Năm 2018 là tròn 160 năm ngày liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược của đế quốc phương Tây vào Đại Nam (tên nước ta khi đó). Giới sử học Việt Nam vẫn cho rằng, chúng ta có một “khoảng trống lịch sử” về trận chiến này; điều đó rất đúng nhưng khoảng trống đó thuộc trách nhiệm của ai?

Bìa cuốn sách của Henri de Ponchalon trong lần xuất bản đầu tiên vào năm 1896 bởi NXB Mame ở Tours, Pháp.
Bìa cuốn sách của Henri de Ponchalon trong lần xuất bản đầu tiên vào năm 1896 bởi NXB Mame ở Tours, Pháp.

Về phía Pháp, ngay vào năm khởi chiến (1858), các báo như: Le Monde Illustré, L’Illustration: Journal Universel… đã có các bài viết và tranh của các thủy binh Pháp tham chiến. Và trong nửa cuối của thế kỷ XIX, nhiều sách Pháp viết về cuộc xâm lăng Việt Nam đã lần lượt ra đời.

Một trong số đó là cuốn sách mang tên Indo-Chine: Souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860 (Đông Dương: Hồi ký hành trình và chiến dịch, 1858-1860) của đại tá Henri de Ponchalon xuất bản năm 1896.

Đại tá de Ponchalon là người tham gia trọn vẹn chiến dịch Đà Nẵng với tư cách sỹ quan chỉ huy cấp trung đội của lính thủy đánh bộ Pháp; dựa trên nhật ký hành quân của mình, ông viết một cuốn “hồi ký hải trình” có độ khả tín cao.

Cuốn sách giới thiệu trọn vẹn một hải trình: đến, đánh nhau, và về. Ngoài phần Giới thiệu đại cương về vị trí địa lý “đế quốc An Nam” và Kết luận, sách gồm 3 phần chính, trong đó Phần II (Chiến dịch Đông Dương) có lẽ được bạn đọc Việt Nam quan tâm nhất. Nó gồm sáu chương mô tả trọn vẹn trận Đà Nẵng từ tháng 9/1858 đến tháng 2/1859; và hai chương ghi chép về cuộc di chuyển tới Sài Gòn khi đó đã bị Pháp chiếm (Gia Định bị chiếm ngày 18/2/1859).

Tham chiến với cương vị sỹ quan, de Ponchalon đã ghi chép chi tiết về trận Đà Nẵng, “từ chiến lược chiến thuật, lực lượng tham chiến, hệ thống phòng ngự, tình hình cụ thể các trận đánh lớn, tổn thất lực lượng của mỗi bên…, cho đến sự khốn đốn vì thời tiết, bệnh tật, và sự thiếu thốn lương thực, đạn dược của liên quân, kể cả nỗi thất vọng… trước sự bế tắc của chiến dịch”.

Qua con mắt của de Ponchalon thì “quân đội triều đình Huế không hề án binh bất động hoặc phòng ngự thụ động… Sau khi đẩy lùi quân xâm lược ra bán đảo Sơn Trà, quân lính triều Nguyễn vẫn miệt mài xây dựng và củng cố hệ thống đồn lũy để bao vây ngăn chặn quân thù, liên tục tổ chức trinh sát nắm tình hình, đột kích phá hoại, quấy rối doanh trại địch, tấn công các đồn nhỏ, dựng ụ pháo ngay trên bãi biển để bắn phá tàu địch…”

Rất may mắn khi bảy chương đầu của phần này (các trang từ 97-242) đã được dịch sang tiếng Việt và in trọn trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển Thừa Thiên-Huế nguyên số 147 (4-2018).

Để tiện cho bạn đọc, dịch giả đã chia thành chín phần và đặt tên lại, gồm: I. Khúc dạo đầu ở cửa biển Đà Nẵng; II. Chiến dịch thần tốc đổ vỡ; III. Cuộc chiến bế tắc; IV. Những cuộc tấn công của người An Nam; V. Nỗ lực phá vây của liên quân Pháp-Tây Ban Nha; VI. Cuộc đàm phán với người An Nam; VII. Níu kéo cuối cùng của phó đô đốc de Genouilly; VIII. Ván bài tồi của chuẩn đô đốc Page; và IX. Cuộc di tản buồn của liên quân.

Đây là một sự gia công hữu ích so với nguyên bản để hình dung trận Đà Nẵng. Không chỉ vậy, bản dịch đã được dịch giả - nhà sử học Nguyễn Quang Trung Tiến thực hiện rất công phu: Sự đối chiếu các địa danh đầy khó khăn, sự bổ sung nhiều sử liệu từ các nguồn khác nhau của Pháp và các chú thích công phu; đặc biệt là gần 40 hình minh họa không chỉ từ sách gốc mà từ cả các sách báo Pháp đương thời.

Thật may, trong khi chờ đợi một bản dịch đầy đủ của cuốn sách thì chúng ta có tài liệu này. Một nhà sử học đã giúp lấp phần nào khoảng trống của lịch sử.

Hai phần còn lại của cuốn sách, tuy không liên quan nhiều đến Việt Nam nhưng cũng hết sức thú vị.

Trong đó, Phần I (Từ Pháp tới Đông Dương) gồm năm chương mô tả hải trình sáu tháng trời của hạm tàu Saône từ quân cảng Brest (tây-bắc Pháp) vòng qua mũi Hảo Vọng (Bonne-Espérance) và một loạt địa danh: đảo Gorée (Senegal), đảo Réunion, Madagascar, quần đảo Maldives, Singapore, Hongkong, đảo Hải Nam và cuối cùng là Đà Nẵng.

Là hải trình quân sự nhưng chuyến đi rất thanh bình, không có cả kẻ thù lẫn bão tố. Tác giả đủ thời gian để quan sát mọi thứ: Chòm sao Thập tự phương Nam trên trời và cá nhà táng dưới biển. Tác giả cũng có thời gian để săn gà sao, xem bảo tàng, bàn về thuế má ở những vùng đất đi qua; thậm chí, suy tư về tương lai của thuộc địa…

Còn Phần III (Từ Quảng Châu tới Toulon) - phần trở về - chỉ có vẻn vẹn ba chương, dù chuyến đi kéo dài tới tám tháng. Quân xâm lược về Quảng Châu nghỉ ngơi rồi về nhà theo hải trình cũ. Lần này, thay vì Singapore, họ lại ghé một loạt đảo “thiên đường nhiệt đới” lúc đó đang là và bắt đầu là Indonesia thuộc Hà Lan như Java, Banda, Ceram, Bourou, New Guinea, Borneo và Ambon.

Tác giả tiếp tục ghi chép và suy ngẫm về tự nhiên và xã hội ở các vùng xa lạ nhưng vẫn ngóng nghe “tin từ Sài Gòn” và khi cập bến Toulon đúng ngày đầu năm mới 1861 thì vẫn bị những “bóng ma Nam Kỳ” ám ảnh! (Voici les revenants de Cochinchine!)

(Các trích đoạn tác phẩm được dẫn theo Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển Thừa Thiên-Huế số 147)