi cũng mới công bố vaccine của riêng họ.
Đối với các nhà đầu tư, nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine SARS và MERS không phải là cách sử dụng ngân sách hiệu quả. Các căn bệnh này tuy rất nguy hiểm nhưng khó lây hơn và chỉ làm tử vong vài trăm người trong nhiều năm trở lại đây, vì ngăn chặn được bằng các biện pháp kiểm dịch thông thường. Ngược lại, HIV đã giết chết 680,000 người trong năm 2020, là đối tượng đáng lưu tâm hơn. HIV đã ngốn 15 tỷ đô la tiền tài trợ cho nghiên cứu từ năm 2000 đến 2018.
Các công ty dược phẩm, chính phủ và các tổ chức từ thiện đã không nhìn ra rủi ro, không xem SARS hay MERS như những điềm báo trước cho một loại virus tương tự, chỉ khác là có vài thay đổi trong bộ gene, lại có thể khiến thế giới phải khuất phục. Nếu đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và được đưa vào sử dụng, các vaccine MERS và SARS có lẽ đã bảo vệ một phần nào dân số trước COVID-19, hoặc ít ra đã mở rộng đường hơn cho việc phát triển vaccine COVID-19.
Vì vậy, giờ đây các nhà khoa học đang cùng hướng việc thử nghiệm các vaccine phổ rộng giúp chống lại hàng chục loại virus có khả năng gây ra dịch bệnh trong tương lai. Tất nhiên, hầu hết các căn bệnh này sẽ không bùng phát. Nhưng một khi xảy ra, chúng ta đã có sẵn trong tay vaccine cho khoảng 100 loại virus có khả năng biến đổi thành mầm bệnh gây đại dịch. Cái giá phải trả khi đó sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc “để sổng” cho nó hoành hành trong 1-2 năm trước khi phổ cập những vaccine hiệu quả.
Thử nghiệm thuốc và vaccine từ trước khi dịch bệnh xảy ra
Nhìn chung vaccine trải qua ba giai đoạn thử nghiệm trước khi được đưa ra thị trường:
Pha I có 20-80 người tham gia, chứng minh tính an toàn của vaccine, và xác định liều lượng thích hợp.
Pha II có khoảng 100-300 người tham gia, nhằm thử nghiệm ban đầu tính hiệu quả của vaccine. Các bằng chứng về khả năng bảo vệ như sự sản sinh kháng thể, chỉ dấu rằng hệ miễn dịch thành công chống lại mầm bệnh.
Pha III có vài trăm đến 3,000 người tham gia, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của vaccine, đồng thời ghi nhận trên các nhóm đối tượng riêng cần quan tâm hơn như người già, trẻ em, phụ nữ.
Pha IV diễn ra khi thuốc hoặc vaccine đã được tung ra thị trường, nhằm ghi nhận các tác dụng phụ hiếm gặp hơn và đo lường hiệu quả trên các quần thể dân số cụ thể. Thời gian của mỗi giai đoạn rất khác nhau tùy vào phương pháp điều trị.
Ví dụ: vaccine COVID của Pfizer/BioNTech đã thử nghiệm pha I vào tháng 5/2020 và hai tháng sau đã bước vào thử nghiệm kết hợp hai pha II/III. Cuối cùng được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp sau đó năm tháng.
Điểm then chốt chính là ở chỗ này: đối với các mầm bệnh tiềm năng, chúng ta có thể thử nghiệm vaccine và thuốc ở pha I và II trước nhiều năm, và có thể bước vào pha III ngay khi đại dịch chực bùng phát, tiết kiệm cho nhân loại rất nhiều thời gian quý giá.
Florian Krammer, giáo sư virus học ại trường Y khoa Icahn, Mount Sinai đã đưa ra gợi ý trên tạp chí Med về cách tổ chức một chương trình quy mô lớn để phát triển vaccine cho các mầm bệnh nguy cơ cao gây ra đại dịch:
1. Lập danh sách 100 virus nguy cơ cao.
2. Các nhóm sản xuất các vaccine tiềm năng cho từng mầm bệnh.
3. Thử nghiệm pha I và II cho từng loại vaccine.
4. Khi đại dịch xảy ra, chọn các vaccine gần nhất với chủng gây đại dịch, điều chỉnh nó cho phù hợp hơn để tiến hành ngay thử nghiệm pha III.
5. Cấp phép sử dụng khẩn cấp chỉ sau vài tháng, sau khi chứng minh tính hiệu quả.
Quy trình tương tự có thể được áp dụng với thuốc kháng virus. Các thuốc kháng virus phổ rộng có thể nhắm đến nhiều loại virus, tương tự như penicillin chống lại được nhiều loại vi khuẩn. Molnupiravir, thuốc chống COVID được phê duyệt gần đây, là một thuốc kháng virus phổ rộng ban đầu được sử dụng như một phương pháp điều trị cúm.
David Morens, Jeffery Taubenberger, và Anthony Fauci từ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ NIAID đã kêu gọi phát triển vaccine phổ rộng chống lại coronavirus. Nó có thể không toàn năng (vì không thể dự đoán mọi đột biến khả thi của họ virus này, như SARS-CoV-2 đã chứng minh), nhưng nó sẽ cung cấp khả năng bảo vệ rộng hơn và giảm khả năng bùng phát bệnh dịch do virus cúm hoặc coronavirus.
Liên minh đổi mới ứng phó dịch bệnh CEPI, tổ chức phòng chống đại dịch quốc tế hàng đầu đang tập trung vào khoảng 25 họ virus tiềm năng gây ra đại dịch, trong khi NIAID duy trì một danh sách các mầm bệnh sinh học là mối đe dọa sinh học. Năm 2015, WHO cũng lập một danh sách gồm 6 virus đã biết cần nghiên cứu, NIAID nhắm đến 7 họ virus để phát triển thuốc kháng virus.
Sáng kiến phát triển nhanh thuốc kháng các virus mới nổi READDI do Đại học North Carolina dẫn đầu muốn đóng vai trò tương tự như CEPI đối với vaccine. Trọng tâm của nó là phát triển các thuốc kháng virus phân tử nhỏ chống lại toàn bộ các họ virus có khả năng cao gây đại dịch.
Xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thử nghiệm lâm sàng
Các nhà chuyên môn đề xuất nâng cấp cơ sở hạ tầng ngay từ bây giờ: thiết lập cơ sở hạ tầng của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ phù hợp cho các thử nghiệm lâm sàng chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Nghĩa là lập sẵn danh sách tình nguyện viên đăng ký trước, thiết lập cách thức chia sẻ dữ liệu với bệnh viện của họ, chuẩn bị kế hoạch hành động ngay tức thời khi đại dịch bùng phát.
Nghiên cứu tốt nhất, nhanh nhất về các phương pháp điều trị COVID-19 là UK RECOVERY, tiến hành trong vòng sáu tuần kể từ khi công khai vào tháng 3/2020 và nhanh chóng thu thập dữ liệu từ các bệnh viện trực thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia NHS. Sự thành công của UK RECOVERY là nhờ vào hệ thống quản lý y tế tập trung của Anh: hầu hết các bệnh viện được điều hành thống nhất bởi chính phủ và có hệ thống cơ sở dữ liệu chung, giúp cho việc thu thập thông tin về bệnh nhân đơn giản hơn rất nhiều.
Đối với các nền y tế không được như nước Anh, thiết lập lại cơ sở hạ tầng từ đầu là điều gần như bất khả thi. Nhưng các cơ quan quản lý sẽ vẫn tiến hành nghiên cứu thu thập được dữ liệu chất lượng cao - bệnh nhân được các nghiên cứu viên chọn ra ngẫu nhiên, đảm bảo độ tin cậy của dữ liệu, nhanh hơn so với các nghiên cứu quan sát quy mô lớn, vốn áp dụng các phương pháp điều trị không ngẫu nhiên rồi được sàng lọc lại để xác định cái nào hiệu quả, cái nào không.
Trong cách tiếp cận truyền thống, nghiên cứu chỉ đo lường được hiệu quả nếu có đủ người phơi nhiễm với mầm bệnh (chẳng hạn COVID-19 với số người nhiễm bệnh lên đến hàng trăm triệu). Nghiên cứu dạng này rất khó tiến hành trong thời gian không xảy ra đại dịch, hoặc khi đợt bùng phát được kiểm soát tốt.
NIAID đã công bố kế hoạch thực hiện nhiều nghiên cứu hơn trên các mầm bệnh sơ khởi (chưa gây hại nhưng tiềm ẩn nguy cơ) lẫn các mềm bệnh ưu tiên (đã gây hại nhưng có thể phát triển thêm) như Zika.
Vấn đề là không đủ tiền từ chính phủ, các quỹ từ thiện và từ tư nhân để tài trợ cho nghiên cứu và phát triển vaccine cho từng mầm bệnh. Mỗi vaccine sẽ cần khoảng 20-30 triệu USD cho thử nghiệm pha I và II, các nghiên cứu tiền lâm sàng thậm chí còn ngốn nhiều tiền hơn. Nếu 100 mầm bệnh tiềm năng đều có một vaccine tương ứng, các nhà chuyên môn ước tính cần ít nhất 3 tỷ USD.
Một số tổ chức đã nỗ lực bắt đầu. Như CEPI, được thành lập năm 2016 từ quỹ Bill & Melinda Gates và một số chính phủ, đã dẫn đầu nỗ lực này khi tài trợ ba dự án vaccine trước khi COVID bùng phát thành đại dịch, trong đó có cả vaccine của Moderna.
Nhưng CEPI không đủ lớn để đảm nhận toàn bộ dự án đồ sộ này. Họ đang cố gắng huy động 3.5 tỷ USD trong năm năm tới, nhằm phát triển nguyên mẫu vaccine cho 25 họ virus.
Quả thực vaccine không phải là một ngành kinh doanh lợi nhuận cao. Tiền thu được từ các thuốc điều trị hằng ngày cho các bệnh mạn tính nhiều hơn so với một vài mũi tiêm có hiệu lực bảo vệ lâu dài. Và việc phát triển vaccine và thuốc điều trị cho một căn bệnh chưa xuất hiện rõ ràng sẽ không thu được một đồng nào.
Các nhà chuyên môn vẫn chờ đợi các khoản tài trợ cho nghiên cứu vaccine cũng như an ninh sinh học nói chung. Đó rõ ràng là cái giá rất rẻ phải trả để ngăn chăn những thảm họa có thể xảy tới trong tương lai.
Nguồn: vox.com