Từ trước đến nay, các niên biểu ở Việt Nam hầu như đều chỉ được lập dựa trên “Đại Việt sử ký toàn thư” hay “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” mà không có sự so sánh, đối chiếu với những tài liệu khác. Điều này có thể dẫn đến nhiều sai lệch về các mốc thời gian hay niên hiệu của các đời vua và các triều đại Việt Nam trong quá khứ.
Đó là nhận định được của TS. Phạm Lê Huy, giảng viên Khoa Đông phương học, trường Đại học KHXH&NV, đưa ra tại tọa đàm “Đính chính niên biểu lịch sử Việt Nam từ những sai lầm của Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử lược”, được tổ chức vào sáng 23/6/2020 tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Cần đối chiếu nhiều tài liệu
Là một công cụ nghiên cứu quan trọng, niên biểu lịch sử Việt Nam giúp người đọc đối chiếu niên hiệu, năm can chi và dương lịch, cũng như nắm bắt vị trí của sự kiện lịch sử trên trục thời gian. Sau niên biểu đầu tiên có đối chiếu dương lịch là Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu được Nguyễn Bá Trác biên soạn năm 1925, nhiều niên biểu khác tiếp tục được ra đời và có những bước tiến vượt bậc, nổi bật trong số đó là “Bảng tra niên đại các triều vua Việt Nam” của Viện Hán Nôm.
Theo TS. Phạm Lê Huy, hầu như những niên biểu này đều được lập dựa trên bộ Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục) bởi bộ này có khả năng bao quát một giai đoạn lịch sử dài và liền mạch, do đó rất tiện cho việc thống kê niên biểu.
Tuy nhiên, (Toàn thư) trên thực tế được biên soạn và sao chép từ rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau ví dụ như cuốn Việt điện u linh hay các tài liệu của Trung Quốc, do đó các thông tin trong cuốn này có thể bị sai sót, tam sao thất bản hoặc đã bị can thiệp, chỉnh sửa bởi người đời sau. Vì vậy, theo TS. Phạm Lê Huy có một số thông tin cần tiến hành khảo chứng, để bảo đảm chính xác. Chẳng hạn như, từ thế kỷ trước, Hoàng Xuân Hãn đã chỉ ra sự chênh lệch thời gian từ 1-2 năm ở một số sự kiện thời nhà Lý giữa hai bộ sử (Toàn thư) và Đại Việt sử lược, một trong những cuốn biên niên sử ra đời sớm nhất ở Việt Nam; hay bản thân ghi chép của “Sử lược” cũng không phải luôn đúng. Ví dụ, sự kiện sao chổi năm 1145 đã được Hoàng Xuân Hãn chỉ ra là đã bị “Sử lược” chép sớm một năm so với thực tế. Bởi vậy theo TS. Phạm Lê Huy, không chỉ cần đối chiếu những bộ sử này nhau mà còn phải so sánh cả với các nguồn tư liệu khác, đặc biệt là tư liệu chữ viết đồng đại như kim thạch văn hay gạch ngói có chữ viết để xác định được mốc thời gian khớp với thực tế.
Cần đính chính lại niên biểu
Cụ thể, TS. Phạm Lê Huy đã chỉ ra 8 nhầm lẫn về niên biểu ở thời Tiền Lê, thời Lý và thời Trần khi đối chiếu “Toàn thư” với “Sử lược” và một số tài liệu khác. Ví dụ, ở thời Lê Đại Hành, khi Lê Hoàn được nhường ngôi vào năm 980 và thay đổi niên hiệu sang Thiên Phúc, “Toàn thư” cho rằng năm “Thiên Phúc nguyên niên” là năm Canh Thìn (980), trong khi đó theo các tài liệu khác như “Sử lược”, “Thiền uyển tập anh” - tập sách đã tham khảo các bản quốc sử có trước “Toàn thư”, các truyện của Khuôn Việt và Vạn Hạnh, năm này là năm Tân Tị (981). Đây là mốc thời gian quan trọng, đánh dấu sự bắt đầu niên hiệu của một đời vua, do đó sự sai lệch này ở cuốn “Toàn thư” đã dẫn đến hệ quả việc đánh số niên hiệu của thời Tiền Lê từ niên hiệu Thiên Phúc đến Hưng Thống và rồi Ứng Thiên (từ năm 981-1007) trong sách đều bị lệch một năm so với thực tế. Những niên biểu từ trước đến nay đã được xây dựng dựa trên cuốn “Toàn thư” này như niên biểu từ thời Pháp thuộc hay niên biểu của Viện Hán Nôm cũng đều có sự nhầm lẫn về năm “Thiên Phúc nguyên niên” như vậy.
Hay một trường hợp khác là năm “Thiệu Minh nguyên niên” ở thời Lý Anh Tông, trong khi “Toàn thư” và các niên biểu từ trước đến nay được được xây dựng dựa trên cuốn này đều chép đó là năm Mậu Ngọ (1138) thì theo TS. Phạm Lê Huy, ghi chép của “Sử lược” là năm Đinh Tị (1137) mới chính xác. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp “Sử lược” chép sai, ví dụ như một sự kiện của năm Tân Dậu (1141) bị chép nhầm thành năm Canh Thân (1140).
Dù còn nhiều tranh luận về tính chính xác trong những nhận định của TS Phạm Lê Huy. Nhưng theo tôi đây là những nhận định khá mới mẻ, giúp khơi lại hướng nghiên cứu từ hơn 100 năm trước.
PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Khoa Lịch sử, Đại học KHXH&NV
Để khảo cứu lịch sử và chỉ ra được những điểm sai lệch này, TS. Phạm Lê Huy đã sử dụng nguyên tắc “Du niên cải nguyên” - khi vị vua trước qua đời thì sang năm sau (du niên) vị vua kế tiếp mới đổi niên hiệu (cải niên). Nguyên tắc này có thể giúp chứng minh được rằng trong nhiều trường hợp, ví dụ như “Thiên Phúc nguyên niên”, các soạn giả “Toàn thư” đã không phân biệt rõ thời điểm tuyên bố và thời điểm áp dụng niên hiệu mới, do đó đã có nhầm lẫn và tự tiện chỉnh sửa ghi chép sách sử đời trước, khiến cho năm này bị ghi sớm hơn một năm so với thực tế. Tuy nhiên, TS cũng lưu ý, nguyên tắc này chỉ “giúp chúng ta biết là tồn tại nguyên tắc như vậy để chúng ta xem xét sự kiện chứ không áp đặt một cách hệ thống cho tất cả các đời vua” do không phải triều đại nào cũng có nguyên tắc “Du niên cải nguyên”.
Bên cạnh đó, một phương pháp nữa cũng được TS. Phạm Lê Huy sử dụng đó là tìm hiểu về can chi của sự kiện. Theo TS, trước đây khi dịch các cuốn biên niên sử, chúng ta thường chỉ tra năm can chi và có xu hướng bỏ qua ngày tháng can chi do mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp này sẽ giúp phát hiện ngày, tháng, năm có hợp lý và khớp với nhau hay không. Vi dụ, một ghi chép can chi của “Toàn thư” có nhắc đến các ngày Mậu Thìn, Tân Mùi, Kỷ Mão của tháng 4 năm Tân Dậu (1141), tuy nhiên khi tra lịch thì thấy tháng 4 năm này không có ngày Mậu Thìn, do đó có thể xác định lại được năm ở trong thực tế.
Với những phát hiện này, TS. Phạm Lê Huy đề xuất cần phải hiệu đính lại 8 niên hiệu Thiên Phúc, Hưng Thống, Ứng Thiên (hai mốc thời gian thời Lê Hoàn và Lê Ngọa Triều), Thái Ninh, Thiên Chương Bảo Tự, Thiệu Minh, Quang Thái để người đọc có thể nhận thức được chính xác hơn về thời gian của các sự kiện lịch sử. Không chỉ vậy, hiện nay đề án biên soạn Quốc sử cũng đang tiến hành biên soạn 5 tập “Biên niên sự kiện lịch sử Việt Nam”, do đó việc lựa chọn nguồn tài liệu nào để biên soạn hay đánh giá, chỉnh sửa lại những mốc thời gian không chính xác càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.