Đó là chia sẻ tại Ngày hội Vũ trụ - USTH Space Day 2019 của nhiếp ảnh gia Doãn Tuấn Dương về nhiếp ảnh thiên văn (astrophotography) - một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam nhưng đang thu hút mạnh mẽ một cộng đồng không nhỏ các bạn trẻ đam mê ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của vũ trụ qua ống kính máy ảnh.
Năm nay, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USHT), hay quen thuộc hơn với tên gọi Đại học Việt Pháp, tổ chức Space Day lần thứ 2 với chủ đề Nhiếp ảnh thiên văn như một trong những hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập trường.
Hai nhiếp ảnh gia thiên văn học Trần Hạ (trái) và Doãn Tuấn Dương (phải) tại USTH Space Day 2019. Ảnh: USTH
Tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ Ngày hội diễn ra chiều 8/11, hai nhiếp ảnh gia thiên văn hàng đầu Việt Nam - Nguyễn Trần Hạ (Đài thiên văn Nam Hà Nội) và Doãn Tuấn Dương (Đài thiên văn Phố Hiến) - đã có những chia sẻ cơ bản về cách chụp và xử lý các bức ảnh thiên văn để cho ra đời những tác phẩm hoàn chỉnh.
Khác với việc chụp ảnh thông thường, nhiếp ảnh thiên văn yêu cầu sự tổng hòa kiến thức của nhiều lĩnh vực như thiên văn, cơ khí, máy ảnh và công nghệ thông tin... Các bức ảnh sau khi được chụp phơi sáng sẽ được tổng hợp lại và xử lý bằng phần mềm dựa trên các thuật toán và nguyên tắc khoa học nhằm cho ra đời những tác phẩm sắc nét và có độ chính xác cao nhất.
“Trải nghiệm được nhìn các thiên thể và hành tinh trong hệ mặt trời qua kính thiên văn đã mở ra một ‘chân trời mới’ so với việc chỉ quan sát bằng mắt thường”, anh Hạ chia sẻ. Còn đối với anh Dương, “nhiếp ảnh thiên văn không phải là điều gì đó quá dễ, nhưng cũng không phải là thứ quá khó và không thể tiếp cận được. Điều đầu tiên bạn cần làm nếu muốn theo đuổi ‘thú chơi’ này là có đam mê và học ngoại ngữ để tìm hiểu các thông tin cơ bản về thiên văn và nhiếp ảnh thông qua các tài liệu tiếng Anh”.
10 tác phẩm chụp các vì tinh vân, cụm sao, thiên hà được đánh giá cao ở cả trong nước và quốc tế của 2 nhiếp ảnh gia thiên văn này cũng được trưng bày tại Ngày hội do khoa Vũ trụ và Ứng dụng USTH và cộng đồng Vật lý thiên văn phối hợp tổ chức.
Ảnh chụp "Tinh vân Lạp Hộ" (còn gọi là tinh vân Orion) cách chúng ta 1.600 năm ánh sáng và là một trong những
tinh vân sáng nhất có thể nhìn được bằng mắt thường. Ảnh: Trần Hạ
Ảnh chụp Tinh vân vành khăn phía Đông. Ảnh: Doãn Tuấn Dương Đến với Ngày hội, các bạn học sinh và sinh viên còn được trực tiếp trải nghiệm quan sát Mặt Trăng, sao Mộc, sao Thổ với các kính thiên văn nhỏ hiện đại.
Theo PGS.TS Ngô Đức Thành - đồng Trưởng khoa Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, nghiên cứu vũ trụ là một trong những lĩnh vực lâu đời và sôi động nhất trên thế giới nhưng số lượng người theo học ở Việt Nam còn khá ít ỏi do đây không phải là lĩnh vực dễ tiếp cận đối với đa số. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu nhân lực cho các ngành như viễn thám, công nghệ vệ tinh là rất lớn, do đó, cần thu hút sự chú ý của cộng đồng, giúp ngày càng nhiều người hiểu hơn về thiên văn qua những sự kiện đại chúng như thế này để từ đó tìm được những sinh viên đam mê và có thể theo đuổi sự nghiệp một cách dài lâu.
“Đầu tư cho khoa học cơ bản phải là một chiến lược dài hơi, đặc biệt là của nhà nước, từ trang thiết bị đến điều kiện đầu ra để tạo được một cộng đồng nghiên cứu đủ mạnh, đáp ứng các nhu cầu về nguồn nhân lực cho hiện tại và tương lai”, TS Thành nhấn mạnh.
TS Thành cũng cho biết, USTH và khoa Vũ trụ và Ứng dụng dự kiến sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động cộng đồng liên quan đến bộ môn khoa học còn rất mới mẻ ở Việt Nam này, góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học và truyền bá vẻ đẹp của khoa học vũ trụ đến với công chúng.
USTH là trường đại học tiên phong tại
Việt Nam đào tạo ngành Vũ trụ và Ứng dụng từ bậc đại học đến tiến sĩ với
3 hướng chính Viễn thám, Vật lý thiên văn và Công nghệ vệ tinh.
Dưới đây là một số hình ảnh về Ngày hội:
Trải nghiệm ngắm Trăng, sao Mộc, sao Thổ với những kính thiên văn nhỏ hiện đại nhất hiện nay. Ảnh: USTH