Tuy không đoán trước được thời điểm diễn ra, nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về một trận siêu động đất đang hình thành ở châu Á, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người và có thể hủy diệt thủ đô một nước.
Siêu động đất chắc chắn xảy ra
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng của một trận động đất lớn tại Bangladesh - một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, với rất ít dữ liệu trong quá khứ ở khu vực này, cộng với đặc điểm địa chất phức tạp, các nhà khoa học cho biết rất khó đoán trước khi nào trận động đất diễn ra; nhưng họ khẳng định đây sẽ là một trận siêu động đất với cường độ từ 8,2-9 độ Richter, ảnh hưởng tới ít nhất 140 triệu người trong khu vực.
“Chúng tôi không biết bao lâu nữa thì thảm họa sẽ diễn ra, bởi không có dữ liệu về lần cuối cùng xảy ra một trận động đất tương tự trong quá khứ; nhưng chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn nó đang hình thành” - nhà nghiên cứu Michael Steckler - thuộc Đại học Columbia, Mỹ - cho biết.
Kết luận trên là thành quả của 13 năm nghiên cứu, theo dõi địa chất trong khu vực - nơi các mảng kiến tạo Ấn Độ và Sunda giao thoa với nhau. Tuy đã biết đến tình trạng căng của hai mảng kiến tạo này, trước đó các nhà khoa học chỉ đưa ra giả thuyết là chúng sẽ trượt lên nhau theo chiều ngang - trạng thái chỉ có thể gây ra những trận động đất nhỏ.
Tuy nhiên, sau khi sử dụng các thiết bị mặt đất và hình ảnh GPS vệ tinh để đo hoạt động bề mặt trong khu vực giai đoạn 2003-2013, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng Bangladesh đang nằm trên một khu vực hút chìm rất lớn, nghĩa là mảng Ấn Độ đang thực sự đẩy bên dưới mảng Sunda với tốc độ 17mm/năm.
Nên nhớ, tất cả những trận động đất tồi tệ nhất đã xảy ra đều nằm dọc theo các đới hút chìm, trong đó có trận động đất tại Ấn Độ Dương vào năm 2004 và trận động đất gây ra thảm họa sóng thần Nhật Bản năm 2011.
Vùng hút chìm đặc biệt
Theo các nhà khoa học, vùng hút chìm bên dưới lãnh thổ Bangladesh là vùng hút chìm đầu tiên được phát hiện nằm dưới lòng đất. Các dữ liệu cho thấy, một khu vực 250km chạy ngay bên dưới thủ đô Dhaka đã bị khóa và đang tích tụ sức căng trong ít nhất 400 năm mà không bộc lộ bất cứ dấu hiệu nào.
“Một số nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ mối nguy hiểm này nhưng không có dữ liệu, mô hình để chứng minh. Giờ đây, chúng tôi đã có các dữ liệu, mô hình cụ thể và có thể ước lượng cường độ của trận động đất” - ông Steckler nói.
Các mô hình dự đoán rằng nếu xảy ra kịch bản xấu nhất là tất cả áp lực của vùng hút chìm này được giải phóng cùng một lúc, có thể biến cả khu vực thành vùng cát lún.
“Các con sông lớn trong phạm vi 16km chảy qua khu vực này có thể vỡ bờ và đổi dòng, gây ngập mọi thứ. Từng có thảm họa tương tự xảy ra trong quá khứ” - nghiên cứu lý giải.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên chỉ dựa trên dữ liệu đáng tin cậy 10 năm qua - thời gian không dài về mặt địa chất và vẫn tiếp tục nghiên cứu để làm rõ.
Cũng theo các nhà khoa học, thảm họa có thể không quá tồi tệ nếu chỉ có một phần của khu vực hút chìm giải phóng năng lượng trong một thời điểm.
Điều quan trọng nhất mà nghiên cứu này đem lại là giúp các nước trong khu vực bị ảnh hưởng bởi siêu động đất ý thức được thảm họa và có sự chuẩn bị cần thiết. Theo nhà địa chất Syed Humayun Akhter thuộc Đại học Dhaka, Bangladesh không hề có sự chuẩn bị cho một trận động đất nghiêm trọng như vậy.
“Bangladesh quá đông dân. Tất cả các lĩnh vực liên quan đến khí tự nhiên, công nghiệp nặng... đều được đặt gần nơi có khả năng xảy ra động đất và chúng có thể sẽ bị phá hủy. Khi thảm họa xảy ra, những hình ảnh thảm khốc tại thủ đô Dhaka chắc chắn sẽ nằm ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi và thậm chí có thể dẫn đến sự xóa sổ thành phố này” - ông Akhter nói.
Năm tới, một đội ngũ chuyên gia từ Đại học bang New Mexico (Mỹ) đã lên kế hoạch triển khai khoảng 70 máy đo địa chấn tại Myanmar.
Các nhà khoa học hy vọng rằng việc thu thập được nhiều dữ liệu sẽ tạo một bức tranh rõ ràng hơn về những gì đang xảy ra bên dưới một trong những khu vực đông dân cư nhất hành tinh, từ đó có thể vạch ra một kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.