Hàm răng nhỏ và sắc của loài khủng long Limusaurus, sống ở tây bắc Trung Quốc 160 triệu năm trước, biến mất khi chúng trưởng thành.

loai-khung-long-rung-sach-rang-khi-truong-thanh

Hình ảnh mô phỏng loài khủng long Limusaurus. Ảnh: George Washington University.

Các nhà khoa học phát hiện răng của loài khủng long Limusaurus, sống ở tây bắc Trung Quốc 160 triệu năm trước, biến mất khi chúng trưởng thành, Reuters hôm qua đưa tin. Đây là đặc điểm độc đáo chưa từng thấy ở các loài khủng long hay sinh vật tiền sử khác.

Hóa thạch 19 cá thể khủng long trong khoảng 1-10 tuổi được tìm thấy ở Tân Cương, Trung Quốc. Chúng nhiều khả năng chết do mắc kẹt trong hố bùn.

Nhóm nghiên cứu phát hiện những con non có răng nhỏ và sắc, trong khi con trưởng thành thì không. Hiện tượng này gọi là sự phát triển không răng, tức là răng thu nhỏ hoặc biến mất khi động vật trưởng thành. Một số động vật ngày nay cũng có đặc điểm này, bao gồm thú mỏ vịt ở miền đông Australia.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy những hòn đá trong bụng cá thể Limusaurus trưởng thành. Họ nhận định một số loài khủng long ăn thực vật đã nuốt đá để nghiền thức ăn trong dạ dày.

Các phát hiện này cho thấy chế độ ăn của loài khủng long Limusaurus từ lúc mới sinh tới khi trưởng thành có thể khác nhau. Con non ăn côn trùng, động vật có xương nhỏ, trong khi khủng long trưởng thành ăn thực vật.

"Phát hiện này cho thấy sự trưởng thành và phát triển của khủng long phức tạp hơn chúng ta dự đoán", James Clark, nhà cổ sinh vật học đến từ trường Đại học George Washington, Mỹ, nhận xét.