Thế vận hội Olympic sẽ diễn ra vào cuối tháng này với các biện pháp hạn chế lây nhiễm. Nhưng do tình hình tiêm chủng không đồng đều trên toàn thế giới, các chuyên gia lo ngại rằng những biện pháp đó là chưa đủ.

Năm ngoái, khi hoãn Thế vận hội Olympic mùa hè ở Tokyo sang năm nay, các nhà tổ chức của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hy vọng rằng thời gian một năm là đủ để các nước có các biện pháp khống chế virus SARS-CoV-2.

Và Thế vận hội Olympic sẽ diễn ra vào cuối tháng này, với các biện pháp hạn chế lây nhiễm như rào chắn, giãn cách và xét nghiệm để tránh hình thành ổ dịch. Nhưng do tình hình tiêm chủng không đồng đều trên toàn thế giới - ở Nhật Bản, mới có khoảng 17% dân số được tiêm chủng đầy đủ, và biến thể Delta đang lây lan nguy hiểm hơn so với chủng virus trước đây, các chuyên gia cảnh báo, những biện pháp được thực hiện tại Olympic là chưa đủ. Một số vận động viên đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi đến Nhật Bản, làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát dịch.

Peter Chin-Hong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, cho biết: “Thế vận hội không chỉ có tiềm năng trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm cục bộ ở một quốc gia, mà còn siêu lây nhiễm toàn cầu".

Không thể tránh các ca nhiễm riêng lẻ, mục tiêu của các biện pháp phòng ngừa là để ngăn chặn hình thành các chuỗi và cụm lẫy nhiễm, theo Brian McCloskey, chủ tịch hội đồng chuyên gia độc lập tư vấn cho IOC về các biện pháp đối phó với COVID-19.

Thế vận hội mùa hè diễn ra ở Tokyo vào tuần tới sẽ được tổ chức mà không có khán giả để giảm nguy cơ lây truyền COVID.

Nguy cơ lây nhiễm trong thi đấu

Hiện tại, tất cả các vận động viên Olympic phải tuân thủ các nguyên tắc kiểm dịch trong sách hướng dẫn Thế vận hội. Nếu bay quốc tế trong tháng này, vận động viên phải xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên hai lần trong 96 giờ trước chuyến bay. (Những người bay trước ngày 1/7 chỉ phải xét nghiệm một lần trong vòng 72 giờ kể từ khi khởi hành.) Khi đến Nhật, họ sẽ được xét nghiệm kháng nguyên nhanh qua nước bọt khi làm thủ tục nhập cảnh và nhận hành lý. Nếu xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính hoặc không thể kết luận, họ sẽ phải xét nghiệm PCR tại Làng Olympic, nếu âm tính, họ mới được phép tiếp tục về chỗ ở của mình. Hằng ngày, vận động viên sẽ được yêu cầu báo cáo tình hình sức khỏe bằng ứng dụng và lấy mẫu nước bọt để xét nghiệm kháng nguyên, sau đó là xét nghiệm PCR trên cùng một mẫu nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên không rõ ràng hoặc dương tính.

McCloskey nói, các chính sách Olympic hiện nay được thiết kế không dựa trên tình trạng tiêm chủng của vận động viên, vì tình trạng tiêm vaccine khác nhau giữa các quốc gia do sự chênh lệch về tiếp cận và giàu nghèo. Thời gian cách ly đối với các vận động viên dương tính cũng được tùy chỉnh tùy theo kết quả xét nghiệm và lịch sử tiếp xúc, chẳng hạn vận động viên sẽ phải cách ly với đồng đội và nhân viên tổ chức nhưng vẫn được phép tập luyện.

Nhưng vấn đề là không phải mọi môn thể thao đều có nguy cơ lây truyền virus đường hô hấp như nhau. Trên Tạp chí Y học New England, Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, kêu gọi Olympic quản lý rủi ro theo cấp độ: IOC nên "dán nhãn" các môn thể thao khác nhau với nguy cơ lây truyền COVID cao, trung bình hoặc thấp để đưa ra các biện pháp kiểm dịch tương ứng.

Theo các tác giả của bài báo, các môn thể thao ngoài trời với đặc tính giãn cách vốn có - chẳng hạn như đua thuyền buồm, bắn cung và cưỡi ngựa - có thể được coi là rủi ro thấp. Các môn rủi ro vừa phải bao gồm những môn được tổ chức ngoài trời nhưng không thể tránh khỏi tiếp xúc gần, bao gồm bóng bầu dục, khúc côn cầu và bóng đá. Các môn thể thao trong nhà và có tiếp xúc gần, chẳng hạn như quyền Anh và đấu vật, có nguy cơ cao. Nhìn chung, bất kỳ sự kiện thể thao trong nhà nào cũng rủi ro hơn một sự kiện được tổ chức ngoài trời.

Những đánh giá rủi ro này có thể có kéo theo những thay đổi về cách tổ chức các cuộc thi nhất định. Ví dụ, rủi ro lây truyền của các sự kiện thể thao dưới nước sẽ thấp hơn nếu chuyển sang các hồ bơi ngoài trời.

Do mức độ rủi ro khác nhau giữa các môn, Osterholm khuyến nghị nhà tổ chức nên yêu cầu các vận động viên thi đấu trong các môn thể thao có rủi ro lây nhiễm cao thực hiện biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt hơn các vận động viên khác. Chẳng hạn như chỉ xét nghiệm PCR thay vì xét nghiệm dựa trên kháng nguyên, hoặc không giao tiếp với bất kỳ ai khác ngoài đồng đội và huấn luyện viên. (Về mặt tích cực, các nhà tổ chức Olympic gần đây đã cấm khán giả trực tiếp ở hầu hết các môn thể thao sau khi Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo do số ca nhiễm tăng đột biến.)

Nguy cơ lây nhiễm ngoài thi đấu

Sách hướng dẫn Olympic năm nay cũng đề cập các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm qua tương tác xã hội trong các làng Olympic và Paralympic. Các quy định yêu cầu vận động viên và nhân viên phải đeo mặt nạ trừ khi ngủ, ăn, uống, tập luyện hoặc thi đấu; tránh tiếp xúc cơ thể, chẳng hạn như bắt tay và ôm; và các vận động viên chỉ được đến các địa điểm được liệt kê trong “Kế hoạch hoạt động” đã được phê duyệt trước.

Theo các chuyên gia, một số biện pháp này hiệu quả, nhưng một số thì không. Chẳng hạn, Chin-Hong gọi các biện pháp như giảm sức chứa bàn ăn từ sáu người xuống còn bốn người và đặt rào chắn là "lạc hậu", "giống như chúng ta quay ngược về thời điểm trước khi chưa biết rằng virus lây lan qua sol khí".

Osterholm ví sự lây lan qua sol khí như khói thuốc lá: Nếu ai đó đang hút thuốc trong phòng kín, những người khác sẽ ngửi thấy mùi khói ngay cả khi có các rào chắn trong phòng hay người hút thuốc đã rời khỏi phòng. Osterholm cho rằng IOC chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề lây truyền qua sol khí trong các kế hoạch của mình. Ngoài ra, các hướng dẫn của IOC khuyên đeo "khẩu trang không vải” thay vì yêu cầu khẩu trang N95, có khả năng bảo vệ khỏi sol khí tốt hơn nhiều so với các loại khẩu trang khác. Ngoài ra, Olympic vẫn cho phép tất cả những người tham dự được phép tháo khẩu trang khi nói chuyện với vận động viên Paralympic hoặc những người sử dụng khẩu hình nói chung - với điều kiện đứng cách xa nhau hai mét.

Theo dự đoán từ IOC, hơn 85% vận động viên và quản lý trong các làng Olympic và Paralympic - và hơn 70% nhân viên truyền thông tham dự - sẽ được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm này không áp dụng cho nhân viên hỗ trợ, bao gồm nhân viên giữ sân, nhân viên chuẩn bị thực phẩm hoặc dọn dẹp.

“Các nhân viên hỗ trợ cũng cần được xét nghiệm định kỳ, tuân thủ giãn cách và đeo khẩu trang, họ cũng có khả năng lây nhiễm bệnh như bất kỳ ai khác”, theo Joseph Fauver, nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Yale, người tư vấn các chiến lược xét nghiệm cho Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA) và Liên đoàn Bóng đá Quốc gia (NFL) của Mỹ. Khác với NBA khi bắt đầu lại mùa giải 2019–2020 vào năm ngoái, Thế vận hội Olympic không được đặt trong "nhà kính" cách ly với bên ngoài.

Ngoài xét nghiệm PCR, NBA và NFL cũng thực hiện giải trình tự gen theo thời gian thực để các chuyên gia y tế công cộng có thể theo dõi virus lây lan từ ai và xác định chính xác các môi trường và các nhóm người có nguy cơ làm lây lan virus. Nhưng IOC đã không đưa kỹ thuật này vào chương trình xét nghiệm của họ.

IOC bảo lưu ý kiến rằng các biện pháp hiện tại của họ là đủ. McCloskey nói: “Chúng tôi tin rằng các biện pháp mà chúng tôi áp dụng là đủ để giúp giảm thiểu rủi ro, bất kể sự xuất hiện của các biến thể mới".

Tuy nhiên, khi xảy ra các ca nhiễm - điều gần như không thể tránh khỏi - virus sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến những người đến từ các quốc gia chưa được tiêm phòng. Chin-Hong nhận xét, Thế vận hội Olympic vốn là sân chơi của sự bình đẳng và tất cả đều có cơ hội chiến thắng như nhau nhưng giờ đây trở nên bất bình đẳng do khoảng cách tiêm chủng vaccine giữa các nước tham dự.

Nguồn: