Sau 4 cơn địa chấn mạnh liên tiếp trong vòng 48 giờ ở Nam Á, Myanmar và Nhật Bản, giới truyền thông lên tiếng cảnh báo về một siêu động đất sắp diễn ra. Nguy cơ này thực sự lớn đến đâu?
Động đất liên tiếp không phải dấu hiệu siêu thảm họa
Trong vòng một tuần qua, hai trận động đất mạnh đã xảy ra tại Nhật Bản cùng hàng loạt vụ chấn động khác ở Myanmar, Philippines... gây nhiều thiệt hại về người và của. Ngay sau đó, người dân châu Á đã sống trong sợ hãi khi giới truyền thông cảnh báo rằng đây chỉ mới là khởi đầu cho một trận siêu động đất tại khu vực này ngay sau đó.
Tuy nhiên, tờ Inverse (Mỹ) đã bác bỏ dự đoán này. Họ cho rằng việc truyền thông châu Á xâu chuỗi các trận động đất với nhau rồi đưa ra cảnh báo là kiểu tư duy quá đơn giản của những người không am hiểu địa chất.
Theo lập luận của tờ Inverse: Thứ nhất, những trận động đất ở châu Á vừa qua có cường độ trung bình khá phổ biến. Cụ thể, đã có 36 trận động đất xảy ra trên khắp hành tinh từ đầu năm 2016 tới nay và phần lớn xảy ra ở vành đai lửa Thái Bình Dương - khu vực hứng chịu nhiều trận động đất nhất thế giới. Đây là hiện tượng bình thường.
Thứ hai, động đất không gây hiệu ứng domino với khoảng cách xa. Sự rung lắc ở một nơi bất kỳ trên địa cầu không gây động đất ở nơi cách nó hàng nghìn kilômét. Trong phần lớn trường hợp, mỗi đường đứt gãy hoạt động độc lập, không phụ thuộc hay liên quan tới những đường đứt gãy khác. Vì thế, những trận động đất liên tiếp ở châu Á trong thời gian ngắn vừa qua không thể tạo nên một siêu địa chấn trên cùng châu lục.
Thứ ba, số vụ động đất nhỏ càng lớn, nguy cơ siêu địa chấn càng giảm. Nếu động đất nhẹ và trung bình xảy ra liên tiếp trên một đường đứt gãy bất kỳ, chúng sẽ làm giảm nguy cơ siêu địa chấn.
Cuối cùng, các chuyên gia địa chất hiện vẫn chưa dự đoán được chính xác thời điểm địa chấn sẽ xảy ra mà chỉ có thể đánh giá độ nguy hiểm của chúng. Họ có thể theo dõi một đường đứt gãy và tính toán năng lượng tích tụ trong đó khi các mảng kiến tạo cọ xát nhau. Sau đó, họ có thể đưa ra nhận định rằng nếu toàn bộ sức nén bên dưới đường đứt gãy được giải phóng cùng lúc thì một trận động đất với cường độ nào đó sẽ xảy ra.
Từ 4 lập luận kể trên, Inverse cho rằng tuyên bố “sắp có siêu động đất” do dấu hiệu từ những trận động đất vừa qua là không có cơ sở. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là một thảm họa lớn như vậy sẽ không xảy ra tại châu Á.
Nguy cơ siêu động đất là có thật
Giới địa chất cảnh báo, một dải đất ở sườn phía tây dãy Himalaya - thuộc lãnh thổ Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Afghanistan - có thể hứng chịu các trận động đất tới 8 độ richter do sức nén giữa các mảng kiến tạo Ấn Độ và Âu - Á đang tăng.
Viện Ứng phó thảm họa quốc gia Ấn Độ nhận định, một cơn địa chấn có sức tàn phá tương đương trong khu vực đông dân - với những đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn thấp - có thể trở thành thảm họa khủng khiếp.
Trận động đất mạnh tại Nepal năm 2015 và những dư chấn của nó khiến gần 9.000 người thiệt mạng do mảng kiến tạo Ấn Độ di chuyển về phía bắc, vào Trung Á với tốc độ 67mm mỗi năm. Nhưng các cơn địa chấn ấy vẫn chưa đủ lớn để giải phóng hết sức nén đang tích tụ bên dưới bề mặt địa cầu.
“Phần phía tây của đường phay (đường đứt gãy) - nơi chưa từng có động đất lớn nào trong 500 năm qua - giờ đây có thể tạo ra địa chấn dữ dội” - các nhà khoa học dự đoán.
Trước khi trận động đất 7,8 độ richter xảy ra ở Nepal tháng 4/2015, nhiều nhà địa chất đặt giả thuyết rằng một đường đứt gãy xuyên qua dãy Himalaya sắp tạo nên siêu động đất.
Giới địa chất đang tập trung nghiên cứu khu vực phía tây của tâm chấn động đất tại Nepal năm ngoái - nơi các mảng kiến tạo vẫn đang trong trạng thái “không thể di chuyển”. Theo họ, rất có thể trận động đất năm 2015 không làm xáo trộn phần kẹt cứng của đường đứt gãy bên dưới dãy Himalaya và phía tây vùng châu thổ Kathmandu. Vì thế, một cú trượt của mảng kiến tạo có thể giải phóng áp lực trong phần bị khóa chặt của đường đứt gãy, tạo điều kiện cho nó gây siêu địa chấn.
Roger Bilham - nhà nghiên cứu động đất của Đại học Colorado (Mỹ) - từng nói như sau về nguy cơ siêu động đất xảy ra ở dãy Himalaya: “Với những điều kiện hiện nay, ít nhất 4 cơn địa chấn với cường độ lớn hơn 8 độ richter có thể xảy ra. Những siêu động đất ấy xuất hiện càng muộn thì năng lượng tích tụ trong nhiều thế kỷ sẽ khiến chúng càng trở nên dữ dội hơn”.
Theo các nhà nghiên cứu, siêu động đất gần đây nhất ở phần bị khóa chặt bên dưới dãy Himalaya xảy ra vào năm 1505. Thực tế ấy khiến họ càng tin một sự kiện tương tự sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Cường độ của siêu động đất năm 1505 vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Một số người cho rằng con số lên tới 8,5 độ richter, gây thiệt hại lớn cho vùng Tây Tạng.