Sau hơn một năm xây dựng và triển khai mô hình làm bún, mỳ, phở bánh từ rau chùm ngây, đến nay startup mang tên MoFan với giá trị cốt lõi là cung cấp thực phẩm sạch, đủ dinh dưỡng tới cho người tiêu dùng, không vì lợi nhuận mà đánh đổi chất lượng đã có tới 6 sản phẩm được đưa ra thị trường.

Kiểm định nguồn gốc từ nguyên liệu nhỏ nhất

Vào cuối tháng 5 vừa qua, trên trang cá nhân Lê Doãn Bắc gửi lời xin lỗi tới các khách hàng khi không thể ra mắt gói gia vị ăn liền dành cho mì gói đúng hẹn. Nguyên nhân được đưa ra là MoFan đang trong giai đoạn xử lý vùng nguyên liệu sạch tự nhiên và phải mất thêm 1 tháng nữa để hoàn chỉnh.

Giải thích thêm về lý do này, anh Lê Doãn Bắc chia sẻ thêm rằng: “Gói gia vị của MoFan được lựa chọn kỹ lưỡng từ 5 gia vị thảo dược, được kiểm duyệt kỹ từ những vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Chúng tôi phải thay đổi thời gian ra mắt 1 tháng vì chúng tôi phải kiểm soát nguồn gốc mới tự tin cung ứng cho người dùng”.

Không phải gói gia vị là ưu điểm nổi bật của sản phẩm mỳ ăn liền, mà chính là sợi mỳ từ rau củ mà anh Lê Doãn Bắc tự tin khẳng định rằng, trong 1kg mì tôm có tới 500gram từ rau chùm ngây tươi được sử dụng để chiết xuất dưới dạng các hạt phân tử nano để thấm thấu hòa quyện vào sợi mỳ.

Anh Lê Doãn Bắc (áo xanh) và anh Trương Thế Tiến (áo kẻ) là 2 đồng sáng lập startup MoFan. Ảnh: Lê Anh

Nhiều người sử dụng cho biết, mỳ chùm ngây thông thường ăn khá bở, không dài và có mùi nồng, ngây khó sử dụng, anh Bắc chia sẻ: “Mỳ MoFan có tỷ lệ chuyển đổi rau củ lớn nên tính dai không phải yếu tố cốt lõi. Tuy nhiên, khác với các loại mỳ khác để lâu dễ bị nở, mỳ của chúng tôi dù để lâu vẫn không sao, giữ được mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, nhờ quá trình gia nhiệt, xử lý tinh chất nano chuyển hóa quyện đều với tinh bột, mùi vị dễ chịu, dễ sử dụng với cả người lớn và trẻ em”.

Chị Nguyễn Thị Hoa - một người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi vốn bị nóng mỗi khi sử dụng mỳ ăn liền nhưng với mỳ chùm ngây MoFan, tôi sử dụng thoải mái. Sợi mỳ không dai, không bở, ăn vừa miệng và có bị thanh đạm tự nhiên từ màu xanh bóng loáng của vắt mì cho tới gói gia vị”.

Với giá thành khoảng 7.000 đồng cho mỗi miếng mì chưa kèm gia vị, anh Bắc cho rằng đây là mỳ của mình ở phân khúc cao so với sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, nếu tính giá của một bữa ăn, thì mức giá này hoàn toàn chấp nhận được bởi xu hướng tiêu dùng đang hướng sản phẩm sạch và đảm bảo dinh dưỡng, nhiều người sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

Hệ thống sản phẩm từ rau chùm ngây

Là người mê làm thực phẩm sạch, nhưng ít ai biết rằng, Lê Doãn Bắc là sinh viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, ngành thương mại quốc tế. Sau một thời gian làm việc tại Unilever, Bắc quyết định dấn thân vào con đường này cùng với người cộng sự là anh Trương Thế Tiến, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng và xuất khẩu chùm ngây ra nước ngoài.

Bắc nói: “Chùm ngây có giá trị dinh dưỡng tốt nhưng bài toán đặt ra là làm sao để đưa các tinh chất đó vào thực phẩm hằng ngày, thay vì nấu canh như chúng ta vẫn làm. Khoảng năm 2016 khi công nghệ chế biến bột mịn matcha của Nhật Bản thịnh hành, chúng tôi nghĩ tới nghiên cứu công nghệ để biến chùm ngây thành các hạt phân tử nano siêu nhỏ”.

Với công nghệ đã làm chủ được, vấn đề còn lại là làm phong phú các sản phẩm. Tính đến thời điểm này, MoFan đã có 3 sản phẩm bán ra thị trường gồm mỳ ăn liền, mỳ vắt và bún tươi và 2 sản phẩm chuyển giao một đơn vị phân phối độc quyền là bánh gạo và bún khô. Trong tháng 7 tới đây, phở khô, cháo ăn liền và bánh phồng tôm sẽ tiếp tục được ra mắt thị trường.

Trong 100 gram mỳ khô của MoFan có tới 44mg Canxi, 12,1g Protein, 393mg Kali.

Riêng với sản phẩm bún tươi, startup này đã lên kế hoạch trích một phần lợi nhuận để thu hồi bún không tiêu thụ hết trong ngày, để đảm bảo khách được ăn sản phẩm tươi hoàn toàn. Hằng ngày, người giao hàng có trách nhiệm tới các cửa hàng thu hồi lại bún chưa tiêu thụ hết để mang về tiêu hủy. Sau 2 tháng, bún tươi chùm ngây đã được phân phối đến hơn 50 cửa hàng thực phẩm sạch và nhiều quán ăn sáng, nhà hàng. “Chúng tôi làm điều này vì muốn giữ nguyên giá trị tươi và sạch cho bún của mình, phát huy tinh thần tiên phong sáng tạo cho bún Việt”, anh Bắc khẳng định.

Mì ăn liền dù mới phân phối ở thị trường Hà Nội đã liên tục cháy hàng. Bắc cho biết, đây là điều anh và nhiều người trong công ty không ngờ tới. Khách hàng liên tục phản hồi về chất lượng ngon, tốt và đúng vị tự nhiên, không bị nóng.

Để tiếp cận gần hơn với khách hàng, anh Lê Doãn Bắc còn tính tới cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ nhà phân phối online độc quyền (B2C) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thay vì phải tới cửa hàng, 6 tháng một lần, các bà nội trợ chỉ cần chuyển khoản số tiền 816 nghìn đồng, và chọn một ngày cố định trong tháng, nhân viên giao hàng sẽ giao tới nhà theo lịch hẹn, kèm theo 1 lọ gia vị dạng matcha đủ cho nhà pha chế với mỳ.

Trước câu hỏi, nếu đơn đặt hàng qua lớn và vượt ra ngoài khả năng cung cấp của nguyên liệu và sức sản xuất, anh sẽ xử lý thế nào?, anh Bắc không ngần ngại nói rằng: “Tôi sẵn sàng xin lỗi khách hàng và chỉ giao hàng đúng tiêu chuẩn chất lượng”.

Là startup mới ra đời khoảng hơn 1 năm, MoFan dự kiến sẽ tiến hành cổ phần hóa, gọi vốn để có thêm cơ hội tăng trưởng vào cuối năm nay. Cái khó nhất của MoFan là tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào sạch, đảm bảo tiêu chuẩn. Vì thế, những người tâm huyết với thực phẩm sạch như Lê Doãn Bắc hay Trương Thế Tiến muốn tìm kiếm những nhà đầu tư đam mê lĩnh vực này, sẵn sàng nói không với gian dối vì lợi nhuận.