Nhóm 1% những người giàu nhất thế giới xả tới 15% lượng phát thải carbon toàn cầu, cao gấp đôi lượng phát thải của nhóm dân nghèo vốn chiếm đến một nửa dân số toàn cầu.

Việc phát thải carbon quá mức đang làm cạn kiệt “ngân sách carbon” của thế giới. Ảnh: Getty images.

Đây là một trong những con số được đưa ra trong báo cáo "Đối đầu với tình trạng bất bình đẳng carbon" của Oxfam. Báo cáo được công bố trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị gặp mặt tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để bàn về những thách thức toàn cầu, trong đó có khủng hoảng khí hậu.

Bất chấp lượng khí thải carbon giảm mạnh do đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng khí hậu – do sự tích tụ khí thải trong khí quyển theo thời gian – vẫn tiếp tục là thách thức lớn đối với toàn nhân loại.

Báo cáo đánh giá mức phát thải của các nhóm (phân loại theo thu nhập) từ năm 1990 đến năm 2015, đây cũng là khoảng thời gian mà lượng phát thải carbon dioxide trong khí quyển tăng gấp đôi do các hoạt động của con người.

Theo báo cáo, trong suốt 25 năm qua, 1% số người giàu nhất thế giới xả tới 15% lượng phát thải toàn cầu, cao gấp đôi lượng phát thải của nhóm dân nghèo vốn chiếm đến một nửa dân số toàn cầu.

Số liệu cho thấy, 1% số người giàu nhất thế giới xả tới 15% lượng phát thải toàn cầu, trong khi nhóm dân nghèo vốn chiếm đến một nửa dân số toàn cầu chỉ phát thải 7%.

Đáng chú ý, nhóm 10% dân số giàu nhất thế giới phải chịu trách nhiệm cho 52% lượng phát thải carbon của thế giới, chiếm đến một phần ba ngân sách carbon toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo rằng việc phát thải carbon quá mức như vậy đang làm cạn kiệt “ngân sách carbon” của thế giới. Ngân sách carbon được hiểu là ngưỡng giới hạn trong phát thải carbon của nhân loại để khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C.

Báo cáo cho thấy sự bất bình đẳng trong lượng carbon phát thải có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tim Gore - người đứng đầu bộ phận chính sách, vận động và nghiên cứu của Oxfam International, cho biết, nồng độ khí thải carbon như vậy đồng nghĩa với việc những nỗ lực đã đổ ra trong hàng chục năm qua để nâng cao chất lượng đời sống của người dân có thể sẽ là vô nghĩa. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch chẳng thể cải thiện cuộc sống của hàng tỷ người, mà chỉ đưa thế giới đến bờ vực thảm họa khí hậu. Chính phủ các nước cần xây dựng nền kinh tế công bằng hơn, phát thải lượng carbon trong giới hạn mà hành tinh của chúng ta có thể chịu đựng.

“Ngân sách carbon toàn cầu đã bị lãng phí để mở rộng mức ‘tiêu dùng’ cho những người vốn đã giàu, hơn là để cải thiện đời sống nhân loại”, ông nói. Điều này không đồng nghĩa với việc các nước trên thế giới phải ngừng phát thải carbon hoàn toàn, “chúng ta vẫn có thể vừa giảm thiểu những tác động tồi tệ của cuộc khủng hoảng, vừa phát thải một lượng carbon nhất định vào khí quyển. Điều quan trọng là phải đảm bảo được lượng carbon phát thải đã được sử dụng một cách hợp lý.”

Nguồn: