Châu Á hiện là đầu máy tăng trưởng chính của thế giới. Sự bùng nổ kinh tế, đặc biệt từ thập niên 1980, đã đưa hàng trăm triệu người trong khu vực thoát nghèo, đồng thời làm tăng gấp đôi phần đóng góp của châu lục vào GDP toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đó đang có dấu hiệu chững lại.

Những năm gần đây, tốc độ tăng GDP của cả Trung Quốc và Ấn Độ đã không còn được duy trì ở mức hai con số; Trong khi nhiều nước đang có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình (middle income trap) thì các quốc gia phát triển hơn cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì động lực tăng trưởng và đổi mới.

Bên cạnh đó, châu Á chắc chắn cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức tới từ hiện tượng biến đổi khí hậu, tình trạng già hóa dân số và nguy cơ bất bình đẳng ngày càng bị nới rộng - chủ đề tranh luận của giới chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và học giả tại các diễn đàn. Trong số những nguyên nhân chủ chốt, có thể thấy, phần lớn các nước châu Á đều chưa thể tận dụng hết được tiềm năng của một nguồn lực vô cùng đông đảo và mạnh mẽ: nữ giới.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã chỉ ra, chưa tới 50% phụ nữ châu Á tham gia vào lực lượng lao động, so với 80% ở nam giới. Chưa kể, với cùng một loại công việc, lao động nữ thường chịu thiệt khi nhận mức lương thấp hơn khoảng 25% so với các đồng nghiệp nam. Ngoài ra, theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), lãnh đạo nữ giới chỉ đang chiếm khoảng 1/3 số vị trí quản lý cấp cao trong các ngành kinh tế.

Có thể nói, chính tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc đang là nguyên nhân chủ yếu kìm hãm sự phát triển của châu Á. Vì vậy, ngay từ bây giờ, châu Á cần đầu tư nhiều hơn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Yuriko Koike, thị trưởng Tokyo, người đang nỗ lực chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: Asia Times

Trong số rất nhiều công việc phải làm, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đặt ra 3 lĩnh vực ưu tiên mà các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội nên lưu tâm. Thứ nhất, những quan niệm lạc hậu đang tồn tại trong các xã hội châu Á, ngăn cản nữ giới phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, nhất thiết phải thay đổi. Thứ hai, cần sớm loại bỏ những chuẩn mực mang tính thiên vị, như quy định nữ giới phải làm các công việc ít danh giá hơn so với nam giới, thu nhập thấp hay thậm chí còn không được hưởng lương, chưa kể nguy cơ còn dễ bị thay thế bởi máy móc tự động hóa trong làn sóng Công nghiệp 4.0. Thứ ba, cần tăng cường đầu tư cho giáo dục, nhất là các lĩnh vực khoa học kỹ thuật (trong đó có STEM), và giành nhiều cơ hội hơn cho nữ giới.

Công nghệ thông tin, điện tử và kỹ thuật số là những lĩnh vực mà châu Á có nhiều tiềm năng để phát triển. Quá trình chuyển đối số mà nhiều nước trong khu vực đang quan tâm, cần thiết phải được truyền tải và mang lại lợi ích cho tất cả các đối tượng, bao gồm nữ giới. Tuy nhiên, nam giới hiện vẫn chiếm đa số trên hầu hết các lĩnh vực thuộc khoa học kỹ thuật (bao gồm STEM), một phần cũng do định kiến tồn tại từ lâu - rằng đó là công việc của đàn ông. Chưa kể, không ít gia đình còn lo sợ rằng Internet sẽ đem tới nguy cơ dễ bị quấy rối và lợi dụng trên mạng đối với con gái họ - quan niệm này cần sớm được thay đổi.

Chúng ta cần thiết phải đầu tư cho thế hệ lao động tương lai (trong đó có nữ giới) một cách thông minh, thông qua việc trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng và phương tiện cần thiết … để không chỉ thành công trong sự nghiệp sau này, mà còn nắm giữ quyền điều khiển lẫn khả năng sáng tạo nền kinh tế tương lai.

Chính phủ các nước cần xây dựng những chương trình đào tạo tích hợp, trang bị kỹ năng số, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT),... cho tất cả các bậc học, và đảm bảo chúng được cung cấp hay chia sẻ một cách công bằng, tới tất cả học sinh nam và nữ. Theo đó, tài liệu học tập nên dần được số hóa, hướng tới mô hình e-learning (qua mạng), cho phép giới trẻ chủ động sử dụng công nghệ tiên tiến để phục vụ cho việc học tập và trau dồi kĩ năng. Bên cạnh đó, khâu thiết kế chương trình và tài liệu cũng cần phải chú ý đến yếu tố giới tính, để tránh tình trạng phân biệt đối xử, chẳng hạn không sử dụng những ví dụ chỉ toàn tên nam giới,...

Đối với nữ giới không có cơ hội tiếp cận giáo dục truyền thống, WEF khuyến khích các công ty tư nhân tạo thêm công ăn việc làm cho họ, bên cạnh hoạt động đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nuôi dưỡng những tài năng trẻ.

Chính sách này, được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng cơ hội của nữ giới trong các ngành công nghiệp như STEM, và thúc đẩy quá trình chuyển tiếp từ học tập sang lao động. Bên cạnh đó, cần đào tạo và đưa thêm nhiều giảng viên nữ vào các trung tâm giáo dục, dạy nghề kỹ thuật, nhằm tạo ra môi trường học tập đầy đủ, đa dạng và công bằng hơn cho nữ sinh. Để làm được điều này, các chính phủ và những công ty Internet nên sớm có thỏa thuận, cam kết bảo vệ và cải thiện quyền lợi, trong đó có quyền riêng tư của nữ giới, đặc biệt cần mạnh tay xử lý những hành vi quấy rối qua mạng.

Sau cùng, phụ nữ và trẻ em gái rất cần những tấm gương [đi đầu] và người hướng dẫn phù hợp để giúp họ tự phát triển con đường của riêng mình. Chúng ta không chỉ mong nữ giới kiếm được công việc tốt hơn với thu nhập cao hơn, mà họ cần thiết còn phải là những người tạo ra công ăn việc làm mới cho xã hội, hay phát minh những ý tưởng cùng công nghệ để thay đổi thế giới, và trở thành những lãnh đạo thực thụ của nền kinh tế tương lai.