Lên đường làm nhiệm vụ coi thi kì thi THPT Quốc gia 2018, nghe ra vẻ nghiêm trọng, nhưng quả có tâm thế như vậy, sau khi biết rằng địa điểm mà mình đến khá lạ lẫm - Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Trong quá khứ, bởi là chủ nhân lâu đời của vùng đất, người Tày và cả người Nùng ở Lạng Sơn, đã tạo dựng một cách sinh động và dài lâu những câu chuyện văn hóa và lịch sử của riêng mình. Đặc biệt, địa thế vùng biên trọng yếu còn cho phép họ giãn cách ít nhiều, vừa tuân thủ vừa cưỡng lại, trước lực hút kiểm soát của nhà nước phong kiến tập quyền.

Vào thời điểm mà Lạng Sơn được thành tỉnh, năm 1831, dưới bàn tay sắp đặt hành chính quyết liệt của Minh Mạng, thì Thổ ty địa phương vẫn tồn tại như một thiết chế cai quản đầy uy quyền. Bảy họ Thổ ty vốn có nguồn gốc từ miền xuôi, và là công thần nhà hậu Lê, từ giữa thế kỉ XV, đã thay nhau điều hành công việc từ cấp châu (tri châu), nắm các tổng, xã, thôn bản trong lòng tay buộc triều đình thường phải chọn giải pháp liên minh hòa hợp để tránh các biến loạn, và nhất là, để đảm bảo yết hầu ổn định, không bị giặc phương Bắc tấn công.

Chẳng hạn, vào các năm 1853, 1854 và 1859, Vi Văn Lý, tri châu Lộc Bình (huyện nằm phía đông Lạng Sơn) đã đánh lui quân nhà Thanh. Vi Văn Lý có năng lực trong việc xây dựng phòng thủ biên giới, nên dưới thời Pháp, ông được thăng đến Tuần phủ Lạng Bằng, rồi Tổng đốc Lạng Sơn. Con trai của ông, Vi Văn Định, sẽ là biểu trưng cao nhất của dòng họ Tày danh tiếng và cũng là điển hình cho thời cuộc nhiều biến chuyển: từng làm Tri châu Lộc Bình, Tuần phủ Cao Bằng, Tổng đốc Thái Bình, Tổng đốc Hà Đông rồi tham gia Hội Khai trí tiến đức, và sau 1945, nhiệt tình đi theo Chính phủ kháng chiến.

Sẽ không thể hình dung trọn vẹn vị thế quyền lực và giàu có của ông Tổng đốc này nếu không biết đến sự kiện đáng nhớ vào tháng 6 năm 1940, tại quê nhà, Vi Văn Định đã tiến hành phân chia tài sản cho 12 người con (sáu trai sáu gái) mà trong đó, bốn ái nữ (Vi Thị Kim Thành, Vi Thị Kim Yến, Vi Thị Kim Ngọc – vợ của GS. Nguyễn Văn Huyên, Vi Thị Kim Phú – vợ của GS. Hồ Đắc Di) nhận phần là hai ngôi nhà gạch tọa lạc tại Hà Nội, diện tích 878m2 trị giá 20.000 đồng bạc!

Học sinh trường THPT Vân Nham, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Ảnh: langson.gov.vn

Hôm coi buổi thi thứ nhất, tôi đã thấy rất nhiều thí sinh mang họ Vi, họ Hoàng, họ Nông, họ Hà… Chẳng biết đã bao giờ, trong những giờ học, các em loáng thoáng nghe chuyện về “thất tộc Thổ ty” xa xưa, kể như mây bay nước chảy, đã lùi vào quá vãng? Nhưng phàm đã lên xứ Lạng, không ai là không nhận ra vùng biên này chẳng đứng lặng bao giờ.

Địa điểm coi thi của tôi là Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hữu Lũng với học sinh dân tộc thiểu số là chủ yếu. Đây là những học sinh, như các thầy cô lưu ý, rất “cá biệt”: nhà nghèo, ham chơi, lười học, thi cốt lấy bằng, phụ huynh thì phần nhiều bỏ mặc con em do họ còn mải đi làm thuê tận Trung Quốc hoặc các công ty Samsung dưới Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Tôi làm cán bộ giám sát, thỉnh thoảng phải “canh” một thí sinh ra ngoài nhưng là để rít hơi thuốc lá. Đề thi vừa phát ra, nhiều em đã nằm ngủ ngon lành. Buổi thi ngoại ngữ (tiếng Anh) chỉ có một phòng thi (24 em). Tôi đã nán lại khá lâu sau giờ thi môn khoa học xã hội để hỏi các em vì sao không đăng kí xét tuyển đại học. Hóa ra, các em không có nhu cầu học, một phần vì biết rõ lực học của mình, nhưng phần nhiều do cơ hội kiếm việc ở vùng biên dễ dàng hơn.

“Thi xong là bọn em có thể bắt xe đến các nhà máy ngay”, một cậu tay lắc lắc iphone bảo tôi. “Nhưng người ta phải kiểm tra hoặc dạy nghề cho các em chứ”, tôi hỏi lại. “Vào mùa cao điểm cần người làm ngay thì không cần thầy ạ”. Bất giác, tôi nhìn ra con đường Quốc lộ 1A chạy qua trước mặt, thẳng tắp và hẹp như đường chỉ tay, chỉ mấy tiếng chạy xe là đã chạm đến Hữu Nghị quan.

Các sứ thần xưa phải mất bao công sức mới qua ải, Dư địa chí thế kỉ XIX của Phan Huy Chú còn thảng thốt “hàng nghìn ngọn núi la liệt, hàng muôn khe suối quanh vòng, khí núi độc, đường đất hiểm trở, đi lại khó khăn”, còn hậu duệ của Thổ ty nay thì đi lại chốn biên trấn như cơm bữa, tham gia đội quân chở hàng thuê, mưu sinh không đến mức khó. Thực tế ấy khiến các phòng học vùng biên luôn văng vẳng những cám dỗ từ đời sống kim tiền. Các giáo viên của Trung tâm này ngoài dạy, còn phải “dỗ”, chăm bẵm học sinh hơn cả phụ mẫu.

Ngày thi thứ ba mưa to, nhiều thầy cô lo lắng vì sợ học sinh ngủ quên hoặc thấy đường bùn đất nhão nhoét thì lười… đi thi. Giáo dục ở vùng biên, bao giờ cũng thế, là chuỗi nhọc nhằn mà dẫu dặn lòng đừng than thở, vẫn cứ bộc bạch mỗi khi có dịp hỏi han.

Tôi thường ngồi ăn cơm với các cô giáo sở tại, nhìn cái cách họ ăn thật ăn thà, nói năng rôm rả, tôi vui như được trở về nhà. Từng đi rất nhiều nơi thâm sơn cùng cốc nên tôi biết, giáo viên miền núi luôn tốt bụng và mạnh mẽ đến kỳ lạ. Nhiều cô giáo mà tôi tiếp chuyện ở Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Quảng Ninh…, đã cho tôi ý niệm trọn vẹn về tâm sáng, thứ mà bao chua chát, bẽ bàng, thua thiệt nơi núi non điệp trùng không thể làm mòn đi.

Giáo viên vùng cao, nhất là giáo viên “cắm bản” ở những điểm trường sâu hun hút, và không phải lúc nào cũng lãng mạn như trên phim ảnh, đều có nghĩa khí ngất trời, thành thực đồng cam cộng khổ và kiên tâm chống lại giá rét, sợ hãi và buồn chán. Bảo rằng họ được hưởng chính sách đãi ngộ cao thì không sai nhưng sẽ bớt đố kị hơn nếu biết thêm, tiền lương cao chưa hẳn đã bù đắp được tuổi trẻ lắm lúc quá lứa lỡ thì. Một khi đã “cắm bản” thì dẫu có mơ mộng làm thay đổi cuộc đời ai đó, cũng đều tự xác định rằng ngày trở về xuôi còn chông gai và xa xôi lắm!

Giáo dục miền núi vùng cao, dường như cho đến nay, bất chấp các điều kiện không tương đồng, vẫn phải “thi đua dạy tốt học tốt” cùng miền xuôi, thành thị. Trong khi, những yếu tố mang tính địa phương, đặc biệt là ngôn ngữ và văn hóa, lại không được chú trọng đúng mức. Hầu hết các học sinh ở Trung tâm này, dù là dân tộc Tày, Nùng, nhưng không thể nói tiếng tộc mình. Chưa kể, mức độ hiểu biết về văn hóa truyền thống gần như bằng không. Thực trạng này, thật ra, là mẫu chung của nhiều nơi. Chưa bao giờ văn hóa nhiều tộc người đang vào thế mai một dần, nếu không muốn nói là mất hẳn, như bây giờ. Giáo dục vùng cao mà Lạng Sơn là trường hợp tôi biết, liệu có đau đáu về câu chuyện này không?

Ngày thi thứ hai, do môn ngoại ngữ chỉ một lớp nên khá nhiều cán bộ coi thi được nghỉ. Họ dành cả buổi sáng để đi thăm đền Bắc Lệ và nhắm trước vật dụng cần mua sắm. Buổi hôm sau, kết thúc, thớt gỗ nghiến và vịt quay được “ship” đến tận tay. Cán bộ coi thi mà phần nhiều là cô giáo, ở đâu cũng vậy thôi, vẫn canh cánh chuyện nội trợ và bữa cơm gia đình.

Đi coi thi xa nhà, các cô hay nói vui là dịp “đổi gió”, nhưng chẳng mấy khi “cuốn theo chiều gió” đến mức quên bẵng phận vị của mình. Các thầy cô từ Hà Nội xuống, mang mác giảng viên dễ gây ảo tưởng có cuộc sống “sang chảnh” hơn các thầy cô cấp ba ở địa phương. Kỳ thực, có khá nhiều điểm tương đồng trong nghiệp cầm phấn mà dù môi trường sống khác nhau, vẫn cứ nhanh chóng hiện ra trong lối ứng xử. Đấy đều là những người chọn an thân và đôi khi an nhàn làm trọng.

Tôi có nhiều bạn là giáo viên cấp ba và ở trường chuyên hẳn hoi, nghiễm nhiên là “tinh hoa” ở làng như cách nói về các bậc đồ nho xưa, nhưng đỉnh cao nhu cầu chuyên môn của họ chủ yếu vẫn là các giờ dạy ca ba, luyện thi quanh năm. Nói vậy, tôi không có hàm ý cho rằng họ nghèo nàn về hiểu biết mà chủ yếu, để tự thấy xấu hổ cho bản thân, trong một công việc tưởng chừng cần đến nhiều kiến thức nhất, lại không đủ điều kiện để trau dồi thường xuyên.

Chúng ta phải trung thực tận đáy khi nói về những hạn chế của mình, nếu muốn bắt tay cải cách, phát triển giáo dục. Sẽ chẳng có biến chuyển nào đáng kể khi mà người dạy, vì đời sống sinh nhai, cứ quẩn quanh trong dăm ba bài giảng cắp nách, giáo trình giáo án cầm hơi. Đằng sau một kỳ thi lớn như kỳ thi THPT Quốc gia, nào ai tính được những mới và cũ, tụt hậu và cấp tiến, và đặc biệt, những âu lo và trăn trở, hi vọng và thất vọng, phá vỡ và buông xuôi, của đội ngũ trí thức chiếm số đông trong xã hội là giáo viên?