Với những kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã kịp thời hỗ trợ khử khuẩn một cách an toàn, nhanh chóng các trang thiết bị vật tư y tế của Bệnh viện Bạch Mai, một ổ dịch COVID-19 lớn giữa Thủ đô.

TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm, giới thiệu dây chuyền chiếu xạ. Hàng hóa đặt trong thùng nhôm để đảm bảo độ hấp thụ đồng đều và sau đó được dây chuyền đưa vào trong buồng chiếu xạ.
TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm, giới thiệu dây chuyền chiếu xạ. Hàng hóa đặt trong thùng nhôm để đảm bảo độ hấp thụ đồng đều và sau đó được dây chuyền đưa vào trong buồng chiếu xạ.

Trước khi Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội tiến hành khử khuẩn cho Bệnh viện Bạch Mai, người ta mới chỉ biết đến những hoạt động “bề nổi” của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội qua những đợt chiếu xạ vải xuất khẩu ồ ạt theo mùa vụ mà không biết rằng, các bệnh viện như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện Bỏng quốc gia… đều là các “khách quen” của Trung tâm. Họ cần đến Trung tâm - nơi đủ khả năng cung cấp giải pháp hiệu quả với thời gian khử trùng gói gọn trong một ngày, trong khi việc khử trùng thông thường như ethylene oxide lại đòi hỏi thời gian khử khuẩn khá dài - cho các mẫu bệnh phẩm như xương sọ, xương tay, xương chân tháo ra để phẫu thuật hoặc các mô trước khi ghép cho người buộc phải làm sạch, xử lý để không bị nhiễm khuẩn.

Việc xuất hiện một cơ sở ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong khử khuẩn, tiệt trùng như Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã làm thay đổi cách nghĩ của nhiều nhà sản xuất thuốc đông dược ở Việt Nam. Trước đây, họ thường xông lưu huỳnh để xử lý nấm mốc cho các nguồn dược liệu. Tuy vậy việc đốt lưu huỳnh được khuyến cáo là có thể phát sinh lưu huỳnh điôxít, một trong những chất gây ô nhiễm môi trường và có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nên hiện nay hầu hết doanh nghiệp đều chọn cách chiếu xạ. “Chiếu xạ thì đảm bảo rất sạch nấm mốc, vi khuẩn, virus, mà không ảnh hưởng gì đến chất lượng sản phẩm và không để lại bất kỳ một di chứng phóng xạ nào trên hàng hóa cả,” TS. Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, nói. “Ngoài chiếu xạ thì không còn cách khử khuẩn nào tốt hơn cho các thiết bị bảo hộ y tế nữa.”

Bước kiểm tra vi sinh đầu vào, đầu ra của hàng hóa tại phòng thí nghiệm của Phòng Nghiên cứu Công nghệ bức xạ. Các hoạt động nghiên cứu tại đây ngoài bảo quản nông sản, hàng hóa chiếu xạ, còn có nghiên cứu đột biến, vật liệu, kiểm dịch, v.v… liên quan đến công nghệ bức xạ.
Bước kiểm tra vi sinh đầu vào, đầu ra của hàng hóa tại phòng thí nghiệm của Phòng Nghiên cứu Công nghệ bức xạ. Các hoạt động nghiên cứu tại đây ngoài bảo quản nông sản, hàng hóa chiếu xạ, còn có nghiên cứu đột biến, vật liệu, kiểm dịch, v.v… liên quan đến công nghệ bức xạ.

Khi đi qua một vòng trong kho hàng chuẩn bị chiếu xạ, chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều thương hiệu dược phẩm, mỹ phẩm thuộc dạng có tiếng nhất trong các thương hiệu của Việt Nam đang chờ xếp lượt. Dù các nhãn hiệu này rất phong phú nhưng chúng tôi không thể nêu tên, vì theo lưu ý của TS. Đặng Quang Thiệu, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ còn e ngại công khai thông tin bởi một điều tưởng chừng rất đơn giản: nhiều người vẫn còn… sợ chiếu xạ. Tuy nhiên trên thực tế, việc chiếu xạ phổ biến hơn so với nhiều người tưởng tượng. Nếu ai đó đã từng ăn bò khô, từng dùng đông dược, mỹ phẩm sản xuất tại miền Bắc thì rất có thể những vật phẩm đó đã đi qua nguồn phóng xạ Cobalt-60 trên dây chuyền của Trung tâm. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến trên Báo Đại biểu Nhân dân, TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết thông thường Trung tâm có trách nhiệm tư vấn cho khách hàng về liều chiếu xạ đáp ứng các yêu cầu đối với sản phẩm chiếu xạ về chất lượng sản phẩm, khả năng bảo quản và độ sạch sinh học, và thực hiện việc chiếu xạ với liều chiếu xác định trong giới hạn quy định của Bộ Y tế Việt Nam hoặc quốc gia nhập khẩu.

Để sẵn sàng đón nhận những đơn hàng lớn, dự án “Cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội phục vụ chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu” do Bộ KH&CN đầu tư đã đem lại cho Trung tâm một hệ thống kho đầu vào, hai kho lạnh diện tích 200 m2 cùng nhiều hạng mục khác. Không chỉ có vậy, dự án này còn đem lại cho Trung tâm khả năng xử lý chiếu xạ sản phẩm cho nhiều mục đích khác nhau, từ ức chế nảy mầm, làm chậm chín hoa quả tươi đến giảm nhiễm vi sinh vật đối với thực phẩm khô… Dẫu vậy thì với số lượng khách hàng ngày một nhiều thêm, cộng thêm nhu cầu khử khuẩn thiết bị y tế trong đợt dịch COVID-19, Trung tâm đang rơi vào trạng thái quá tải. TS. Đặng Quang Thiệu nói: “Hiện nay về thực phẩm cũng phát sinh rất nhiều đơn hàng, như chân gà rút xương, hay bò khô chẳng hạn, họ đóng gói cẩn thận và gửi đến đây chiếu xạ. Nhờ chiếu xạ mà thời gian bảo quản được rất lâu mà chất lượng vẫn đảm bảo nên doanh nghiệp họ rất thích. Hơi tiếc là vì công suất không cho phép chúng tôi phục vụ được tất cả cùng thời điểm.”

Đường ray đưa các thùng hàng hóa vào trong buồng chiếu xạ qua cửa bên trái, các thùng hàng này sẽ đi qua nguồn phóng xạ và cuối cùng đưa ra ngoài qua cửa bên phải.
Đường ray đưa các thùng hàng hóa vào trong buồng chiếu xạ qua cửa bên trái, các thùng hàng này sẽ đi qua nguồn phóng xạ và cuối cùng đưa ra ngoài qua cửa bên phải.

Chiếu xạ khử khuẩn chỉ là một mảng công việc của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. TS. Đặng Quang Thiệu cho biết thêm, trọng tâm của Trung tâm nằm ở các hoạt động nghiên cứu triển khai có liên quan đến việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, chẳng hạn như nghiên cứu các đồng vị phóng xạ phục vụ chẩn đoán ung thư sớm, xử lý chiếu xạ các polyme tự nhiên để tạo ra chế phẩm kích thích sinh trưởng, kháng bệnh, loại bỏ chất ô nhiễm trong nước thải, kiểm soát dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu v.v… Do đó, với việc chiếu xạ, Trung tâm chỉ “lấy rất rẻ”, mục đích chính là phục vụ cộng đồng, và trong đợt dịch lần này, Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ chiếu xạ khử khuẩn thiết bị y tế cho tất cả các bệnh viện.

Ths. Nguyễn Quang Anh, Trưởng phòng Hóa phóng xạ, giới thiệu Máy gia tốc Cyclotron KOTRONS 13MeV tại Phòng Gia tốc của Trung tâm, đang sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ cho tổng hợp dược chất phóng xạ 18F-FDG chẩn đoán ung thư sớm, ung thư di căn. Anh là chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu làm chủ quy trình sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG trên máy gia tốc Cyclotron KOTRONS 13MeV của Hàn Quốc tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội”, thực hiện trong vòng 2 năm (2014 – 2015). Thông qua thực hiện đề tài, Trung tâm đã xây dựng được quy trình sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG trên máy gia tốc cyclotron KOTRONS 13MeV và module tổng hợp Samyoung Unitech, Hàn Quốc và quy trình đảm bảo chất lượng, kiểm nghiệm chất lượng đạt tiêu chuẩn dược điển Anh (BP), đồng thời biên soạn được bộ tài liệu phục vụ cho đào tạo nhân lực thực hành sản xuất, bảo đảm chất lượng và kiểm nghiệm chất lượng dược chất phóng xạ (DCPX)18F-FDG đạt tiêu chuẩn BP.
Ths. Nguyễn Quang Anh, Trưởng phòng Hóa phóng xạ, giới thiệu Máy gia tốc Cyclotron KOTRONS 13MeV tại Phòng Gia tốc của Trung tâm, đang sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ cho tổng hợp dược chất phóng xạ 18F-FDG chẩn đoán ung thư sớm, ung thư di căn. Anh là chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu làm chủ quy trình sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG trên máy gia tốc Cyclotron KOTRONS 13MeV của Hàn Quốc tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội”, thực hiện trong vòng 2 năm (2014 – 2015). Thông qua thực hiện đề tài, Trung tâm đã xây dựng được quy trình sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG trên máy gia tốc cyclotron KOTRONS 13MeV và module tổng hợp Samyoung Unitech, Hàn Quốc và quy trình đảm bảo chất lượng, kiểm nghiệm chất lượng đạt tiêu chuẩn dược điển Anh (BP), đồng thời biên soạn được bộ tài liệu phục vụ cho đào tạo nhân lực thực hành sản xuất, bảo đảm chất lượng và kiểm nghiệm chất lượng dược chất phóng xạ (DCPX)18F-FDG đạt tiêu chuẩn BP.

Module tổng hợp dược chất phóng xạ. TS. Đặng Quang Thiệu cho biết Trung tâm hiện đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng liên quan đến Quy định hướng dẫn thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP) và trong vài tháng tới sẽ bắt đầu cung cấp dược chất đến các bệnh viện.
Module tổng hợp dược chất phóng xạ. TS. Đặng Quang Thiệu cho biết Trung tâm hiện đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng liên quan đến Quy định hướng dẫn thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP) và trong vài tháng tới sẽ bắt đầu cung cấp dược chất đến các bệnh viện.