Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Communications phát hiện, số ca bệnh đường hô hấp tăng rõ rệt sau một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất ở Iceland.
Phát hiện này chỉ ra rằng, cần hành động để bảo vệ sức khỏe của 800 triệu người trên toàn cầu đang sống gần các núi lửa đang hoạt động.
Nghiên cứu mới do Đại học Leeds và Đại học Iceland đứng đầu đã xem xét tác động sức khỏe của ô nhiễm do vụ phun trào dung nham ở khu vực Holuhraun, Iceland, gây ra vào năm 2014-2015. Kết quả cho thấy, sau khi tiếp xúc với khí thải hạt mịn, các sự cố về bệnh hô hấp ở Iceland đã tăng gần 25% và tỷ lệ ca bệnh cần được kê thuốc hen suyễn tăng 20%.
“Núi lửa là một nguồn ô nhiễm không khí đáng kể, và không thể kiểm soát được", đồng tác giả của nghiên cứu, TS Evgenia Ilyinskaya ở Trường Trái đất và Môi trường của Đại học Leed, cho biết. "Các vụ phun trào núi lửa lớn có thể gây ra ô nhiễm không khí có hại ngay lập tức, và cả khi khí thải từ núi lửa trở lại khu vực ban đầu sau khi đã lưu hành trong khí quyển".
Trong một nghiên cứu công bố vào năm 2017, nhóm của Ilyinskaya đã lần ra sự tiến hóa về mặt hóa học của các đám khói từ núi lửa. Họ phát hiện ra, các đám khói từ núi lửa đã bị dòng không khí quét về phía Vương quốc Anh và lục địa châu Âu trước khi quay trở lại các thành phố và thị trấn của Iceland. Trong quá trình này, thành phần đám khói thay đổi khi nó tồn tại trong khí quyển - khí lưu huỳnh điôxít (SO2) từ núi lửa phun trào đã chuyển thành các hạt bụi mịn. Những hạt này có thể xâm nhập sâu vào phổi, có khả năng gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như làm trầm trọng thêm các cơn hen suyễn.
Khi đám khói được không khí đưa trở lại Iceland, mức độ lưu huỳnh điôxít giảm (đã chuyển hóa bớt thành các hạt bụi mịn) nên nồng độ vẫn nằm trong tiêu chuẩn không khí của Ủy ban châu Âu và bị các cơ quan chức năng bỏ qua, không đưa ra các cảnh báo ô nhiễm.
Vụ phun trào dung nham Holuhraun năm 2014-2015.
Tác động kép
"Nghiên cứu mới của chúng tôi cho thấy, trong các vụ phun trào kéo dài như Holuhraun, nhiều đám khói núi lửa cũ [lưu huỳnh điôxít đã chuyển hóa bớt thành bụi mịn sau khi lưu hành trong khí quyển] và mới [lưu huỳnh điôxít vừa phát ra từ núi lửa phun trào] có thể lưu hành cùng một lúc, gây tác hại kép đến sức khỏe của những người sống trong khu vực có núi lửa".
Vụ phun trào Holuhraun là một trong những vụ phun trào lớn nhất trong vòng 200 năm qua, giải phóng 11 triệu tấn lưu huỳnh điôxít khắp Iceland và Đại Tây Dương về phía châu Âu. Trong đợt phun trào kéo dài 6 tháng, người dân thủ đô Reykjavík của Iceland đã nhiều lần tiếp xúc với những đám bụi núi lửa, dù sống cách địa điểm phun trào 250 km.
Kết hợp hai nghiên cứu nêu trên cho thấy những nguy cơ sức khỏe do các chất ô nhiễm từ núi lửa tồn tại lâu dài trong bầu khí quyển, và đặt ra yêu cầu giám sát lượng khí thải từ hoạt động núi lửa, cũng như đánh giá rủi ro sức khỏe sau các vụ phun trào núi lửa.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, khí thải từ núi lửa là một vấn đề của toàn khu vực, trong trường hợp này có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Bắc Đại Tây Dương. Đồng thời, nhóm khuyến nghị các chính phủ trong tương lai khi đối phó với ô nhiễm không khí núi lửa trên toàn cầu cần xem xét tác động đối với sức khỏe của những đám khói ban đầu cũng như của bụi mịn khi đám khói đã lưu hành trong khí quyển và trở lại khu vực ban đầu.
Nguồn: