Khi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 đang tăng dần trên toàn cầu, câu hỏi được đặt ra là đại dịch còn kéo dài bao lâu nữa? Khi nào chúng ta quay trở lại đời sống bình thường? Tiếc thay chúng ta không thể có câu trả lời chắc chắn.
Cách đây vài tháng, một số ý kiến cho rằng chúng ta có thể đạt được miễn dịch cộng đồng với Covid-19 khi lượng người nhiễm bệnh ở một số thành phố của Ấn Độ, Brazil tăng đến một ngưỡng nhất định, sau đó chững lại. Tuy nhiên giờ đây chính các thành phố này đang hứng chịu đà tăng các ca nhiễm bệnh trở lại, vượt qua cả đỉnh dịch hồi năm 2020.
Khoảng 50% dân số Israel được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid, mặc dù miễn dịch cộng đồng vẫn còn chưa chắc chắn. Ảnh: Kobi Wolf/Bloomberg/Getty
Ý tưởng về một thời điểm mà số người đạt được miễn dịch với SARS-CoV-2 đủ để ngăn chặn lây lan virus có vẻ càng ngày càng khó xảy ra. Hầu hết các ước tính đặt ra ngưỡng 60-70% dân số đạt được miễn dịch, thông qua vaccine hoặc bị lây nhiễm virus, sẽ cho phép xã hội hoạt động bình thường trở lại. Miễn dịch cộng đồng khó xảy ra vì các yếu tố như người dân do dự đi chủng ngừa, sự xuất hiện các biến thể mới cũng như chưa thể chủng ngừa cho trẻ em.
Lauren Ancel Meyers, giám đốc điều hành tổ chức liên kết nghiên cứu mô hình Covid của Đại học Texas-Austin và nhiều nhà khoa học đã không còn tin về khả năng đại dịch biến mất nhờ đạt được miễn dịch cộng đồng. Meyes nói “vaccine đồng nghĩa với mức độ lây lan virus thấp dần, nhưng sự xuất hiện các biến thể mới cũng khiến khả năng miễn dịch bị suy giảm. Chúng ta vẫn phải chiến đấu với Covid trong vài tháng hoặc một năm sắp đến, cũng như chuẩn bị đối phó những làn sóng tiếp theo trong tương lai”.
Triển vọng dài hạn có thể là Covid trở thành một bệnh theo mùa như cúm. Nhưng trước mắt, các nhà khoa học đang tính toán về trạng thái “bình thường mới” mà không đạt miễn dịch cộng đồng.
Khả năng ngăn ngừa lây lan của vaccine vẫn chưa rõ ràng
Bản chất của miễn dịch cộng đồng là virus dù lây nhiễm cho một người thì sau đó cũng có quá ít vật chủ nhạy cảm xung quanh để nó tiếp tục chuỗi lây nhiễm, bởi hầu hết mọi người đã có miễn dịch nhờ chủng ngừa hoặc đã từng bị nhiễm. Ví dụ như vaccine của Moderna và Pfizer/BioNTech đều cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh, nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng có bảo vệ người được tiêm khỏi bị nhiễm bệnh hay trở thành trung gian lây truyền hay không.
Tóm lại, khả năng miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được nếu vaccine đạt hiệu quả cao trong ngăn chặn sự lây truyền hoặc, chúng ta phải tiêm vaccine cho tất cả mọi người. Dữ liệu từ hai nhà sản xuất vaccine nói trên cho thấy tín hiệu khả quan, nhưng vẫn cần chờ đợi kết luận cuối cùng, cũng như dữ liệu từ các loại vaccine khác để có thể khẳng định khả năng ngăn ngừa lây truyền đến đâu. Tất nhiên là khả năng ngăn ngừa lây truyền không cần phải đạt mức tuyệt đối, mà ngay cả mức 70% cũng đã đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc.
Triển khai vaccine không đồng đều
Hiện nay đang có nhiều vấn đề trong phân phối vaccine. Về mặt lý thuyết, chúng ta hoàn toàn có thể triển khai một chiến dịch phối hợp toàn cầu nhằm quét sạch Covid một cách hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế đã có khác biệt rất lớn giữa các quốc gia hoặc các vùng trong cùng một quốc gia.
Israel bắt đầu chiến dịch chủng ngừa cho toàn bộ công dân ngay từ tháng 12/2020 nhờ đạt được thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với Pfizer/BioNTech, và hiện đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ chủng ngừa. Ở giai đoạn đầu của chiến dịch, mỗi ngày có hơn 1% dân số Israel được tiêm vaccine. Đến giữa tháng ba, 50% dân số đã được tiêm đủ 2 liều cần thiết. Chính quyền thậm chí còn thu hút giới trẻ đến tiêm chủng với pizza và bia miễn phí. Trong khi đó, tỷ lệ được tiêm vaccine tại nước láng giềng là Lebanon, Syria, Jordan, Ai Cập chưa đến 1% dân số.
Tại Hoa Kỳ, cũng có sự tiếp cận vaccine không đều giữa các vùng: Gergia và Utah chỉ đạt dưới 10%, trong khi Alaska và New Mexico đạt hơn 16%.
Ở hầu hết các quốc gia, vaccine được ưu tiên phân phối cho người cao tuổi, là đối tượng có nguy cơ tử vong do Covid cao nhất. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào và loại vaccine nào được chấp thuận tiêm cho trẻ em. Moderna và Pfizer đang thử nghiệm vaccine trên trẻ vị thành niên, còn AstraZeneca và Sinovac đang thử nghiệm trên trẻ dưới 3 tuổi. Nhưng vẫn phải chờ nhiều tháng nữa mới có kết luận chính thức. Và nếu không thể chủng ngừa cho trẻ em, chúng ta cần chủng ngừa rộng rãi cho người trưởng thành thì mới mong đạt được miễn dịch cộng đồng. (Hiện nay vaccine Pfizer có thể tiêm cho đối tượng đủ 16 tuổi, còn các loại khác chỉ được chấp thuận tiêm trên người đủ 18 tuổi). Hoa Kỳ sẽ cần chủng ngừa cho toàn bộ người trưởng thành để đạt được 76% dân số có miễn dịch, bởi tỷ lệ người dưới 18 tuổi của nước này chiếm đến 24%.
Phân bố địa lý cũng là một khía cạnh quan trọng cần xem xét. Không có cộng đồng nào như hòn đảo cô độc, và bối cảnh miễn dịch của các cộng đồng xung quanh rất quan trọng. Covid từng bùng phát theo cụm trải khắp Hoa Kỳ do hành vi của con người hoặc chính sách từng địa phương. Lịch sử cho thấy dịch sởi đã bùng phát nhỏ lẻ tại nơi có xu hướng không chịu tiêm vaccine sởi. Sự cục bộ theo địa lý khiến con đường hướng đến miễn dịch cộng đồng thêm trắc trở. Chẳng hạn như một quốc gia có tỷ lệ chủng ngừa cao như Israel vẫn có nguy cơ bùng phát đợt dịch mới vì sự trà trộn dân cư từ các quốc gia láng giềng chưa đạt mức độ miễn dịch tương xứng.
Biến thể mới làm thay đổi phương trình miễn dịch cộng đồng
Bên cạnh trở ngại về phân phối vaccine theo địa lý và nhóm dân số, sự xuất hiện các biến chủng của SARS-CoV-2 dễ lây hơn và kháng vaccine cũng là vấn đề nghiệm trọng. Nhà tin sinh học Sara Del Valle cho biết Viện Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở New Mexico nơi bà công tác cũng đang chạy đua với các biến thể mới. Bởi càng mất nhiều thời gian ngăn chặn sự lân truyền của virus thì sẽ có càng nhiều biến thể mới xuất hiện.
Bài học cảnh giác từ Brazil vẫn còn nóng hổi. Trước đó, những tưởng thành phố Manaus nước này đạt được miễn dịch cộng đồng (khi 60% dân số có miễn dịch từ tháng 6/2020 do nhiễm bệnh) thì kết quả này lại bị đảo ngược sau khi xuất hiện biến thể P1. Điều này chứng tỏ miễn dịch từ trước không có tác dụng bảo vệ với mọi biến thể của virus. Đến tháng 1/2021, 100% các trường hợp Covid tại Manaus là do biến thể mới P1.
Mức độ miễn dịch cao càng tạo áp lực chọn lọc lớn hơn cho virus, tạo điều kiện phổ biến các biến thể qua mặt hệ miễn dịch của người đã được chủng ngừa. Vì vậy cần phổ cập vaccine nhanh chóng và toàn diện trước khi một biến thể nguy hiểm như P1 bắt đầu lây lan. Trong khi đó, virus tiến hóa là điều không tránh khỏi nên chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung và quy trình giám sát hiệu quả các biến thể virus.
Chưa biết miễn dịch tồn tại bao lâu
Miễn dịch với Covid kéo dài bao lâu, trên người đã được tiêm chủng và người bị lây nhiễm? Câu hỏi đó vẫn còn bị bỏ ngỏ. Hiểu biết về các coronavirus khác cũng như các bằng chứng sơ bộ về SARS-CoV-2 cho thấy miễn dịch suy yếu theo thời gian.
Cho đến nay các nhà nghiên cứu không thể đưa ra một mô hình chính xác đã có bao nhiêu người nhiễm bệnh nên không thể biết một khu vực đã gần đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng hay chưa. Vaccine không thể đạt hiệu quả miễn dịch 100% và chúng ta cũng chưa biết miễn dịch do từng loại vaccine kéo dài bao lâu và liệu có cần tiêm liều nhắc lại hay không. Nếu miễn dịch do nhiễm bệnh chỉ hiệu quả trong vài tháng thì nhu cầu vaccine lại càng bức thiết. Vì các lý do này mà tương lai Covid trở thành một dạng cúm mùa càng trở nên khả dĩ.
Hành vi xã hội làm các mô hình tính toán khó đưa ra dự báo
Hiện nay Israel đang tiến nhanh đến ngưỡng lý thuyết của miễn dịch cộng đồng. Vấn đề ở đây là sau khi được tiêm chủng, tương tác xã hội sẽ dần về mức bình thường và thay đổi lượng người tiếp xúc với virus so với thời kỳ giãn cách, từ đó tác động lên mô hình tính toán ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Nhưng vaccine không phải là tấm khiên chắn hoàn hảo, giả sử vaccine cung cấp khả năng bảo vệ đến 90%, thì người đã chủng ngừa chỉ được tiếp xúc không quá 10 người mới đảm bảo tương đương với người chưa có miễn dịch tiếp xúc một người.
Một khó khăn khác trong việc lập mô hình Covid là sự thay đổi hành vi xã hội. Nhóm của Meyes phải luôn điều chỉnh mô hình sao cho phù hợp với sự thay đổi về hành vi đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Hành vi đeo khẩu trang và giãn cách sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu số ca mắc mới trong khi chờ đợi vaccine được phổ cập rộng khắp.
Đáng tiếc rằng Texas và một số tiểu bang ở Hoa Kỳ đã vội vàng gỡ bỏ các quy định bắt buộc đeo khẩu trang hoặc khuyến cáo hạn chế tụ tập trong nhà, mặc dù phần lớn dân số vẫn chưa được vaccine bảo vệ [và việc gỡ bỏ các quy định giãn cách lại làm thay đổi các mô hình tính toán]. Trong khi các ổ dịch riêng lẻ vẫn bùng phát trong cộng đồng đạt miễn dịch, vậy mà người ta lại lơ là mất cảnh giác khi địa phương còn lâu mới đến ngưỡng lý thuyết này.
Nhà dịch tễ học Stefan Flasche từ Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cho rằng “khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng chỉ thông qua chủng ngừa là rất thấp, và đã đến lúc cho những kỳ vọng thực tế hơn” – Đó là sống chung với virus. Điều này không hẳn tồi tệ vì vaccine đã giúp giảm đáng kể các trường hợp nhập viện và tử vong. Covid có thể không biến mất, nhưng sẽ không còn triệu chứng nặng và tiên lượng xấu xảy ra.