Vấn đề là trước năm 2014, chưa có trường đại học nào đào tạo về chuyên ngành này.
TS Nguyễn Thị Bích Thùy đang kiểm tra các chủng nấm được nuôi trồng tại phòng thí nghiệm nấm. Ảnh: Ngọc Vũ
“Đã có 21 năm gắn bó với cây nấm, nếu chúng tôi không chuyển tới Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bắt tay vào việc đào tạo sinh viên thì có cái gì đó không trọn vẹn với nghề. Và với sự hỗ trợ của GS.TS Trần Đức Viên và sau nay là GS.TS Nguyễn Thị Lan cùng Ban chủ nhiệm khoa Công nghệ sinh học, chúng tôi đã bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng mô hình nghiên cứu, phát triển nấm gắn liền với đào tạo sinh viên trong 2 lĩnh vực nấm ăn và nấm dược liệu” - TS Nghiễn chia sẻ.
Được lãnh đạo Học viện giao một khu đất còn hoang sơ, TS Ngô Xuân Nghiễn, cùng TS Nguyễn Thị Bích Thùy và nhiều cộng sự khác đã bắt tay vào xây dựng phòng thí nghiệm, phòng nuôi trồng nấm để dạy sinh viên những bài học đầu tiên về nghề.
Bốn năm qua, mỗi năm, chuyên ngành nấm của khoa Công nghệ sinh học tuyển đầu vào từ 40-50 sinh viên. Xác định không thể dạy chay sinh viên, trung tâm cho sinh viên đến phòng nghiên cứu để ‘cầm tay chỉ việc’. Thế hệ cử nhân đầu tiên theo định hướng nghề nghiệp nấm ăn, nấm dược liệu đã ra trường và lập tức được các doanh nghiệp tiếp nhận thực tập và tuyển dụng.
Với những người tâm huyết như TS Nghiễn, TS Thùy và các cộng sự đó là niềm vui không gì sánh bằng.