Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển vừa quyết định trao Nobel kinh tế 2020 cho hai giáo sư Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson (cùng giảng dạy tại ĐH Stanford) vì những đóng góp quan trọng giúp hoàn thiện lý thuyết và phát minh một số thể thức đấu giá (auctions work) mới.
Ngay từ thời La Mã cổ đại, các chủ nợ đã biết dùng biện pháp đấu giá để bán những tài sản mà họ tịch thu từ con nợ không còn khả năng hoàn trả (giống như hình thức phát mại ngày nay). Stockholms Auktionsverk – sàn đấu giá lâu đời nhất thế giới được xây dựng tại thủ đô của Thụy Điển từ năm 1674 – vốn cũng là để phục vụ việc bán những tài sản vô chủ. Trải qua nhiều thế kỷ, đấu giá đã phát triển thành nhiều thể thức đa dạng, trong đó phổ biến nhất là kiểu Anh (người mua công khai đưa ra các mức giá chào mua tăng dần cho đến khi không còn ai trả cao hơn) và kiểu Hà Lan (giá chào bán ban đầu thường được đưa ra rất cao rồi giảm dần cho đến khi có người mua chấp nhận), …
Ba nhân tố chính quyết định kết quả đấu giá gồm có: 1) Quy tắc (Giá chào công khai hay bí mật?, Người tham gia được chào giá bao nhiêu lần?, Mức giá mà người thắng sau cùng trả là giá do họ chào hay của người trả cao thứ hai?, …); 2) Bản thân đối tượng (Từng người mua sẽ tự có cách định giá khác nhau hay giống nhau với cùng một đối tượng được đem ra đấu giá); 3) Tính không chắc chắn (Các quan sát cho thấy, người chào giá thường hành xử theo chiến lược dựa vào thông tin mà họ có về giá trị của đối tượng lẫn kỳ vọng của người tham gia khác).
Hiện nay, một lượng giá trị giao dịch khổng lồ đang phát sinh mỗi ngày thông qua các phiên đấu giá, từ những vật dụng gia đình, tác phẩm nghệ thuật, món đồ cổ, cho đến chứng khoán, mỏ quặng, năng lượng, … Ảnh hưởng từ kết quả của chúng lên cuộc sống của chúng ta, với tư cách là những công dân hay người đóng thuế, đang ngày càng trực tiếp và hệ trọng. Lấy ví dụ: Các công ty bảo hiểm tài sản thường từ chối những món đồ được đấu giá với giá chào thấp; Chi phí sưởi ấm cho ngôi nhà của bạn có thể sẽ tăng đột biến sau một cuộc đấu thầu cung cấp điện tại địa phương; Chất lượng dịch vụ di động mà chúng ta đăng ký thuê bao sẽ phụ thuộc vào tần số mà nhà mạng mua được khi tham gia đấu giá giải tần; Hầu hết các quốc gia đều vay nợ thông qua chào bán trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính; Mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) khi áp dụng chính sách đấu giá trợ cấp phát thải là nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu, …
Nhìn chung, người bán cá nhân tại các phiên đấu giá thường mong muốn nhận được mức giá cao nhất; trong khi người bán công (chính quyền, …) lại đặt mục tiêu lớn hơn khi kỳ vọng người chào giá phải mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội. Vậy đâu là thể thức đấu giá tốt nhất? Điều này không chỉ dựa trên kết quả [đấu giá] mà còn tùy thuộc vào niềm tin của chúng ta về thứ được gọi là “tốt nhất”. Công cuộc tìm kiếm thể thức đấu giá hoàn hảo, vì thế đã không ngừng ám ảnh các nhà kinh tế, bao gồm cả hai chủ nhân của giải Nobel năm nay.
Robert Wilson đã phát triển thêm lý thuyết áp dụng cho những đối tượng được định giá chung (common value) – tức chưa xác định nhưng mức giá cuối cùng sẽ được mọi người công nhận, chẳng hạn tần số vô tuyến, trữ lượng mỏ quặng, … Ông cũng chỉ ra tại sao người đấu giá khôn ngoan thường có xu hướng chào mức giá thấp hơn ước tính của họ [về giá trị thực của đối tượng] do lo ngại rủi ro từ “lời nguyền giành cho kẻ chiến thắng” (winner’s curse) – người có nguy cơ mất trắng khi đã chi quá nhiều tiền.
Trong khi đó, Paul Milgrom đã dày công hệ thống hóa một lý thuyết mang tính tổng quan hơn, không chỉ áp dụng được cho các trường hợp common value mà cả private value (mỗi người tham gia đấu giá sẽ chào mức giá riêng và hoàn toàn độc lập với người khác, lấy ví dụ: đấu giá từ thiện để ăn tối với một nhân vật nổi tiếng như Bill Gates, Warren Buffet hay khôi nguyên Nobel, …). Ông đã quan sát và phân tích chiến lược chào giá của người tham gia tại vô số phiên đấu giá, từ đó chứng minh: mỗi thể thức đều có khả năng mang lại cho người bán mức giá kỳ vọng cao hơn khi người mua có thêm thông tin về mức giá ước tính của người khác [cho đối tượng].
Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày càng nhiều loại hàng hóa và dịch vụ được mang ra đấu giá, trong đó có những thứ rất khó định lượng và giao dịch theo cách thông thường như chỗ đậu xe, tần số vô tuyến, … Trước thực trạng đó, Milgrom và Wilson đã phát minh một số thể thức đấu giá mới, có thể được cùng lúc áp dụng cho nhiều loại đối tượng liên quan, nhân danh người bán được thúc đẩy bởi lợi ích to lớn của toàn xã hội hơn là chỉ tập trung tối đa hóa doanh thu. Năm 1994, chính phủ Mỹ đã lần đầu tiên áp dụng một trong số những thể thức này để tổ chức cuộc đấu giá bán tần số cho các nhà mạng viễn thông – kinh nghiệm được nhiều nơi khác trên thế giới học tập.
“Hai chủ nhân Nobel kinh tế năm nay đã đi từ lý thuyết cơ bản sang các ứng dụng thực tiễn – hiện đang ngày càng phổ biến. Khám phá của họ thật sự đã mang lại lợi ích to lớn cho xã hội,” Peter Fredriksson, Chủ tịch Ủy ban Nobel, phát biểu.