Đề tài cấp nhà nước về “Nhân giống bảo tồn rắn hổ mang...” đã được thực hiện thành công ở Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Cục Hậu cần, Quân khu 9 (tên thân mật là Trại rắn Đồng Tâm, đóng ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang) trong đó nhân giống bảo tồn là mắt xích quan trọng.
Một năm mỗi loài rắn có một mùa động dục, giao hoan, sinh đẻ để bảo tồn nòi giống. Dự án bảo tồn hai loài rắn hổ mang (hổ mang đất và hổ mang chúa) nên ở Trại rắn Đồng Tâm mỗi năm có hai mùa rắn động dục, bắt cặp và sinh sản. Từ đầu tháng bảy đến trung tuần tháng tám là mùa động dục của rắn hổ mang đất (còn có tên rắn hổ mèo, hổ phì, hổ mang bành); mùa động dục rắn hổ mang chúa vào hạ tuần tháng ba đến hết tháng tư. Sự độc đáo và duy nhất ở đây là việc nhân giống hai loài rắn có nọc độc cực mạnh với mục đích bảo tồn gen nguồn tài nguyên quý giá quốc gia đồng thời thu hoạch nọc rắn để chế biến thuốc cứu người không may bị rắn cắn.
Ảnh minh họa.
Có người nói loài rắn hổ mang sống kín đáo, thực ra rắn hổ mang có thị giác kém vào ban ngày (chỉ thấy lờ mờ), nhưng sáng vào ban đêm. Vì thế ban ngày rắn hổ mang thường ẩn nấp, ngủ trong hang, việc bắt gặp ngoài thiên nhiên vào ban ngày rất hiếm. Nhưng những ngày động dục rắn hổ mang hoạt động cả ban đêm và ban ngày. Vào khoảng thời gian này rắn cái đủ tuổi trưởng thành động dục với các biểu hiện hoạt động mạnh, lỗ sinh dục nở ra và tiết hóc môn dưới dạng chất nhờn. Trên đường di chuyển, rắn cái để lại chút ít “hương tình” trên cỏ rác dọc lối rắn đi. Rắn đực khi nhận ra hoc môn của rắn cái (mùi) thì cơ quan sinh dục bị đánh thức mà lao đi, truy tìm bạn tình.
Thượng tá, bác sĩ CK.I, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm Vũ Ngọc Lương nói: Trước hết vì an toàn tính mạng, vào khoảng thời gian rắn hổ mang động dục mọi người cần cẩn trọng khi vào trong các khu vườn cây, đám cỏ rậm rạp, hang động khô, đặc biệt ở những nơi yên tĩnh, mát mẻ như nhà hay miếu hoang, đống xà bần, lùm cây lớn ... nghi có rắn hổ mang. Thời gian này, chúng có thể xuất hiện cả ngày lẫn đêm để tìm bạn tình và thực hiện việc giao phối. Chúng không chủ động tấn công người nhưng lỡ đạp trúng, rắn sẽ cắn, rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không đi bệnh viện kịp thời. Nhà chuyên môn kể rằng ở một số loài rắn khác, có khi hai hoặc rất nhiều rắn đực tìm đến một rắn cái, tạo ra rắn hội.
Tuy nhiên trong một mùa sinh sản rắn hổ mang cái chỉ thực hiện duy nhất một cuộc giao hoan nên “khai sinh” của bầy con trong cùng một ổ có cùng bố mẹ. Điều này dễ dàng hơn cho việc nghiên cứu bảo tồn.
Kể về điều kiện nghiên cứu nuôi dưỡng rắn hổ mang trong phạm vi nuôi bảo tồn và nuôi công nghiệp khai thác nọc và tự túc con giống, BS Lương nói: Để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi loài rắn cực độc, trong khi vẫn phải đảm bảo tăng năng suất (nọc, khối lượng con vật, khả năng sinh sản) các cá thể rắn được nuôi riêng từng con. Trong chuồng dạng hầm đứng, ít ánh sáng, việc phát hiện rắn động dục là việc khó khăn. Chỉ khi áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi chuẩn cho đực và cái, có đủ sức khỏe, rắn mới động dục sung mãn. Các chuyên viên của trại rắn Đồng Tâm thuộc tính cách từng con rắn tham gia sinh sản. Vào thời kỳ động dục những con rắn cái không chịu nằm im, chúng liên tục hoạt động và luôn “đứng” dựng theo thành chuồng, chúng đòi gặp rắn khác giới để làm nhiệm vụ duy trì giống nòi. Ngược lại nếu rắn bị bỏ đói, ăn thiếu dưỡng chất, hiện tượng động dục mờ nhạt và biến mất sau một vài ngày, nếu có giao phối thì trứng khó có phôi.
Bám theo chuyên viên theo dõi can thiệp của chuyên môn về sự giao phối của các cặp rắn nhận thấy công việc hết sức khó khăn. Trước mùa giao phối 2 tháng, cho rắn rời đến vườn tự nhiên (có xây tường cao và khả năng chống chui ra ngoài trời nhờ hang chuột) có ao nước, bãi cỏ, chuồng cho rắn ẩn nấp, tự bắt mồi sống, làm cho rắn nhanh nhẹn, nâng cao thể lực, bản năng sinh tồn và sinh đẻ. Gần đến này có khả năng động dục rắn đực ăn ít, hoạt động nhiều. Tiến hành bắt rắn cái vào chuồng bán tự nhiên. Khi thấy rắn cái giảm ăn, giảm hoạt động, ba ngày sau sẽ thả rắn đực vào. Sau khi ghép đôi, chỉ sau một thời gian ngắn làm quen chúng quấn lấy nhau và thực hiện cuộc giao phối.
Trong nghiên cứu trại Trại rắn Đồng Tâm đã xây dựng đàn rắn sinh sản theo cơ chế bảo tồn phả hệ, ngoài số lượng rắn bố mẹ đã có, trại đã nhập các cặp rắn hậu bị và sinh sản từ các tỉnh, khu vực trong cả nước, tuyển và cấp mã số cho từng cá thể, lên sơ đồ cặp bố mẹ cho các lứa con F1, F2...
Hệ thống tiêu chí bình tuyển đàn rắn bố mẹ bảo tồn gồm: Tuổi rắn hổ mang đất từ 3 đến 8 năm tuổi, hổ mang chúa 4 đến 11; chiều dài hổ mang đất từ 1,3 – 1,6m, hổ mang chúa từ 2-3m trở lên; trọng lượng hổ mang đất từ 1,5-1,8 kg, hổ mang chúa từ 3-8kg trở lên; dạng hình cân đối, sức khỏe tốt, không mang bệnh tật.
Các tiêu chí bình tuyển đàn rắn hậu bị: hổ mang đất đủ 12 tháng tuổi, hổ mang chúa 24 tháng; chiều dài hổ mang đất từ 0,95m trở lên, hổ mang chúa từ 1,5m trở lên; trọng lượng hổ mang đất từ 0,55kg trở lên, hổ mang chúa từ 2 kg trở lên, dạng hình cân đối, sức khỏe tốt, không mang bệnh tật.
Kết quả số trứng rắn hổ mang đất cái được tổ chức nuôi ở môi trường tự nhiên 2 tháng đạt 22, 3 trứng/ổ, trọng lượng trung bình 34 g/quả, tỷ lệ trứng có phôi đạt 93,71%, so với số trứng của các cá thể rắn hổ mang đất nuôi trong chuồng có mái che, có sân chơi (môi trường bán tự nhiên) đạt 19,6 trứng/ổ, trọng lượng trung bình 33 g/quả, tỷ lệ trứng có phôi đạt 78,21%.
Riêng đối với rắn hổ mang chúa rất độc, rất dữ, hoạt động rất mạnh, điều kiện nuôi trong môi trường tự nhiên chưa đảm bảo an toàn nên được nuôi trong môi trường bán tự nhiên cho kết quả: Số trứng đạt 26,3 trứng/ổ, trọng lượng trung bình 38 g/quả, tỷ lệ trứng có phôi đạt 87,53%.
Bằng dự án Bảo tồn nguồn gen rắn hổ mang (lần đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này), ngành y nước ta giành thế chủ động trong việc sản xuất ra thuốc chữa rắn cắn, một số loại thuốc chữa đau xương khớp và một số sản phẩm đặc biệt khác cho sức khỏe con người từ nguyên liệu rắn hổ mang.