Người Ai Cập cổ đại tin rằng con người sẽ đi đến một thế giới khác sau khi chết và số phận của họ do các vị thần quyết định. Nếu khi sống làm nhiều điều tốt, người đã khuất sẽ được phép sống trong một cảnh giới tốt đẹp, tràn ngập niềm vui.
Cái chết và cuộc sống ở thế giới bên kia là niềm tin phổ biến trong nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Người Ai Cập cổ đại – những người phát triển thịnh vượng từ năm 3100 trước Công nguyên đến năm 332 trước Công nguyên – cũng xây dựng đức tin của họ xung quanh vấn đề này. Họ cho rằng cuộc sống trần tục chỉ là điểm khởi đầu cho một cuộc sống vĩnh cửu sau khi chết, vì vậy họ luôn nỗ lực sống một cách trọn vẹn nhất trước khi bước sang thế giới bên kia.
Sách giấy cói mô tả thần Anubis đang cân trái tim của người chết để xem họ có phạm nhiều tội lỗi hay không. Ảnh: National Geographic
Nhưng để có một cuộc sống tốt đẹp sau khi chết, người Ai Cập cổ đại tin rằng họ cần đáp ứng một số điều kiện nhất định. Ví dụ, thi thể của họ cần được giữ nguyên vẹn thông qua phương pháp ướp xác, ngôi mộ chứa nhiều đồ tùy táng và một số xác ướp động vật để làm bạn đồng hành. Ngay cả khi đáp ứng đủ tất cả những điều này, những người đã khuất vẫn phải vượt qua bài kiểm tra và chịu sự phán xét của các vị thần. Sau đây là các bước cụ thể mà người Ai Cập cổ đại chuẩn bị cho hành trình về cõi vĩnh hằng.
Ướp xác sau khi chết
Hầu hết người Ai Cập đều mong muốn được ướp xác sau khi chết để bảo quản thi thể nguyên vẹn và giữ nguyên hình dáng như lúc còn sống. Tùy thuộc vào khả năng tài chính mà họ trải qua các quy trình ướp xác khác nhau.
Đối với những người nghèo, người thân của họ thường rửa sạch cơ thể người chết và đặt trực tiếp vào sa mạc cát khô nóng. Một số thi thể được gói trong muối để hút ẩm. Những người có địa vị cao hơn dùng dầu của cây bách xù để hóa lỏng các cơ quan nội tạng của người thân đã khuất và làm thơm cơ thể họ trước khi ướp.
Quy trình ướp xác dành cho những thành viên hoàng gia – đặc biệt là trong thời kỳ Tân Vương quốc (từ năm 1539 đến năm 1075 trước Công nguyên) – thường kéo dài trung bình 70 ngày và do các tư tế đảm nhiệm. Trước tiên, họ sẽ rửa sạch thi thể và rút hết máu ra ngoài. Họ loại bỏ não bằng một dụng cụ kim loại cong luồn qua lỗ mũi, sau đó đến các cơ quan nội tạng và đặt chúng trong những chiếc bình đặc biệt. Họ nhồi đầy các khoang trống trong cơ thể bằng nhựa thơm và quế trước khi khâu kín lại. Thao tác của những người ướp xác tỉ mỉ đến mức ngay cả mí mắt và lông mày của người chết vẫn còn nguyên vẹn. Toàn bộ diện mạo của họ gần như không thay đổi.
“Trái tim luôn được để lại bên trong cơ thể, bởi vì người Ai Cập tin rằng đó là nơi cất giữ linh hồn và chứa đựng trí tuệ”, Rita Lucarelli, nhà Ai Cập học tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), cho biết.
Người ta phủ lên cơ thể người chết một lớp muối natron nhằm loại bỏ hết độ ẩm. Loại muối kiềm này có tác dụng diệt khuẩn, ngăn không cho các enzyme tiêu hóa tiếp tục hoạt động. Nó cũng chuyển hóa chất béo thành chất cứng như xà bông, từ đó giúp lưu giữ cấu trúc tử thi. Cuối cùng, các tư tế làm sạch thi thể một lần nữa, phủ dầu và nhựa cây và bọc kín bằng vải lanh trước khi cho vào quan tài gỗ, hoặc quan tài đá trong phòng chôn cất.
Các đồ tùy táng phong phú
Những ngôi mộ của giới thượng lưu thường được chuẩn bị từ rất lâu trước khi họ qua đời. Người Ai Cập cổ đại tin rằng lăng mộ là cánh cổng dẫn sang thế giới bên kia. Do đó, họ thường chôn cất người thân cùng với thức ăn, rượu, quần áo và những đồ dùng cần thiết khác để chuẩn bị cho cuộc hành trình sang thế giới bên kia.
Đồ tùy táng của người Ai Cập cũng bao gồm các xác ướp động vật (mèo, chó rừng, bò, chim, cá sấu,…). Chúng có thể là vật nuôi được ướp xác và chôn cùng chủ nhân để làm bạn đồng hành trong cõi vĩnh hằng. Một số động vật khác – được cắt thành nhiều phần – đóng vai trò như một bữa ăn dành cho người chết.
Không chỉ có vậy, người Ai Cập cũng sử dụng xác ướp động vật làm đồ cúng, mang theo những lời cầu nguyện gửi đến các vị thần, hoặc thậm chí chúng là hình ảnh đại diện của một vị thần. Ví dụ như Sobek, vị thần đầu cá sấu của sông Nile; nữ thần chiến tranh Sekhmet mang nhiều đặc điểm của một con sư tử; thần chó rừng Anubis; nữ thần Hathor với hai chiếc sừng bò; nữ thần bọ cạp Selket; thần trí tuệ Thoth có phần đầu giống một con khỉ đầu chó,…
Tín ngưỡng tôn thờ các vị thần động vật có nguồn gốc sâu xa, bắt nguồn từ lịch sử lâu đời của người dân Ai Cập. Khi sống trong vùng đất Thung lũng sông Nile màu mỡ, người Ai Cập cổ đại đã hiểu rất rõ về các loài động vật bản địa. Sau đó, họ đã chuyển những động vật này và các đặc điểm của chúng sang cõi thần thánh. Vì vậy vào thời điểm ban đầu của các triều đại Ai Cập vào năm 3100 trước Công nguyên, các vị thần đã mang hình dạng động vật.
Sự phán xét của thần linh
Ngay cả khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, người đã khuất vẫn cần trải qua sự phán xét của các vị thần về cuộc đời mà họ vừa trải qua.
Người Ai Cập cổ đại tin rằng mọi người đều sở hữu ka (sinh lực) và ba (linh hồn). Khi họ chết, ka rời bỏ thể xác và lang thang không có mục đích rõ ràng. Ba vẫn lưu lại bên trong cơ thể cho đến khi nghi lễ mai táng diễn ra. Sau đó, những câu thần chú, hình ảnh vẽ trên tường lăng mộ và bùa hộ mệnh gắn trên cơ thể người chết sẽ hướng dẫn ba tiếp tục cuộc hành trình đi đến thế giới bên kia. Vị thần Horus có phần đầu giống chim ưng sẽ dẫn ba qua những con đường rực lửa, chứa đầy rắn hổ mang để tới hội trường xét xử.
Dưới dự giám sát của vị thần Anubis đầu chó rừng, trái tim của người chết được đặt lên một chiếc cân lớn. Chiếc cân có hai đầu, một đầu đặt trái tim của người chết và đầu còn lại đặt một chiếc lông vũ của nữ thần Ma’at – hiện thân của sự thật, công lý và sự hài hòa trong vũ trụ. Nếu quả tim nặng hơn chiếc lông vũ thì người chết đã phạm nhiều tội lỗi lúc còn sống, chẳng hạn như trộm cắp, giết người, làm cho người khác đau khổ và các hành vi vi phạm khác. Khi đó, một nữ thần quái vật tên là Ammut – có hình dáng pha trộn giữa sư tử, cá sấu và hà mã – sẽ nuốt chửng linh hồn của người chết.
Ngược lại, nếu người chết có tâm hồn thuần khiết và thật thà thì trái tim sẽ thăng bằng với chiếc lông vũ. Người này sẽ tận hưởng cuộc sống vĩnh cửu, vui vẻ ở vùng đất do thần Osiris cai quản với cảnh tượng thiên nhiên, núi và sông tuyệt đẹp. Họ cũng được đoàn tụ với những người thân yêu đã mất trước đó, bao gồm cả thú cưng của họ.
Theo National Geographic