Hợp chất N3 phân lập từ cây nhót (2-O-trans-p-coumaroyl alphitolic acid) thể hiện hoạt tính tiềm năng nhất trên các chủng virus DENV-2, DENV-4.

h
Đối với các loài có hoạt tính tốt như loài nhót (lá), đu đủ (cành và lá) và huyết dụ (cả cây), nhóm nghiên cứu kiến nghị cần quy hoạch các loài này thành các khu vườn dược liệu, vườn sinh thái phù hợp với từng địa phương. Đây đều là các loài dễ nhân giống bằng chiết cành, ghép cành cho năng suất cao, phù hợp với đất phù sa, độ ẩm cao ở miền Bắc Việt Nam.

Với mục tiêu tìm hiểu, đánh giá khả năng kháng virus gây bệnh sốt xuất huyết của các loài thực vật ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu ứng dụng để điều trị bệnh sốt xuất huyết, PGS. TS. Trần Thị Phương Thảo cùng các cộng sự tại Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tiến hành thu thập, xử lý mẫu và định danh, đưa ra được bộ dữ liệu về đặc điểm thực vật, phân bố và tiêu bản của 14 loài thực vật ở miền Bắc Việt Nam.

Theo đó, hoạt tính của 19 dịch chiết tổng được tạo bởi các bộ phận khác nhau của 14 loài thực vật đã được nghiên cứu đánh giá trên cả 4 chủng virus Dengue DENV-1, DENV- 2, DENV-3 và DENV-4. Kết quả cho thấy dịch chiết n-hexane của cây đu đủ, dịch chiết ethyl acetate của cây nhót, cây cỏ sữa lá to và cây huyết dụ thể hiện hoạt tính tốt nhất trên các chủng virus DENV thử nghiệm.

Đặc biệt, trong 26 chất sạch phân lập được từ 3 loài trên, nhóm đã đánh giá hoạt tính kháng virus Dengue (DENV1-4) của 10 chất. Kết quả cho thấy hợp chất N3 phân lập từ cây nhót (2-O-trans-p-coumaroyl alphitolic acid) thể hiện hoạt tính tiềm năng nhất trên các chủng virus DENV-2, DENV-4.

Từ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đề xuất cần tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về quy trình chiết tách, điều chế các chế phẩm có hoạt tính kháng virus dengue phân lập từ bốn loài thực vật này, đặc biệt là quy trình chiết tách chế phẩm giàu hợp chất N3 được phân lập từ lá cây nhót. Đây là một hợp chất có hoạt tính chống sốt xuất huyết tốt trên các chủng virus gây bệnh sốt xuất huyết..