Với việc áp suất nước biển thay đổi, cộng thêm khí hậu đang ấm dần lên trông thấy đã khiến băng ở Bắc Cực đang tan một cách “chóng mặt”. Điều này khiến mực nước biển tăng lên và diện tích đất liền có nguy cơ bị thu hẹp khá nhiều.
Trong năm 2015 vừa qua, các số liệu thống kê cho thấy, khí hậu ở Bắc Cực ấm lên nhanh gấp 2 lần so với bất cứ nơi đâu trên toàn Trái Đất. Điều này đã khiến diện tích băng ở nơi đây bị tan chảy rất nhanh và khiến thế giới phải hứng chịu nguy cơ nước biển dâng cao.
Theo các tài liệu của Trung tâm dữ liệu băng, tuyết quốc gia Hoa Kỳ, khí hậu ở Bắc Cực trong tháng 1/2016 đã ấm lên trông thấy. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến diện tích băng bao phủ mặt biển chỉ còn 13,5 triệu km vuông, ít hơn 1,04 triệu km vuông so với diện tích băng trung bình ở cùng thời điểm tính từ năm 1981-2010.
Băng ở Bắc Cực tan nhanh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các loài động vật hoang dã sinh sống tại đây, cũng như gây ra nguy cơ tăng cao mực nước biển.
Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong tháng 1, diện tích băng tan đã lên tới con số 90.000 km vuông, nhiều hơn rất nhiều so với kỷ lục băng tan vào tháng 1/2011. Chưa dừng lại ở đó, tình hình băng tan ở Bắc Cực trong tháng 2/2016 còn tiếp tục gia tăng và dự kiến sẽ lên tới đỉnh điểm trong đầu tháng 3 này.
Được biết, nguyên nhân dẫn tới việc này là do các cơn gió lưu thông ngược chiều kim đồng hồ xung quanh Bắc Cực đã khiến nước biển ở nơi đây bị thay đổi áp suất. Cộng thêm tình hình nhiệt độ không khí lên tới 6 độ C đã khiến băng tuyết tan nhanh một cách “chóng mặt”.
Nếu xu hướng băng tan nhanh như vậy vẫn tiếp tục cho đến cuối mùa hè thì đây là một thảm họa nghiêm trọng đối với Trái Đất. Bởi vì, băng tan không chỉ làm ảnh hưởng đến các loài động vật sinh sống ở Bắc Cực, mà còn có thể khiến mực nước biển dâng cao. Điều này là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến diện tích đất liền trên Trái Đất bị thu hẹp.
Quốc Bảo (theo IFL Science)