Nhiệt độ năm 2020 cao tương đương với năm nóng kỷ lục 2016. Hành tinh đã ấm hơn khoảng 1,25°C so với thời tiền công nghiệp, theo báo cáo chung của NASA, Văn phòng Dịch vụ khí tượng của Vương quốc Anh và các tổ chức khác.

Báo cáo cập nhật hằng năm về nhiệt độ bề mặt toàn cầu của các tổ chức này ghi nhận nhiệt độ trung bình từ hàng nghìn trạm thời tiết và tàu thăm dò đại dương. Nhìn chung, nhiệt độ bề mặt đại dương và đất liền toàn cầu vào năm 2020 cao hơn hơn khoảng 1,25°C so với thời tiền công nghiệp và cao hơn 1,16°C so với mức trung bình của thế kỷ 20 (12,7°C).

Mức biến động nhiệt độ toàn cầu kể từ năm 1860.

Theo Báo cáo, nhiệt độ năm 2020 cao tương đương năm nóng kỷ lục 2016 nhưng tình hình nghiêm trọng hơn. Năm 2016, nhiệt độ cao được thúc đẩy bởi El Niño, một hiện tượng thời tiết ngăn không cho các vùng nước sâu lạnh giá ở phía đông Thái Bình Dương dâng lên bề mặt và do đó làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, năm 2020, Thái Bình Dương tiến vào La Niña, hiện tượng thời tiết ngược lại có tác dụng làm mát. Và bất ngờ là La Niña không tạo ra mức giảm nhiệt như các nhà khoa học trông đợi, theo Nerilie Abram, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Quốc gia Úc. “Điều này khiến tôi lo rằng xu hướng ấm lên toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng”, Abram nói.

Cháy rừng hoành hành ở Siberia, một trong nhiều ảnh hưởng của nhiệt độ kỷ lục năm 2020.

Năm 2020, lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát được vùng nước ấm của Đại Tây Dương xâm nhập vào Bắc Băng Dương, làm tan chảy băng từ bên dưới và làm mức băng Bắc Băng Dương xuống mức thấp kỷ lục. Đại dương ấm lên và băng tan chảy đang làm mực nước biển dâng cao 4,8 mm mỗi năm và tốc độ đang tiếp tục tăng nhanh.

Trên đất liền, tình hình thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Năm qua là năm ấm nhất từ ​​trước đến nay ở Châu Á và Châu Âu, và là năm ấm nhất "đồng hạng" với 2016 ở Nam Mỹ.

Kinh tế toàn cầu đình đốn do đại dịch COVID-19 đã giúp lượng khí thải carbon dioxide (CO2) giảm khoảng 7% trong năm qua. Tuy nhiên, nhiệt độ năm 2020 cao có nguyên nhân từ lượng khí thải có từ trước. Văn phòng Dịch vụ khí tượng của Vương quốc Anh dự đoán, cuối năm 2021, mức CO2 trong khí quyển sẽ vượt qua 417 phần triệu, cao hơn 50% so với mức tiền công nghiệp.

Nếu tốc độ ấm lên như hiện tại vẫn tiếp diễn, thế giới sẽ không đạt được các mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris, theo đó giới hạn nóng lên toàn cầu chỉ được phép trong phạm vi 1,5°C hoặc 2°C tương ứng vào năm 2035 và 2065. Nhưng theo Zeke Hausfather, nhà khoa học khí hậu tại Viện Breakthrough, rất có thể sự ấm lên toàn cầu, đang ổn định ở mức tăng 0,19° C mỗi thập kỷ trong suốt vài thập kỷ qua, sẽ bắt đầu tăng tốc; tốc độ ấm lên trong 14 năm qua cao hơn hẳn so với xu hướng dài hạn.

Nguồn: