Cương lĩnh với chương trình hành động 5 điểm nêu rõ quan điểm đối với chính sách phát triển Internet cũng như cách thức tiếp nhận thông tin từ cử tri qua mạng, Nguyễn Đình Nam (sinh năm 1981) thể hiện khát vọng trở thành đại biểu Quốc hội.
Mong muốn được đóng góp
Khác với quan niệm xưa, sự nghiệp của nhà khoa học gắn liền với viện nghiên cứu hay phòng thí nghiệm, Nguyễn Đình Nam mong muốn tạo một luồng gió mới khi tự xây dựng cương lĩnh tranh cử vào đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Trong bản cương lĩnh của mình, ông Nam giới thiệu rõ về bản thân là một kỹ sư thiết kế máy tính, trong 17 năm qua từng được nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông. Hiện ông Nam là Chủ tịch HĐQT sáng lập ra công ty VP9 - công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, có tính đổi mới sáng tạo cao (thường được gọi là startup).
Theo đó, vị Chủ tịch HĐQT VP9 cũng nêu rõ chương trình hành động 5 điểm sẽ nỗ lực thực hiện nếu trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể, nhà khoa học trẻ này xác định sẽ tương tác trực tiếp với cử tri qua Internet; xây dựng chính sách phát triển Internet để Internet Việt Nam nhanh hơn, rẻ hơn, đồng thời biến Việt Nam trở thành trung tâm Internet của khu vực. Ông Nam cũng bày tỏ mong muốn phát triển ngành sản xuất điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tập trung xây dựng các khu kinh tế mở tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để cạnh tranh sản xuất và thu hút đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ về khát vọng này, ông Nam cho biết, bản thân không nghĩ gì hơn ngoài việc muốn đóng góp công sức, sự hiểu biết của mình, đưa tiếng nói của cử tri đến với Quốc hội để góp phần xây dựng các quyết sách phù hợp với thực tiễn ngành.
Khoa học vẫn là đam mê
Những ngày này, ông Nam đã hoàn thiện hồ sơ, cương lĩnh gửi tới Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội. Ông chia sẻ, các công việc liên quan đến ứng cử đã được thực hiện quy trình và đang chờ đợi kết quả.
“Nếu qua được vòng loại, tôi sẽ tiếp tục vận động thông qua Internet và những việc làm thực tế. Mong rằng cá nhân tôi sẽ được đại diện cho doanh nghiệp khởi nghiệp khoa học - công nghệ để đưa tiếng nói lên diễn đàn Quốc hội” - ông Nam bày tỏ mong muốn.
Dù biết rằng đây là cuộc chọn lọc gắt gao nhất, vì Hà Nội là địa bàn ứng cử có tính cạnh tranh cao nên khó khăn chắc chắn là rất lớn, song ông Nam tin rằng sẽ mang một luồng gió mới tới cuộc bầu cử lần này.
“Tôi tin rằng với xu thế mới, cử tri thay vì chọn những ứng cử viên nhiều tuổi đang nắm vị trí trong các cơ quan nhà nước khá bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho hoạt động Quốc hội thì sẽ chọn ứng viên vừa là doanh nghiệp, trẻ, lại có hiểu biết về khoa học - kỹ thuật và hiện diện online trên Internet, họ sẽ dễ dàng tiếp cận hơn” - ông Nam chia sẻ.
Từng theo dõi nhiều kỳ Quốc hội, ông Nam cho biết rất quan tâm đến hoạt động ở các tổ chuyên môn. Nếu được đóng góp tiếng nói đại diện cho cử tri và những người trong ngành, ông hy vọng có thể cùng các đại biểu Quốc hội đưa ra những giải pháp thiết thực cho ngành mà ông đang đeo đuổi, đó là chính sách phát triển Internet.
Ông Nam xác định, việc quan trọng nhất của một đại biểu Quốc hội là truyền đạt ý kiến của cử tri. Với thế mạnh là một kỹ sư và doanh nhân công nghệ thông tin, ông Nam tin rằng đủ năng lực để tương tác với cử tri thường xuyên qua Internet, chứ không giới hạn ở việc tiếp xúc với cử tri 2-3 lần mỗi năm như quy định.
“Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi sẽ lập một trang cộng đồng trên Facebook để cập nhật minh bạch các hoạt động của tôi ở Quốc hội và cử tri có thể phản ánh nguyện vọng trực tiếp đến văn phòng của tôi bất cứ lúc nào. Nếu thông tin không nhiều, tôi sẽ trực tiếp trao đổi; còn nếu quá tải, tôi sẽ xây dựng đội ngũ hỗ trợ và lập website thông minh để tiếp nhận và xử lý thông tin, giúp đại biểu chọn ra các ý kiến nhiều người quan tâm nhất để đưa ra thảo luận” - ông Nam nói.
Dù khát vọng lớn, song ông Nam cũng thành thật: “Tôi không quá đặt nặng vào việc này mà chỉ là mong muốn đóng góp, nếu được sẽ làm đến nơi đến chốn, nhưng khoa học vẫn là đam mê và quyết tâm sống còn” - ông tâm sự về khát vọng của mình.
Đã có hơn 100 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội
Theo thông tin từ Hội đồng Bầu cử quốc gia, tính đến chiều 13/3 đã có hơn 100 hồ sơ tự ứng cử ĐBQH (trong đó Hà Nội là 47 hồ sơ, TPHCM hơn 40 hồ sơ, Đà Nẵng có 3 hồ sơ, Nghệ An có 5 hồ sơ).
Đến nay, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thông qua nghị quyết về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. Theo đó, cả nước có 184 đơn vị bầu cử ĐBQH khóa XIV (nhiều nhất là Hà Nội và TPHCM, mỗi địa phương có 10 đơn vị bầu cử).
|