Dù Orkut - mạng xã hội đầu tiên của Google - đã bị khai tử, nhưng nó là một trong những cột mốc quan trọng trên hành trình xây dựng một mạng xã hội lý tưởng, nơi kiểm soát chặt chẽ các bình luận thù hằn và những thông tin giả, nơi đề cao cảm xúc tích cực của người dùng, chú trọng kết nối những người sống ở những khu vực khác nhau trên thế giới.

Ông Orkut Büyükkökten đang mở giao diện mạng xã hội Orkut. Ảnh: Marketingmind
Ông Orkut Büyükkökten đang mở giao diện mạng xã hội Orkut. Ảnh: Marketingmind

Tháng 11/2004, một tháng trước khi Mark Zuckerberg ra mắt Facebook từ căn phòng ký túc xá Đại học Harvard của mình, một trang mạng xã hội khác đã xuất hiện trên Internet với tông màu hồng sáng. Với những người đã sử dụng Internet từ những năm 2000, họ có thể sẽ biết đến Orkut, với logo đơn giản, giao diện màu xanh nhạt. Tên gọi Orkut bắt nguồn từ chính tên của người sáng lập ra nó: Orkut Büyükkökten. Không giống như Zuckerberg, Jack Dorsey (đồng sáng lập Twitter) hay thậm chí Tom Anderson (đồng sáng lập MySpace), Orkut Büyükkökten có phần kín tiếng hơn và cố gắng tránh xa sự chú ý của mọi người.

Sinh ra ở Konya, Thổ Nhĩ Kỳ, Orkut Büyükkökten chuyển đến Đức khi mới 1 tuổi. Niềm đam mê thời thơ ấu dành cho “Chiến tranh giữa các vì sao” đã thôi thúc ông theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford. Khi đó, cậu sinh viên Büyükkökten đã ra mắt mạng xã hội đại học đầu tiên, Club Nexus. Sau đó, ông tiếp tục phát triển một mạng xã hội khác, InCircle, dành cho các cựu sinh viên. Phiên bản Đại học Harvard của Mark Zuckerberg, Facebook, phải đến ba năm sau mới xuất hiện.

Sau khi tốt nghiệp đại học, từ cuộc gặp với hai nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin, ông Büyükkökten quyết định trở thành kỹ sư phần mềm tại Google. Gã khổng lồ công nghệ đưa ra một đặc quyền được gọi là “20% thời gian”, nơi nhân viên có thể dành một ngày mỗi tuần cho các dự án mà họ đam mê. Vẫn bị ám ảnh bởi việc giúp mọi người kết bạn, ông Büyükkökten đã sử dụng thời gian của mình để xây dựng một nền tảng mới. “Tôi muốn tạo ra một cộng đồng toàn cầu. mang đến cho mọi người trên khắp thế giới một phương tiện để kết nối,” ông kể. Google đã bật đèn xanh để Büyükkökten đi đến cùng với tham vọng này, thậm chí ông còn đến các trung tâm dữ liệu để thiết lập máy chủ.

Nhưng vì sao lần này ông lại lấy tên của mình (Orkut) để đặt cho một mạng xã hội? Thật khó tin nếu đây là biểu hiện của sự tự cao, bởi ông Büyükkökten vốn được các đồng nghiệp đánh giá là một người khiêm tốn và ăn nói nhỏ nhẹ. Quả thực, cái tên này do những người đứng đầu Google lúc bấy giờ gợi ý. “Tôi đã có cuộc gặp với ông Eric Schmidt [lúc đó là CEO] và Marissa Mayer [lúc đó là phó chủ tịch, sau này là CEO của Yahoo]. Và họ nói, 'tại sao anh không đặt tên nó là Orkut? Đó là một từ ngắn gọn với 5 chữ cái, rất độc đáo, và vốn anh cũng đã sở hữu tên miền này rồi'”, ông Büyükkökten kể lại.

Khi mạng xã hội Orkut chính thức ra mắt vào năm 2004, kỹ sư Orkut Büyükkökten đã tự chỉ ra một nhược điểm lớn của nó: Orkut sẽ không thể mở rộng ra quy mô lớn được. Theo ông, Orkut sẽ chỉ hỗ trợ được tối đa 200,000 người dùng. Dẫu vậy, những đồng nghiệp vẫn khuyên ông “Hãy cứ trình làng sản phẩm này đi, và chờ đợi điều gì sẽ đến”, và quả thật, phần còn lại đã là lịch sử. “Orkut phát triển thần tốc, và trước khi chúng tôi kịp định thần lại thì nền tảng đã có đến hàng triệu người dùng”, ông Büyükkökten nhớ lại.


Một trong những vấn đề của cuộc sống ngày nay là mức độ gắn kết đang suy giảm. Sau sự ra đời của điện thoại thông minh và ảnh hưởng của đại dịch, chúng ta đã ngừng giao lưu với bạn bè và không có nhu cầu trò chuyện với hàng xóm của mình nữa. Chúng ta đang trải qua đại dịch cô đơn.


Các tính năng nổi bật của Orkut bao gồm, một sổ lưu niệm kỹ thuật số, gửi tặng lời khen đến những người khác (với nhiều sắc thái khác nhau, từ “đáng tin cậy” đến “quyến rũ”), tạo ra các cộng đồng, và xây dựng danh sách theo dõi của riêng bạn. Büyükkökten chia sẻ, “Orkut phản ánh tất cả các đặc điểm tính cách của tôi. Bạn có thể tâng bốc người khác bằng cách khen họ tuyệt vời thế nào, nhưng bạn không bao giờ có thể nói điều gì tiêu cực về họ”.

Ban đầu, mạng xã hội Orkut rất phổ biến ở Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, đúng như dự đoán ban đầu, lượng người dùng quá đông khiến máy chủ thường xuyên bị ngắt kết nối. “Chúng tôi bắt đầu gặp rất nhiều vấn đề về khả năng mở rộng và hạ tầng”, Büyükkökten mô tả. Sau đó, đội ngũ phát triển buộc phải viết lại toàn bộ nền tảng bằng ngôn ngữ lập trình C++, Java, cùng một số công cụ khác của Google. Quá trình này kéo dài một năm và nhiều người dùng ban đầu đã rời bỏ nền tảng bởi tốc độ chậm chạp và thông báo lỗi nhảy ra liên tục.

Dẫu vậy, Orkut tiếp tục lan rộng ra khắp thế giới. Ngoài việc bùng nổ ở Estonia, nền tảng này cũng rất phổ biến ở Ấn Độ. Song Brazil mới là quốc gia có số lượng người dùng đứng thứ hai sau Mỹ. “Nó đã thành công vang dội. Một số người đã tin tôi là một người Brazil vì thành công này”, ông Büyükkökten giải thích. Ông cũng phỏng đoán lý do Orkut được người Brazil yêu thích: “Văn hóa Brazil rất cởi mở và thân thiện, người dân quan tâm đến bạn bè và tìm cách duy trì những mối quan hệ. Ngoài ra, người Brazil cũng tiếp nhận công nghệ mới rất nhanh.” Ở thời điểm đỉnh cao, 11 triệu trong số 14 triệu người dùng Internet của Brazil sử dụng Orkut, hầu hết đều đăng nhập qua các quán cà phê Internet. Phải mất bảy năm để Facebook bắt kịp con số này.

Chú trọng đến cảm xúc tích cực

Tuy nhiên, không phải ở đâu Orkut cũng gặp thuận lợi như vậy. Trang web bị cấm ở Iran và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các cơ quan Chính phủ ở Brazil và Ấn Độ thì lo ngại về nội dung nhạy cảm, điều mà ông Büyükkökten phủ nhận là có tồn tại trên Orkut. Người Brazil thậm chí đặt ra một cụm từ, orkutização, để mô tả một trang web xã hội - như Orkut - bỗng nhàm chán đi sau khi trở nên phổ biến. Năm 2014, Orkut đã bị ngừng hoạt động sau khi mất một lượng lớn người dùng do tốc độ máy chủ chậm, nhất là khi giao diện của Facebook lúc này thu hút người dùng hơn, và một số vấn đề liên quan đến quyền riêng tư. Ông Büyükkökten giải thích thêm, “Vic Gundotra, người phụ trách Google+ (một ứng dụng mạng xã hội khác của Google) quyết định không nên tạo ra thêm bất kỳ sản phẩm mạng xã hội nào nữa”

Nhưng ông Büyükkökten đã có những kỉ niệm đẹp với Orkut. “Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện về những người dùng yêu xa và chuyển đến sống cùng nhau từ các địa điểm khác nhau của thế giới. Tôi có một người bạn ở Canada đã gặp vợ anh ấy ở Brazil qua Orkut, một người bạn ở New York thì gặp vợ anh ấy ở Estonia, hiện giờ họ đã kết hôn và có hai đứa con”. Ông nói thêm, “nó cũng cung cấp một nền tảng kết nối cho những người ở nông thôn và người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Tôi đã nói chuyện với một nhà báo đồng tính sống ở một thị trấn nhỏ ở Sao Paulo, anh ấy kể với tôi rằng việc tìm thấy những người khác cùng thuộc cộng đồng LGBTQ+ trên Orkut đã thay đổi cuộc đời anh ấy”

Ông Büyükkökten rời Google vào năm 2014 và thành lập một mạng xã hội mới có tên “Hello”, một cái tên đơn giản khác và cũng có năm chữ cái như Orkut vậy. Ông muốn người dùng tập trung vào những kết nối tích cực. Nền tảng sử dụng “love” (yêu) thay vì “like” (thích) và người dùng có thể lựa chọn cho bản thân hơn 100 nhân cách, từ “Người yêu thích Cricket” cho đến “Tín đồ thời trang”, và sau đó kết nối với những người cùng sở thích. Ra mắt thử nghiệm ở Brazil với 2 triệu người dùng, Hello ghi nhận “mức độ tương tác cực kỳ cao”, điều mà ông Büyükkökten khẳng định vượt qua các nền tảng như Instagram và Twitter. Ông nói, “Một trong những điểm nổi bật trong các cuộc khảo sát người dùng của chúng tôi đó là mọi người đều cho rằng khi mở Hello lên, ứng dụng khiến họ cảm thấy hạnh phúc.”

Hai triệu người dùng không phải là con số quá lớn khi so với thành công quá khứ của Orkut, song ông Büyükkökten vẫn rất đỗi tự hào về thành tích này. Ông nói, “nó đã vượt quá mọi giấc mơ của chúng tôi. Có rất nhiều trường hợp người dùng hiện tại giới thiệu thêm cho ba người bạn nữa sử dụng ứng dụng, dẫn đến tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân”. Tuy nhiên, vào năm 2020, Büyükkökten đã quyết định chia tay Hello.

Hiện tại ông đang phát triển một nền tảng mạng xã hội mới. “Nó sẽ tận dụng AI và học máy để tối ưu hóa việc cải thiện hạnh phúc, kết nối mọi người, nuôi dưỡng cộng đồng, trao quyền cho người dùng, và tạo ra một xã hội tốt hơn. Kết nối sẽ là nền tảng của thiết kế, tương tác, sản phẩm, và trải nghiệm”, ông chia sẻ về nền tảng này.

Một lần nữa, nền tảng mới này mang tinh thần mà ông Büyükkökten luôn mong muốn truyền tải: kết nối mọi người theo hướng tích cực. Ông cho rằng “một trong những vấn đề của cuộc sống ngày nay là mức độ gắn kết đang suy giảm. Sau sự ra đời của điện thoại thông minh và ảnh hưởng của đại dịch, chúng ta đã ngừng giao lưu với bạn bè và không có nhu cầu trò chuyện với hàng xóm của mình nữa. Chúng ta đang trải qua đại dịch cô đơn.”

Ông Büyükkökten không hài lòng với các mạng xã hội hiện tại. “Niềm đam mê lớn nhất của tôi trong cuộc sống là kết nối mọi người với nhau bằng công nghệ. Nhưng lần cuối cùng bạn gặp ai đó nhờ mạng xã hội là lúc nào? Chúng chỉ tạo ra sự xấu hổ, bi quan, chia rẽ, trầm cảm, và lo lắng”, ông chia sẻ. Đối với ông Büyükkökten, nâng cao mức độ lạc quan quan trọng hơn là gia tăng số lượng người dùng. “Những công ty hiện tại đã thiết kế thuật toán để tối ưu doanh thu. Song điều này rất có hại cho sức khỏe tâm thần của con người. Thế giới đang trở nên đáng sợ và một phần sợ hãi đến với chúng ta thông qua mạng xã hội. Mọi người chỉ trích, thù ghét lẫn nhau.”

Ông Büyükkökten muốn mạng xã hội trở thành một nơi nuôi dưỡng tình yêu, và là một cầu nối để mọi người gặp mặt trực tiếp nhau. Liệu lần này ước mơ của ông có thành hiện thực không? “Câu hỏi thú vị đấy. Nhưng có một điều tôi chắc chắn là hiện nay mọi người rất nhớ Orkut”. Thật sự là như thế, mạng xã hội ở Brazil đã tràn ngập những meme và hình ảnh kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 của nền tảng này. ông Büyükkökten cười hạnh phúc và nói, “Một cậu bé tuổi teen thậm chí gần đây đã lái xe 10 tiếng để gặp tôi tại một hội nghị để nói về Orkut. Tôi đã tự hỏi tại sao điều này có thể xảy ra”. Hiện tại, trang chủ của Orkut vẫn hoạt động, trên đó đăng lá thư mở của ông Orkut Büyükkökten kêu gọi về một thiên đường mạng xã hội.

Cùng với mong ước về một mạng xã hội nhân văn hơn, ông Büyükkökten tin rằng nền tảng tiếp theo do ông sáng lập sẽ sớm ra đời. Ông Büyükkökten đã chọn được cho nền tảng này một cái tên nào chưa? “Chúng tôi vẫn chưa thể công bố chính thức. Nhưng tôi thực sự rất hào hứng. Tôi đã dành nhiều tâm huyết cho nền tảng mới này. Tôi muốn mang sự chân thực và cảm giác thuộc về một nơi nào đó trở lại với người dùng”. Có lẽ, giống như những người hâm mộ Phần Lan của ông đùa vui, đã đến lúc Orkut trở lại.

Đăng số 1298 (số 26/2024) KH&PT