Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances vào ngày 18/9, các nhà khoa học tại Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại và Viện Sinh thái Hóa học Max Planck (Đức) phát hiện các dấu chân hóa thạch của người hiện đại Homo sapiens trong một lớp trầm tích hồ cổ đại trên sa mạc Nefud, Ả Rập Xê Út.
Nhóm nghiên cứu xác định những hóa thạch này là dấu chân người lâu đời nhất bên ngoài châu Phi, có niên đại cách đây khoảng 120.000 năm.
Các nhà khoa học phát hiện tổng cộng 376 dấu vết, trong đó có 7 dấu chân người, 44 dấu chân voi, 107 dấu chân lạc đà. Những dấu vết còn lại là dấu chân và các mảnh xương của hà mã, ngựa, dê rừng, hươu và một số động vật ăn thịt. Sự hiện diện của nhiều loài động vật cho thấy hệ sinh thái trên bán đảo Ả Rập trong thời cổ đại hoàn toàn khác biệt so với ngày nay. Thay vì là một hoang mạc khô cằn, khu vực này từng là một vùng đất ẩm ướt với những cánh đồng cỏ và thảm thực vật.
Ủy ban Di sản Ả Rập Xê Út nhấn mạnh đây là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất năm 2020.
“Khám phá này đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu cách thức con người rời quê hương châu Phi và bắt đầu xâm chiếm thế giới. Nó đồng thời mang lại cái nhìn hiếm hoi về môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học trên bán đảo Ả Rập thời kỳ cổ đại”, Mathew Stewart, tác giả chính của nghiên cứu tại Viện Sinh thái Hóa học Max Planck, cho biết.
Người hiện đại Homo sapiens bắt đầu cuộc hành trình rời khỏi châu Phi cách đây khoảng 120.000 năm. Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, những người đầu tiên ở châu Phi di cư đến lục địa Á-Âu đã đi qua miền Nam Hy Lạp, khu vực ven biển có nhiều tài nguyên để khai thác. Nghiên cứu mới cho thấy những tuyến đường nội địa dọc theo các hồ nước ngọt và sông cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình di cư của con người.
Quốc Hùng (Theo iflscience.com)