19% hoa được lấy mẫu gần các tổ ong nuôi có virus gây bệnh. Virus này có thể lây lan sang các con ong trong tự nhiên nếu chúng cùng lấy mật ở một bông hoa.

Những người nuôi ong có thể đang thúc đẩy sự suy giảm đáng lo ngại của những con ong hoang dã, nghiên cứu mới cho thấy.

Nghiên cứu không tìm thấy virus ong trên hoa cách các trang trại ong thương mại hơn 1 km

Theo nghiên cứu mới của Hoa Kỳ, các loài ong hoang dã có thể mắc bệnh từ ong mật được nuôi nếu chúng dùng chung hoa. Nghiên cứu khuyến nghị các tổ ong nuôi nên tránh xa khu vực môi trường sống tự nhiên của các loài thụ phấn.

Suy thoái đất và ô nhiễm thuốc trừ sâu trên cây trồng đã được biết là những tác nhân có tác động thảm khốc đối với quần thể ong toàn cầu, nhưng sự lây lan của dịch bệnh từ các tổ ong nuôi thương mại có thể là động lực chính thứ ba dẫn đến sự suy giảm của ong hoang dã.

"Nhiều động vật thụ phấn hoang dã đang gặp nguy hiểm và phát hiện này có thể giúp chúng ta bảo vệ ong vò vẽ", chuyên gia nghiên cứu Samantha Alger, nhà khoa học tại Đại học Vermont, cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 19 địa điểm ở Vermont và phát hiện ra rằng hai loại virus phổ biến - virus cánh biến dạng (làm teo hoặc biến dạng cánh) và virus thối đen mũ chúa (gây bệnh và giết chết ấu trùng ong chúa cũng như các ấu trùng ong thợ, làm giảm số lượng và chất lượng đàn ong) - xuất hiện nhiều hơn ở ong vò vẽ trong phạm vi dưới 300 mét từ các tổ ong thương mại. Cả hai loại virus này có thể khiến các đàn ong sụp đổ.

19% hoa được lấy mẫu gần các tổ ong thương mại có virus. Không tìm thấy virus ong trên hoa cách các trang trại nuôi ong thương mại hơn 1 km.

Các nhà khoa học cũng tìm thấy sự lây nhiễm của virus cánh biến dạng cao hơn ở gần những tổ ong thương mại này, nhưng không tìm thấy virus cánh biến dạng ở các con ong cách xa khỏi các trang trại.

Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện này có ý nghĩa toàn cầu, theo bài báo được công bố trên Plos One.

Tiến sĩ Alger nói: "Tôi đã nghĩ rằng phát hiện virus sẽ giống như tìm kim đáy bể. Cơ hội hái một bông hoa và tìm thấy ngay virus ong là rất ít. Phát hiện này thật đáng ngạc nhiên".

Kết quả cho thấy virus ở ong mật được nuôi đang tràn sang quần thể ong vò vẽ hoang dã và hoa là một con đường lây nhiễm quan trọng, theo Alison Brody, giáo sư tại Khoa Sinh học của Đại học Vermont.

Theo dõi cẩn thận và điều trị các đàn ong mật nuôi bị bệnh có thể bảo vệ những con ong hoang dã khỏi các loại virus này cũng như các mầm bệnh hoặc ký sinh trùng khác, bà nói.

Chẳng hạn, một loại ong vò vẽ (rusty patched bumblebee) đã giảm gần 90% và hiện được liệt kê trong Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Ở Anh, côn trùng thụ phấn hoang dã đã biến mất khỏi một phần tư môi trường sống trước đây của chúng trên khắp nước Anh.

Các nhà nghiên cứu Mỹ đặc biệt quan tâm đến tác động của các nhà khai thác ong lớn, đặt tổ ong lên xe tải và di chuyển chúng khắp đất nước để thụ phấn cho cây trồng. Ví dụ, tổ ong thương mại có thể được đưa đến California để thụ phấn hạnh nhân và sau đó đến Texas thụ phấn một loại cây khác, mang theo mầm bệnh.

Giữa các đợt khai thác trong các trang trại thương mại, những con ong này cũng thường được đưa đến môi trường sống tự nhiên nguyên sơ để nghỉ ngơi và phục hồi, nơi có thức ăn thô xanh đa dạng và tốt hơn.

Tiến sĩ Alger cho biết: "Nghiên cứu này cho thấy rằng chúng ta cần giữ những người nuôi ong ra xa khỏi những khu vực sống tự nhiên của các loài thụ phấn dễ bị tổn thương, như những con ong vò vẽ".

Ong mật là một phần quan trọng của nông nghiệp hiện đại, nhưng chúng không phải là loài bản địa ở nhiều khu vực nơi chúng được sử dụng.

Ở Anh, nghề nuôi ong đang rất phổ biến với số thành viên của Hiệp hội Người nuôi ong Anh tăng từ khoảng 8.500 người trong năm 2008 lên hơn 24.000 người hiện nay.

Nguồn: