Các quần thể thực vật phù du, nền tảng của chuỗi thức ăn biển, đang suy giảm và điều này sẽ làm thay đổi màu sắc nước biển, có khả năng tác động tiêu cực đến nghề cá.
Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng trong những thập kỷ tới, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến màu sắc của đại dương, làm tăng màu xanh dương ở một số khu vực.
Các đại dương trên thế giới đang nóng lên và ngày càng có tính axit do biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu mới đây cho rằng nước biển cũng sẽ thay đổi màu sắc.
Theo nghiên cứu này, trong một vài thập kỷ tới, các khu vực của đại dương hiện đang có màu xanh dương sẽ trở nên xanh hơn nữa. Đến năm 2100, sự thay đổi màu sắc có thể ảnh hưởng đến hơn 50% trong tổng số 140 triệu dặm vuông diện tích bề mặt đại dương.
Hiện tượng thay đổi màu sắc này không nằm ở nước biển, mà do quần thể thực vật phù du biển giảm khi nước biển ấm lên. Vì những sinh vật nhỏ bé này chứa chất diệp lục màu xanh lá, nên bất kỳ thay đổi nào về số lượng phù du biển đều ảnh hưởng đến màu sắc của nước.
"Khi các sinh vật này ở trong nước, chúng tạo ra màu sắc nước biển mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt. Nếu có ít phù du biển, nước sẽ thiên về màu xanh dương hơn," Stephanie Dutkiewicz, nhà sinh thái biển tại Viện Công nghệ Massachusetts và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên tạp chí Nature Communications.
Sự thay đổi màu sắc có thể sẽ khó nhìn thấy bằng mắt thường. Nhưng các vệ tinh quan sát Trái đất sẽ phát hiện ra những thay đổi này, giúp các nhà khoa học nhận ra rằng các hệ sinh thái biển đã trải qua một sự thay đổi đáng kể và đáng ngại.
Dutkiewicz cho biết Bắc Đại Tây Dương và Nam Đại Dương là các khu vực đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.
Sự thay đổi này có thể đáng ngại vì thực vật phù du đóng vai trò là nguồn thức ăn cho các sinh vật biển nhỏ; các sinh vật biển nhỏ lại là thức ăn cho cá, mực và động vật có vỏ. Nếu quần thể thực vật phù du giảm quá thấp, các nghề cá quan trọng ở một số khu vực nhất định có thể bị xóa sổ.
"Làm thay đổi môi trường là rất nguy hiểm," Dutkiewicz nói. "Nghề cá là nguồn cung cấp protein cho nhiều người, do đó sự suy giảm trong nghề cá có thể trở thành vấn nạn."
Để phục vụ nghiên cứu, Dutkiewicz và các đồng nghiệp đã phát triển một mô hình tính toán mô phỏng sự thay đổi của khí hậu thế giới từ năm 1860 đến năm 2100. Mô hình cho rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 3 độ C - viễn cảnh mà hầu hết các nhà khoa học nghĩ sẽ xảy ra nếu không có nỗ lực để hạn chế khí thải nhà kính.
Nhưng đây có thể là một ước tính vẫn khá lạc quan. Một báo cáo được công bố vào tháng 12 năm 2018 bởi Dự án Carbon Toàn cầu cho thấy sau một thời gian ổn định ngắn từ 2014 đến 2016, khí thải nhà kính toàn cầu bắt đầu tăng mạnh. Do đó, mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu có thể vượt quá 3 độ C vào cuối thế kỷ, gây ảnh hưởng mạnh hơn tới thực vật phù du so với ước tính của nhóm nghiên cứu.
Ngoài việc làm tổn hại hệ sinh thái biển, sự suy giảm quần thể thực vật phù du có thể làm xấu thêm sự thay đổi khí hậu. Thực vật phù du hấp thụ carbon dioxide trong khí quyển giống như cây cối và các loại thực vật trên cạn khác, do đó chúng góp phần giữ cho mức độ của khí nhà kính ổn định.
"Thật đáng kinh ngạc nếu bạn nghĩ về việc những thực vật phù du này nhỏ như thế nào so với các thực vật lớn - nhưng chúng hoạt động cực kỳ hiệu quả. Đó là lí do chúng rất quan trọng trên toàn cầu," theo Sibel Bargu Ates, nhà hải dương học tại Đại học bang Louisiana.
Nguồn: