"Kỳ lân Siberia" được cho là từng dạo chơi trên Trái Đất cách đây 29.000 năm.


Một nghiên cứu mới đây vừa tiết lộ rằng rất có thể loài kỳ lân Siberia đã dạo chơi trên hành tinh trong thời gian gần hơn chúng ta nghĩ.

Kì lân Siberia hay còn gọi là tê giác chi thú xương mỏng sibiricu. Ảnh: CNN.
Kì lân Siberia hay còn gọi là tê giác chi thú xương mỏng sibiricu. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên tin xấu là loài kỳ lân này trông không giống với những sinh vật thần thoại được mô tả trong các truyền thuyết. Chúng có hình dáng giống tê giác hơn ngựa, đồng thời to và nhiều lông hơn ngựa và có một sừng dài trên đầu.

Loài kỳ lân thật (tê giác chi thú xương mỏng sibiricu) từng được cho là đã tuyệt chủng cách đây 350.000 năm.

Tuy nhiên, hộp sọ hóa thạch của loài kỳ lân này đã được tìm thấy và được bảo quản tốt tại Kazakhstan. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Mỹ Applied Science, chỉ khoảng 29.000 năm trước đây, loài sinh vậy xù xì này vẫn còn sống và dạo bộ trên Trái Đất.

"Được biết hộp sọ này vẫn còn tương đối tốt và không có dấu hiệu của sự ăn mòn. Nhiều khả năng, đây là hộp sọ của một con đực to lớn”, nhà sinh vật cổ Andrey Shpanski của Đại học Tomsk, Nga (TSU) cho biết.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng phát hiện một điểm khá đặc biệt: tê giác sibiricu thuộc động vật ăn chay, với trọng lượng lên đến 4 tấn và cao 2 mét, dài gần 5 mét.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận thấy phía nam Tây Siberia có thể là nơi ẩn náu của loài tê giác này. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng phát hiện này sẽ giúp họ hiểu hơn về vai trò của yếu tố môi trường với sự tuyệt chủng và di cư của loài "kỳ lân Siberia".