Sự gia tăng của nồng độ carbon dioxide trong khí quyển không chỉ đẩy nhanh hiện tượng biến đổi khí hậu, nó còn khiến một số loại cây lương thực có ít dinh dưỡng hơn.

Nếu nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển tiếp tục tăng như dự đoán, 18 quốc gia có thể mất hơn 5% protein trong khẩu phần ăn của họ từ các loại cây nông nghiệp chủ yếu như lúa và lúa mì vào năm 2050, theo nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) được đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives.

Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng cao khiến một số loại cây lương thực chính có hàm lượng protein thấp hơn. Ảnh: Đại học Harvard.
Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng cao khiến một số loại cây lương thực chính có hàm lượng protein thấp đi. Ảnh: Đại học Harvard.

Các nhà khoa học ước tính rằng, khoảng 150 triệu người có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt protein do nồng độ CO2 trong khí quyển tăng cao. Đây là nghiên cứu đầu tiên định lượng rủi ro này.

Hiện nay, 76% dân số thế giới tiêu thụ protein hàng ngày có nguồn gốc từ thực vật. Để ước tính nguy cơ thiếu protein hiện tại và tương lai, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard đã phân tích các thí nghiệm trong đó cây trồng được tiếp xúc với nồng độ CO2 ở mức cao. Họ cũng xem xét thông tin về chế độ ăn uống toàn cầu từ Liên Hợp Quốc.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong môi trường có nồng độ cao CO2, tỷ lệ protein trong lúa, lúa mì, lúa mạch và khoai tây giảm lần lượt là 7.6%, 7.8%, 14.1% và 6.4%. Nguyên nhân là do cây trồng bị giảm khả năng hấp thụ nitrat (loại phổ biến nhất của nitơ trong đất nông nghiệp) để chuyển đổi nó thành các hợp chất hữu cơ, bao gồm protein.

Hiện nay, hàng triệu người dân sống tại châu Phi Hạ Sahara (phần châu Phi nằm phía nam Sahara) phải trải qua tình trạng thiếu hụt protein. Thách thức này cũng sẽ ngày càng gia tăng đối với các quốc gia ở khu vực Nam Á, bao gồm Ấn Độ, nơi lúa và lúa mì cung cấp một lượng lớn protein hàng ngày.

Con người phát thải khí nhà kính CO2 từ các hoạt động như đốt nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ), sản xuất xi măng, chặt phá rừng… Theo dữ liệu đo được từ Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii, nồng độ CO2 trong khí quyển đã vượt qua mức trung bình 410 ppm trong tháng 4/2018. Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) cho biết, trước cuộc cách mạng công nghiệp, nồng độ CO2 trong khí quyển chưa từng vượt quá 300 ppm trong 800.000 năm qua.

Các nhà khoa học cảnh báo, mức độ CO2 đang vượt qua ngưỡng có thể dẫn đến sự nóng lên toàn cầu vượt quá mức "an toàn", đồng thời thúc đẩy sự gia tăng mực nước biển.