Nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học chỉ có thể mô tả một cách khái quát về lịch sử định cư loài người ở châu Mỹ, nên vẫn còn nhiều bí ẩn về thời điểm và cách thức con người phủ rộng trên khắp châu lục này. Bức tranh này đang được hoàn thiện nhờ các nghiên cứu mới nhất về ADN cổ được thu thập từ khắp châu Mỹ.
Hai nghiên cứu riêng rẽ được công bố trên các tạp chí Cell và Science vào tháng 8 và tháng 11 năm nay – dựa trên tập hợp dữ liệu giải trình tự gene của 64 mẫu ADN cổ đại đã được, phân bổ từ Alaska ở Bắc Mỹ đến Patagonia ở Nam Mỹ, có niên đại tới trên 10.000 năm. Kết quả này cho thấy, loài người đã nhanh chóng mở rộng định cư ở khắp châu Mỹ khoảng 13.000 năm trước. Trong đó, Bắc Mỹ đã được định cư rộng khắp trong chỉ khoảng vài trăm năm, tiếp theo là Nam Mỹ trong khoảng 1000-2000 năm. Quá trình di cư giữa hai khối lục địa sau đó vẫn tiếp tục, kết nối các cộng đồng dân cư từ California đến dãy Andes.
Kết nối dữ liệu khảo cổ học
Nhiều thập kỷ trước đây, lịch sử định cư của con người ở châu Mỹ chỉ có thể được mô tả qua các nghiên cứu khảo cổ học và phân tích ADN của người bản địa châu Mỹ hiện đại. Từ các nghiên cứu này, các nhà khoa học cơ bản đồng ý rằng các nhóm người đầu tiên đã đi từ Xibêri qua dải đất Bering đến bán đảo Alaska ngày nay và từ đây di chuyển dần xuống phía nam, khi thời kỳ cuối cùng của Kỷ băng hà kết thúc. Các nhà khoa học cho rằng, những cư dân đầu tiên thuộc về nền văn hóa đồ đá Clovis, được biết đến với các mũi lao đá ghè đẽo và kỹ thuật phóng lao tinh vi, bắt đầu định cư ở nội địa Bắc Mỹ từ khoảng 13.000 năm trước.
Tuy nhiên, sau đó, lại có thêm các khu định cư ‘tiền Clovis’ sớm hơn văn hóa Clovis nhiều – lên tới 15.000 năm tuổi đã chỉ ra sự tồn tại của một làn sóng di cư thậm chí còn sớm hơn người Clovis ở châu Mỹ, có lẽ cũng qua dải đất Bering.
Cho đến năm 2014, các nghiên cứu DNA cổ đầu tiên được công bố bắt đầu giúp bổ sung thêm vào bức tranh này. Bộ gene của một cậu bé (được các nhà khảo cổ đặt tên là “cậu bé Anzick”) được táng cách đây khoảng 12.700 năm ở Montana cùng với các hiện vật kiểu Clovis và bộ gene của các cá thể khác đã gợi ý về hai quần thể người định cư sớm tại châu lục. Di cốt này, thuộc về một nhóm dân cư được các nhà khoa học gọi là người Nam Mỹ bản địa, có liên hệ chặt chẽ với dân cư bản địa tại Nam Mỹ ngày nay. Phân tích di truyền cho thấy, nhóm Nam Mỹ bản địa này có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và đã di cư xuống Nam Mỹ từ khoảng 14.600-17.500 năm trước. Giải trình tự gene cũng cho thấy, tổ tiên chung của cả hai nhóm này tách ra từ người Đông Á từ khoảng 25.000 năm.
Tuy vậy, mô tả thời gian này mới chỉ dựa trên một số lượng nhỏ bộ gene cổ đại và các các nhà khoa học chưa thể hình dung chi tiết thêm bức tranh phức tạp hơn nhiều về lịch sử tiền sử của châu Mỹ, cũng như tiết lộ về những đợt di cư muộn ở châu lục.
Không gian cách biệt, chung gốc di truyền
Để lập bản đồ các cuộc di cư này, Meltzer và Eske Willerslev, nhà nghiên cứu sinh vật học tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch và Đại học Cambridge, Anh, đã so sánh dữ liệu di truyền của “Cậu bé Anzick” 12.700 tuổi với trình tự bộ gene 10.700 tuổi từ hang Spirit, Nevada – Mỹ và một bộ gene khác 10,400 năm tuổi ở đông nam Brazil.
Các bộ gene này có sự tương đồng một cách đáng ngạc nhiên dù có khoảng cách lớn về địa lý, đã đem lại “manh mối” về một quá trình định cư nhanh chóng theo chiều rộng từ Alaska ra khắp châu lục. “Ngay sau khi các cư dân này xuôi xuống phía nam - khu vực không bị đóng băng, họ đã bành trướng ra khắp khu vực này”, Willerslev nói.
Một nhóm nghiên cứu khác do David Reich, một nhà di truyền học dân số tại Trường Y Harvard tại Boston cũng tìm thấy bằng chứng về việc mở rộng nhanh chóng của người vào Nam Mỹ qua phân tích 49 bộ gene cổ từ Trung và Nam Mỹ.
Như vậy, cả hai nhóm nghiên cứu đều ghi nhận sự tồn tại của nhiều làn sóng di cư riêng rẽ của con người vào Nam Mỹ. Chẳng hạn, nhóm của Reich đã phát hiện ra các cư dân sớm nhất ở Nam Mỹ có liên hệ di truyền mật thiết với “Cậu bé Anzick” – nhưng dấu vết di truyền này lại biến mất trên phần lớn những người Nam Mỹ cổ đại muộn hơn, cho thấy rằng họ thuộc về các nhóm người khác di cư xuống từ phía bắc.
Ngoài ra, Reich và các đồng nghiệp của ông cũng tìm thấy mối liên hệ phức tạp giữa một người có niên đại 4.200 năm ở miền Trung Andes và các cư dân cổ đại ở Quần đảo Channel ngoài khơi California. Nhóm nghiên cứu không cho rằng có mối liên hệ di cư trực tiếp giữa hai khu vực này – mà có lẽ chúng thuộc về một tuyến di cư có quy mô rộng hơn nhiều.
Khoảng trống phương Nam
Ben Potter cho rằng, kết luận chính từ hai nghiên cứu về cơ bản là nhất quán và đã giúp đặt những bước đầu tiên mô tả một bức tranh toàn diện về lịch sử di cư thời cổ đại ở châu Mỹ.
Tuy nhiên, “có rất nhiều khoảng trống vẫn chưa được làm rõ. Tôi nghĩ rằng những nghiên cứu này mới chỉ chạm đến bề mặt vấn đề ”, GS. Reich nói.
Chẳng hạn, những dòng di cư sớm nhất được các nhà nghiên cứu suy luận là thuộc về các cộng đồng người có liên hệ với văn hóa Clovis, nhưng theo Meltzer, câu hỏi là điều gì đã xảy đến với cộng đồng người có mối liên hệ với các địa điểm trước văn hóa Clovis. Một bí ẩn vẫn dai dẳng xung quanh một phát hiện vào năm 2015 được cả hai nhóm Reich và Willerslev thực hiện độc lập rằng một số cư dân hiện đại ở vùng Amazon, Nam Mỹ dường như có chung gốc di truyền với các nhóm người Australasia – bao gồm thổ dân châu Úc và người Papua. Reich khẳng định rằng điểm chung này có thể giải thích bằng giả thuyết về một cuộc di cư chưa được biết đến của cư dân từ châu Úc vào châu Mỹ mà đến nay không còn dấu vết; ngoại trừ các nhóm dân cư biệt lập trong rừng Amazon.
Jennifer Raff, một nhà nhân chủng học di truyền tại Đại học Kansas, Mỹ cho rằng,“bây giờ các nhà nghiên cứu đang bước sang việc xây dựng lịch sử chi tiết, chính xác và phong phú hơn nhiều so với trước đây. Đó là điều mà lĩnh vực này luôn luôn hướng tới, và thật hay khi được dự phần trong đó.”