Dữ liệu từ thời kỳ đầu của đại dịch cho thấy tỷ lệ tử vong và nhiễm bệnh ở các nước nghèo tương đối thấp so với các nước giàu. Nhưng đó chỉ là do khả năng ghi nhận và theo dõi dịch bệnh, tình hình thực tế không phải như vậy, đại dịch đã ảnh hưởng nhiều nhất đến các nước có thu nhập thấp và trung bình.


Người dân ở các quốc gia nghèo hơn có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao hơn người dân ở các quốc gia giàu có hơn.

Gideon Meyerowitz-Katz, nhà dịch tễ học tại Đại học Wollongong, Úc, và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu nhiễm bệnh và tử vong thu thập được từ hàng chục nghiên cứu ở 25 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trước khi những nơi đó có vaccine. Từ tháng 4/2020 đến tháng 2/2021, nhóm cũng thu thập mẫu máu từ những người thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau và tìm kiếm các kháng thể chống lại SARS-CoV-2 - một dấu hiệu cho thấy ai đó đã từng nhiễm bệnh.

Ở các nước giàu, những người lớn tuổi lại ít có khả năng từng nhiễm bệnh hơn những người trẻ tuổi. Nhưng các tác giả phát hiện, ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp hơn, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên có kháng thể chống lại SARS-CoV-2 tương tự như ở những người trẻ tuổi. Nguyên nhân có thể do họ sống trong các hộ gia đình nhiều thế hệ, khó cách ly khỏi người bị nhiễm bệnh. Và nhiều người ở những nước này không có cơ hội làm việc tại nhà.

Để tính toán nguy cơ tử vong của một cá nhân, nhóm đã tính toán tỷ lệ người nhiễm COVID-19 chết vì căn bệnh này, bao gồm cả những người không được xét nghiệm hoặc không có triệu chứng. Kết quả, nguy cơ tử vong trung bình do nhiễm COVID-19 của thanh niên 20 tuổi ở các nước thu nhập thấp cao gấp ba lần so với thanh niên ở các quốc gia giàu có; và những người 60 tuổi có nguy cơ tử vong gần gấp đôi. Sự khác biệt rõ rệt về nguy cơ tử vong của cá nhân là do người dân ở các nước thu nhập thấp ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt.

Các phát hiện này không gây ngạc nhiên, theo nhóm nghiên cứu, nhưng vấn đề là các quốc gia có thu nhập cao đã không hỗ trợ đúng mức các quốc gia có thu nhập thấp hơn trong thời kỳ đại dịch.

Nhóm dự đoán rằng sau khi COVID-19 trở nên phổ biến, khoảng cách tử vong giữa các nước thu nhập thấp và cao có thể đã thu hẹp lại. Nhưng đối với một số nước, khoảng cách này lại có thể đã mở rộng hơn nữa, bởi vì nhiều quốc gia nghèo vẫn khó tiếp cận với vaccine. Khi vaccine được chấp thuận, các quốc gia giàu sẽ tích trữ chúng, làm trầm trọng thêm khoảng cách bình đẳng vaccine giữa các nước giàu và nghèo, nhóm tác giả cho biết trong bài báo mới được đăng trên tạp chí BMJ Global Health.

Kết quả của nghiên cứu mới nhấn mạnh “sự cấp thiết của việc tiêm chủng cho những người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình”, Gavin Yamey, nhà nghiên cứu chính sách công và sức khỏe toàn cầu tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina, cho biết. Đến nay, mới chỉ 16% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, so với 80% người dân ở các quốc gia giàu có.

Nhưng có thể đã quá muộn để các nước nghèo kiếm được đủ vaccine cho người dân của mình, bởi vì các nước giàu đã bắt đầu cắt giảm tài trợ cho các chương trình viện trợ quốc tế liên quan đến COVID-19, theo nhóm nghiên cứu. Tình hình tương tự đã xảy ra với các bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn như sốt rét, bệnh lao và AIDS, những bệnh từng là mối đe dọa nghiêm trọng ở các nước giàu. “Ngay khi những căn bệnh này không còn là mối đe dọa, chúng ta hoàn toàn quên mất chúng, vờ như chúng đã qua đi. Nhưng thực sự chúng vẫn đang lấy đi sinh mạng của con người ở phía nam địa cầu,” Madhukar Pai, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học McGill, Canada, nói. “Đối với hầu hết mọi căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, thì chính các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải chịu gánh nặng nhiều nhất”.

Nguồn: