|
San hô là một trong những loài chịu tác động rõ rệt của sự axit hóa đại dương (Nguồn:Dispatch Tribunal) |
Theo một nghiên cứu vừa được các nhà khoa học Mỹ công bố, việc tăng lượng khí thải carbon dioxide (CO2) dẫn đến sự tăng nồng độ khí này trong đại dương, gây ra axit hóa đại dương đang trở thành một mối đe dọa lớn đối với nhiều loài động vật biển.
Các nhà nghiên cứu cho biết, động vật biển, đặc biệt những loài có vỏ hoặc khung xương được phát triển từ cacbonat canxi (như trai, sò, san hô) đang gặp nguy cơ lớn do quá trình axit hóa đại dương làm nồng độ CO2 tăng lên, gây ra sự ăn mòn vỏ và xương của chúng.
Các nhà nghiên cứu Lester Kwiatkowski và Ken Caldeira (bang California) đã tiến hành nghiên cứu tại các hồ nước biển nhỏ dọc theo bờ biển California, nơi mà vỏ và xương của các loài động vật biển bị ăn mòn do nồng độ CO2 gia tăng trong nước vào ban đêm. Họ giải thích, sự gia tăng nồng độ CO2 trong nước biển đã dẫn đến sự thay đổi hóa học trong nước, làm tính axit tăng lên. Quá trình này được gọi là "axit hóa đại dương”.
Các hồ này, còn gọi là hồ thủy triều, được hình thành khi nước thủy triều dâng lên và tách ra khỏi nước biển khi thủy triều rút. Vào ban ngày, các loài thực vật thực hiện quá trình quang hợp, chuyển đổi năng lượng Mặt Trời và CO2 trong khí quyển thành đường, nhả ra khí oxy, hấp thụ CO2 từ nước biển. Tuy nhiên, vào ban đêm, thực vật và động vật thở giống như chúng ta, hấp thu oxy và giải phóng CO2. Điều này khiến nồng độ CO2 trong nước biển tăng lên và làm trầm trọng thêm tác động của sự axit hóa đại dương, gây ra nguy cơ ngày càng tăng đối với sinh vật biển có vỏ và khung xương.
“Một trong những vấn đề do sự tăng nồng độ axit trong nước gây ra là nó hạn chế sinh vật biển (như các loài trai, sò, hàu) phát triển bộ vỏ và khung xương của chúng từ cacbonat canxi. Ở nồng độ đủ cao, CO2 thậm chí có thể làm tan vỏ và xương chúng" - ông Kwiatkowski, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Ông Caldeira nói: "Nếu những gì chúng ta thấy đang xảy ra dọc bờ biển California ngày hôm nay vẫn sẽ tiếp diễn trong những thập kỷ tới, chúng ta sẽ không thể biết các hệ sinh thái ven biển có còn tồn tại vào năm 2050 không".