Các nhà thiên văn học vừa phát hiện bằng chứng sao lùn nâu Wise 0855 có hơi nước trong khí quyển và mây. Đây là bằng chứng đầu tiên về mây chứa nước trong một thiên thể nằm ngoài hệ Mặt trời.

Hình ảnh ngôi sao lùn nâu Wise 0855. Ảnh: Beacontranscript
Hình ảnh ngôi sao lùn nâu Wise 0855. Ảnh: Beacontranscript

Những đám mây nước được tìm thấy xung quanh sao lùn Wise 0855, cách Trái đất 7,2 năm ánh sáng. Ngôi sao này trông giống một hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc và sao Thổ.

Wise 0855 ra đời không giống cách thức của hầu hết các sao khác. Chúng không bao giờ đạt khối lượng đủ tạo ra phản ứng nhiệt hạch hạt nhân - điều cần thiết để các ngôi sao tỏa sáng.

Trong nghiên cứu mới công bố, nhà thiên văn học Andrew Skemer thuộc Đại học California đã sử dụng kính thiên văn Gemini North ở Hawaii để nghiên cứu Wise 0855 liên tục trong 13 đêm. Kết quả thu được làm sáng tỏ thành phần hóa học cũng như các bằng chứng cho thấy Wise 0855 có những đám mây chứa nước hoặc nước đá.

“Chúng tôi nhận thấy sự có mặt của hơi nước trong khí quyển và trong những đám mây. Lượng hấp thụ ở đây rất giống với sao Mộc. Nhiệt độ của ngôi sao lùn này là khoảng âm 10 độ Fahrenheit. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một đối tượng bên ngoài hệ Mặt trời sở hữu những đặc điểm như vậy để nghiên cứu” - các nhà thiên văn học cho biết.

Phân tích quang phổ, các nhà khoa học nhận thấy Wise 0855 rất giống sao Mộc với đặc tính hấp thụ nước trong bầu khí quyển.

Điểm khác biệt là trong khi sao Mộc đầy rẫy phosphine - hợp chất được tạo thành từ phốtpho và hydro - thì Wise 0855 lại không hề có. Chính điều này làm cho ngôi sao lùn nâu có bầu khí quyển ít bất ổn hơn sao Mộc.