Mario Molina, nhà hóa học có công trình nghiên cứu về tầng ozone đã mang về cho ông giải Nobel năm 1995, và là người đứng sau Nghị định thư Montreal, vừa qua đời ở Mexico City, thọ 77 tuổi.

Công trình nghiên cứu của Molina đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone vào năm 1987, và đưa ông trở thành một trong những nhà khoa học có tác động nhất trong 50 năm qua.

"Ông là một trong những người có đóng góp quan trọng nhất cho việc bảo vệ khí hậu trong lịch sử thế giới," Paul Bledsoe, cựu cố vấn khí hậu tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, người đã làm việc với Molina ở nhiều cương vị khác nhau trong những năm qua cho biết. Molina và nhà khoa học người Mỹ Frank Sherwood Rowland đã xuất bản một bài báo vào năm 1974 cho thấy chlorofluorocarbons (CFC), hóa chất được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, đang phá hủy tầng ozone.

Mario Molina, người đồng đoạt giải Nobel Hóa học 1995, đã qua đời vào tuần trước.

Nghiên cứu đột phá này ban đầu bị ngành công nghiệp hóa chất chỉ trích gay gắt, nhưng nó đã giúp công chúng mở rộng tầm mắt về tác hại của CFC và dẫn trực tiếp đến Nghị định thư Montreal được phê duyệt bởi 196 quốc gia nhằm bảo vệ tầng ozone bằng cách loại bỏ dần việc sản xuất nhiều các chất được cho là chịu trách nhiệm về sự suy giảm ozone.

Có hiệu lực từ ngày 1/1/1989, dự kiến nếu các thỏa thuận trong Nghị định thư Montreal được tôn trọng thì tầng ozone ​​sẽ phục hồi vào năm 2050. Tổng thư ký Liên hợp quốc lúc đó là Kofi Annan nói rằng, "có lẽ thỏa thuận quốc tế thành công nhất cho đến nay đã đạt được trên thế giới là Nghị định thư Montreal."

Vào thời điểm bài báo năm 1974 được xuất bản, trung bình một hộ gia đình Mỹ có 15 bình xịt chứa CFC, Durwood Zaelke - luật sư môi trường, người đã làm việc thường xuyên với Molina trong nhiều năm - cho biết.

Năm 1995, công trình nghiên cứu về sự suy giảm tầng ozone của Molina đã đưa ông trở thành nhà khoa học Mexico đầu tiên đoạt giải Nobel. Trong những năm sau đó, Molina liên tục đề xuất Nghị định thư Montreal và trực tiếp tham gia soạn thảo cũng như thúc đẩy chuyển đổi nó thành một hiệp ước khí hậu.

Đến nay, Nghị định thư Montreal đã giúp loại bỏ hơn 100 chất, bao gồm cả các khí nhà kính có vòng đời ngắn nhưng rất mạnh như hydrofluorocarbon. "Vì những hóa chất phá hủy tầng ozone cũng làm khí hậu ấm lên, nên Nghị định thư Montreal đã đóng góp to lớn vào việc bảo vệ khí hậu, gần gấp 20 lần Nghị định thư Kyoto," Molina viết trên tờ New York Times năm 2012. "Đây là một hiệp ước cứu hành tinh, bảo vệ cả tầng ozone và hệ thống khí hậu."

Molina lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học California, Berkeley, vào năm 1972 và những năm sau đó làm giáo sư tại Đại học California, San Diego. Ông còn là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ và từng phục vụ trong Ủy ban Quốc gia Hoa Kỳ về Chính sách Năng lượng. Molina cũng là một trong 21 nhà khoa học trong Hội đồng Cố vấn Khoa học và Công nghệ của Tổng thống Barack Obama.

Zaelke cho biết Molina làm việc cho đến những ngày cuối cùng. "Mario đã để lại bản đồ lộ trình cho chúng ta để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách giảm thiểu tác động nhanh chóng và cách tiếp cận theo ngành, dựa trên Nghị định thư Montreal," Zaelke nói.

Nguồn: