Trong những năm gần đây, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các loài côn trùng đang lâm nguy, khi một số lượng đáng báo động đang dần biến mất khỏi Trái đất. Và dường như, con người đang đánh giá thấp quy mô của vấn đề này.
Một công trình về đa dạng sinh học trên quy mô lớn do nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế thực hiện đã phát hiện sự suy giảm một phần ba số lượng các loài côn trùng sống trong các khu rừng và đồng cỏ ở Đức diễn ra chỉ trong một thập kỉ qua. Nhà sinh thái học Wolfgang Weisser, Đại học Munich (TUM) đã bày tỏ sự kinh ngạc trước con số này, đồng thời cho rằng nó phù hợp với bức tranh toàn cảnh của nhiều nghiên cứu gần đây.
Hình minh họa. Nguồn:(fotografierende/Unsplash)
Từ năm 2008 đến 2017, nhóm nghiên cứu đã thu thập hơn một triệu mẫu côn trùng từ 300 địa điểm trên khắp nước Đức. Trong số gần 2.700 loài được điều tra, nhiều loài cho thấy dấu hiệu suy giảm quần thể. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu không thể tìm thấy một số loài côn trùng quý hiếm trong những năm gần đây. Sự suy giảm đa dạng các loại côn trùng diễn ra ở khắp nơi: từ những bãi chăn cừu, cánh đồng đến rừng cây. Đặc biệt, ở những cánh đồng cỏ có các trang trại xung quanh, lượng côn trùng giảm đến 78%, trong khi lượng sinh khối cũng tụt xuống với tỷ lệ 67%.
Sự suy giảm số lượng côn trùng tại các đồng cỏ ở Đức đã từng được thể hiện ở các nghiên cứu trước đây, song phần lớn chỉ tập trung vào sinh khối (tổng khối lượng của toàn bộ quần thể côn trùng) thay vì số lượng các loài còn tồn tại.
Ngoài ra, nghiên cứu mới nhất còn xác định mức độ ảnh hưởng của sự suy giảm côn trùng tới các rừng cây. Trong đó, ở những khu vực có rừng, sinh khối giảm 40% và số lượng loài giảm hơn một phần ba. Chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi môi trường, mà các nhà nghiên cứu dự đoán là từ việc các khu rừng bị tàn phá, là các loài côn trùng có phạm vi môi trường sống rộng.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra sự suy giảm trên diện rộng các loài động vật chân đốt về mặt sinh khối, đa dạng loài và số lượng các loài trên nhiều bậc dinh dưỡng (vị trí của loài trên chuỗi thức ăn). Điều này cho thấy sự suy giảm côn trùng không chỉ diễn ra trên các môi trường sống mở (không có cây xanh bao phủ).
Mặc dù vẫn cần thêm nhiều động thái để hiểu rõ bức tranh toàn cảnh, song nghiên cứu cũng cho thấy một số manh mối về tác nhân gây ra sự biến đổi này. Ở các đồng cỏ tại Đức, mức độ suy giảm biểu hiện mạnh nhất ở các loài côn trùng quý hiếm và được cho là tác nhân chính khiến con số trở nên đáng chú ý.
Trong khi đó, câu chuyện ngược lại diễn ra ở môi trường rừng. Tại đây, sinh khối côn trùng được duy trì tương đối ổn định trong vòng 10 năm, và các quần thể côn trùng lớn ngày càng mở rộng quy mô. Có khả năng khi các loài côn trùng biến mất trong môi trường rừng, chúng sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi các loài có cơ hội sống cao hơn.
Trong một viễn cảnh tiêu cực hơn, một số nhà khoa học đã cảnh báo về sự biến mất của côn trùng trong vòng 100 năm tới, trong khi một số cho rằng chỉ một số lượng nhỏ các loài còn tồn tại được nhờ sự biến mất của các loài cạnh tranh.
Biến đổi khí hậu cũng có thể là một trong số các tác nhân gây ra tình trạng suy giảm côn trùng trên. Dù chưa thể xác định rõ tầm ảnh hưởng của việc con người gia tăng sử dụng đất phục vụ nông nghiệp, các nhà nghiên cứu vẫn đang kêu gọi chuyển đổi mô hình sử dụng đất trên phạm vi quốc gia (Đức) và quốc tế. Chiến lược hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này, theo các nhà nghiên cứu, là cải thiện chất lượng môi trường sống cho các loài côn trùng và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các hoạt động khai thác sử dụng đất của con người, ví dụ như sử dụng thuốc trừ sâu hoặc bỏ hoang vùng đất ở giữa các trang trại.
Nguồn: https://www.sciencealert.com/insect-numbers-have-plummeted-even-more-than-suspected-in-just-a-single-decade?perpetual=yes&limitstart=1