Bằng việc tận dụng lại những thứ tưởng chừng như bỏ đi, hai bạn học sinh lớp 11 trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) đã chế tạo thành công chiếc túi nilon làm từ tinh bột khoai tây.

Hiện nay, túi nilon là một vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, do những đặc tính của mình, đặc biệt là khó phân hủy, túi nilon đang trở thành một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Việc tìm ra những loại vật liệu mới, phân hủy được thay thể túi nilon đang là vấn đề được nhiều quốc gia, doanh nghiệp thúc đẩy nhằm xây dựng được những sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Không nằm ngoài mục đích đó, hai bạn trẻ Lê Duy Khang và Nguyễn Hoàng Dung, lớp 11 chuyên Hóa trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) đã tìm cách để chế tạo ra một chiếc túi nilon từ tinh bột khoai tây.

Chia sẻ về lý do thực hiện đề tài, Hoàng Dung cho biết, “Tụi em rất thường hay đi ăn KFC hay Lotte. Ở đó, người ta chế biến khoai tây ngay tại chỗ. Em quan sát thấy, khi gọt vỏ, phần thịt dính trên đó còn lại rất nhiều, vứt đi rất lãng phí nên trong đầu đã nghĩ ra là tại sao mình không tận dụng phần bỏ đi đó để làm một cái gì đó thật hữu ích. Tình cờ, trong một lần xem tivi, biết được túi nilon đang gây ra một sự ô nhiễm lớn do khó khăn trong quá trình phân hủy. Thế là ý tưởng làm một chiếc túi từ tinh bột khoai tây đã được hình thành”.

Duy Khang cho biết, nhiều người nghe túi làm từ khoai tây thì cứ nghĩ là phải 100% tinh bột. Nhưng trên thực tế, đây là sự kết hợp giữa hạt nhựa PVA và tinh bột khoai tây. Sự kết hợp này sẽ biến chiếc túi thành một sản phẩm sinh học, có khả năng phân hủy cao và an toàn, thân thiện với môi trường.

Chiếc túi nilon được chế tạo từ tinh bột khoai tây.
Chiếc túi nilon được chế tạo từ tinh bột khoai tây.

Theo đó, hạt nhựa PVA sẽ được nấu và gia nhiệt trên bếp từ trong khoảng 2 tiếng đồng hồ để cho ra dung dịch keo PVA.

Cùng với đó, vỏ khoai tây được thu gom về, rửa sạch và bỏ vào máy xay sinh tố xay nhuyễn cùng 1 ít nước. Sau một thời gian, tinh bột khoai tây lắng xuống, tiến hành đổ nước đi và phơi khô số tinh bột còn lại này. Tiếp đến là mang số tinh bột đã phơi khô đi rây để lấy hoàn toàn tinh bột mịn, hòa tan vào nước nóng để tạo thành hồ tinh bột.

Sau đó, mang hai hỗn hợp keo PVA và hồ tinh bột trộn lại với nhau để tạo ra hỗn hợp mới. Mang hỗn hợp này đổ vào khuôn để tạo thành màng và được ép nóng để cho ra sản phẩm cuối cùng.

Theo Duy Khang, qua khảo sát, 1 chiếc túi 19 x19 cm có khả năng đựng một vật nặng 1,5 kg, tương đương ½ độ bền truyền thống của các túi nilon thông thường. Với 100g vỏ khoai tây, sẽ làm ra được khoảng 3 chiếc túi như đã nói ở trên.

“Trên lý thuyết thì có vẻ rất dễ thực hiện, nhưng hai bọn em đã phải mất mấy tháng trời mới có thể cho ra đời một chiếc túi hoàn chỉnh”, Hoàng Dung cười chia sẻ.

Theo Hoàng Dung, điều khó nhất khi thực hiện đề tài là tìm ra tỷ lệ cân đối giữa dung dịch keo PVA và hồ tinh bột. Bởi nếu dung dịch keo nhiều quá thì túi sẽ mất đi khả năng phân hủy, trở thành những chiếc túi nilon thông thường. Nhưng nếu tỷ lệ hồ tinh bột nhiều quá, thì túi không có độ bên cơ học và không thể sử dụng. “Để làm được điều này, hai đứa tụi em đã phải làm đi làm lại liên tục mấy chục lần, nhiều lúc nản chỉ muốn nghỉ luôn”, Dung nhớ lại.

Duy Khang cho biết thêm, ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, hai bạn chỉ tiến hành xay và thu lấy tinh bột thô, nên khi hoàn thành, trên bề mặt chiếc túi đọng lại những vết xơ rất xấu và độ bền không cao. Việc làm khô màng trước khi đem đi ép cũng là cả một vấn đề khi không có dụng cụ chuyên dụng.

“Ban đầu, bọn em dùng máy sấy để sấy, nhưng phương pháp này chỉ làm khô được bề mặt phía trên của lớp màng chứ không khô đều được bên dưới. Đem màng này đi phơi nắng thì một ngày cũng chỉ được vài tiếng và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Cũng may, nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô, cuối cùng bọn em cũng hoàn thành được đề tài”.

Được biết, với sản phẩm của mình, hai bạn Nguyễn Hoàng Dung và Lê Duy Khang đã xuất sắc giành giải nhì của cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật giành cho học sinh THPT cấp quốc gia vừa mới được tổ chức tại Đồng Nai.

Trong tương lai, hai bạn cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn nữa sản phẩm, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.