Mặc dù chúng ta đều biết rằng SARS-CoV-2 đến từ một loài động vật, nhưng việc tìm ra loài nào thì lại là việc vô cùng phức tạp.

Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc vẫn là trung tâm của mọi nghi ngờ. Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty.
Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc vẫn là trung tâm của mọi nghi ngờ. Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty.

Vào giữa tháng 5, Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định quan trọng của Tổ chức Y tế Thế giới, đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các tổ chức quốc tế khác hợp tác với tổ chức này để xác định nguồn gốc virus. Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng loại virus này có nguồn gốc từ loài dơi, sau đó nó truyền virus cho một động vật trung gian, rồi mới lây truyền sang người. Tuy nhiên cũng có một số nhà khoa học khoa học nói rằng rất khó để truy vết nguồn gốc virus từ loài nào, và cũng rất khó để loại trừ nghi vấn về việc nó thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán (WIV) như dư luận và một số chính trị gia nghi ngại – trừ khi tiến hành một cuộc điều tra độc lập.

Nguồn gốc từ dơi? “có liên quan chặt chẽ” chứ chưa chính xác

Trong nghiên cứu mới nhất – đăng bản thảo trên cơ sở dữ liệu biorxiv ngày 31/5, các nhà nghiên cứu đã phân tích trình tự gene 1240 coronavirus được tìm thấy trên dơi ở Trung Quốc. Kết quả báo cáo rằng SARS-CoV-2 có liên quan chặt chẽ nhất với một nhóm virus được tìm thấy ở chi dơi lá mũi (Rhinolophus). Phát hiện của họ bổ sung vào một báo cáo trước đó của một số tác giả đã tìm thấy một loại coronavirus có tên RATG13, trên dơi lá đuôi ( Rhinolophus affinis ) ở tỉnh Vân Nam, có 96% trình tự di truyền giống với SARS-CoV-2.

Cả hai loại virus này dường như có nguồn gốc ở tỉnh Vân Nam. Nhưng vì nhóm chỉ thu thập virus từ các địa điểm ở Trung Quốc, họ không thể loại trừ rằng tổ tiên SARS-CoV-2 có thể đến từ nước láng giềng Myanmar và Lào, nơi dơi lá mũi cũng sinh sống.

Nghiên cứu về mầm bệnh là chìa khóa để giải quyết bí ẩn về nguồn gốc của coronavirus. Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP/Getty
Nghiên cứu về mầm bệnh là chìa khóa để giải quyết bí ẩn về nguồn gốc của coronavirus. Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP/Getty

Shi Zheng-Li, nhà virus học tại WIV, một đồng tác giả của nghiên cứu được đăng trên bioRxiv, đã bác bỏ giả định rằng phòng thí nghiệm đã từng có một loại virus tương tự như SARS-CoV-2, và trước đó cũng đã cảnh báo về những rủi ro của một bệnh tương tự SARS khác xuất hiện từ động vật. “Cô ấy thực sự đã cảnh báo chúng ta rằng có những con dơi trong tự nhiên có thể lây sang người”, Volker Thiel, nhà virus học tại Đại học Bern, lưu ý.

Tuy nhiên không có virus dơi nào được tìm thấy cho đến nay có thể là tổ tiên trực tiếp của SARS-CoV-2. Vì vậy, trong khi virus mới có thể đã lây sang người trực tiếp từ dơi, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng nhiều khả năng nó đã truyền qua một động vật trung gian. Bằng chứng cho thấy rằng coronavirus liên quan, gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) được truyền sang người từ dơi bằng cầy hương; và lạc đà là nguồn trung gian của một loại virus liên quan khác gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Những loài này được tìm thấy có lưu trữ các phiên bản của virus gần giống với các phiên bản được thấy ở người.

Việc tìm thấy một loại virus gần giống với SARS-CoV-2 ở động vật sẽ cung cấp bằng chứng thuyết phục nhất về cách nó truyền sang người. “Nhưng điều này cần rất nhiều mẫu coronavirus trong động vật hoang dã và gia súc ở Trung Quốc”, Rob Grenfell, giám đốc đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghiệp của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung ở Melbourne, Australia cho biết. “Trung Quốc đã bắt đầu điều tra như vậy, nhưng rất ít thông tin được công bố”.

Chính Shi Zheng-Li và nhóm của mình mất gần 15 năm để lấy mẫu hàng ngàn con dơi trong các hang động xa xôi ở Trung Quốc. Nhưng các nhà khoa học nói rằng việc xác định chính xác nguồn động vật lây SARS-CoV-2 có thể mất nhiều thời gian. Các nhóm trên khắp thế giới đã sử dụng các mô hình tính toán, sinh học tế bào và thí nghiệm trên động vật để điều tra các loài dễ bị nhiễm virus, nhưng cho đến nay nó vẫn rất khó nắm bắt.

Một cuộc điều tra độc lập

WIV chỉ là một trong vài chục phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 (BSL-4) trên toàn thế giới, là tâm điểm chú ý của những đồn đoán và thuyết âm mưu về việc đây là nơi phát tán virus. Đây là viện phòng nghiên cứu được đánh giá cao về các công trình nghiên cứu coronavirus trên dơi. Có thể việc Viện này nằm ở tâm bùng phát dịch Vũ Hán chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên cũng như không có bằng chứng ủng hộ giả định rằng virus bắt nguồn từ đây, nhưng nhiều người nghi ngờ rằng phòng thí nghiệm chứa các coronavirus liên quan đến SARS-CoV-2, vì vậy có thể nó đã thoát ra khỏi đó, từ một nhân viên phòng thí nghiệm vô tình bị nhiễm từ mẫu virus hoặc động vật trong cơ sở và sau đó truyền ra bên ngoài.

Về mặt lý thuyết, cũng có thể là các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm đã điều chỉnh bộ gene của virus cho mục đích nghiên cứu, trước khi nó thoát ra. Nhưng vẫn không có bằng chứng xác thực nào cho thấy họ đã làm như vậy. Tạp chí Nature đã liên hệ với Shi nhưng cô từ chối trả lời các câu hỏi về các thí nghiệm của cô vì đang ngập trong rất nhiều các câu hỏi của giới truyền thông.

Vào tháng Tư vừa rồi, giám đốc phòng thí nghiệm WIV, Yuan Zhiming nói rằng virus không bắt nguồn từ phòng thí nghiệm. Ông phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN: “Chúng tôi biết hiện tại đang nghiên cứu loại virus nào, cách quản lý mẫu, hay quản lý virus. Nó chắc chắn không đến từ đây”.

Sơ đồ truy vết nguồn gốc SARS-CoV-2.
Sơ đồ truy vết nguồn gốc SARS-CoV-2.

Vào năm 2017, đoàn làm việc của tạp chí Nature đã đến thăm phòng thí nghiệm này và Yuan đã khoe thiết bị mới, với phòng thử nghiệm an toàn cao, cũng như hệ thống thông gió được thiết kế cẩn thận để đảm bảo chứa đựng mầm bệnh một cách an toàn. Ông nói rằng nhóm của ông đã làm việc với các nhà khoa học của Pháp về an toàn sinh học để xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu an toàn sinh học tiên tiến nhất trên thế giới, và nhóm này đang thực hiện mọi biện pháp để ngăn ngừa tai nạn có thể xảy ra. Yuan nói rằng ông muốn cho thế giới hiểu lý do tại sao muốn xây dựng phòng thí nghiệm này và mô tả vai trò của nó trong việc bảo vệ thế giới.

Trước đây cũng đã có virus, bao gồm cả SARS vô tình thoát khỏi các phòng thí nghiệm. Một sự cố trong phòng thí nghiệm khiến SARS thoát ra ngoài, đã được truy vết xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh vào năm 2004 khi các nhà nghiên cứu ở đó bị bệnh. Nhưng vẫn không có báo cáo nào của các nhà nghiên cứu tại WIV bị bệnh. Cũng không có hồ sơ về các vụ tai nạn tại Viện này.

Các nhà khoa học cho rằng cần có một cuộc điều tra độc lập tại đây. Các nhà điều tra sẽ tìm kiếm các virus phù hợp với trình tự di truyền của SARS-CoV-2 để tìm bất kỳ bằng chứng nào cho thấy nó thoát ra từ đây. “Để làm điều đó, sẽ phải lấy mẫu từ phòng thí nghiệm, phỏng vấn nhân viên, xem lại ghi chép, hồ sơ về các sự cố an toàn, cũng như điều tra các thí nghiệm”, Richard Ebright, nhà sinh học cấu trúc tại Đại học Rutgers ở Piscataway, New Jersey, nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm Caixin của Trung Quốc vào tháng 2, Shi nói rằng cô hy vọng sẽ có một cuộc điều tra, bởi vì cô tin tưởng rằng không có mối liên hệ nào giữa viện của cô và coronavirus mới. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho biết có khả năng có một cuộc điều tra, nhưng cho đến nay chưa có chi tiết nào [về cuộc điều tra này] được công bố.

Một sản phẩm của tự nhiên

Các nghiên cứu bộ gene virus một cách chi tiết cho thấy nó xuất hiện tự nhiên chứ không phải từ phòng thí nghiệm. Một phân tích được công bố trên tạp chí Nature Medicine vào ngày 17 tháng 3 cho thấy điều đó. Nhóm nghiên cứu cho biết, nếu thực hiện các thí nghiệm biến đổi gene, các nhà nghiên cứu phải sử dụng RNA của một coronavirus hiện có làm trình tự gốc. Nhưng phân tích gene của họ cho thấy rằng không có loại virus nào được ghi nhận trong tài liệu khoa học có thể đóng vai trò là trình tự gốc để tạo ra SARS-CoV-2.

Cụ thể, để xâm nhập vào các tế bào, coronavirus sử dụng “miền liên kết với thụ thể” (RDB) để bám vào một thụ thể trên bề mặt của tế bào. RBD của SARS-CoV-2 có các phần không giống với các phần trong bất kỳ loại coronavirus nào khác. Mặc dù bằng chứng thực nghiệm cho thấy virus liên kết rất thành công với tế bào người, nhưng phân tích RBD dự đoán rằng nó không liên kết tốt. Họ cho rằng không ai chủ động thiết kế virus lại đi cấu trúc RBD theo cách này. Và điều này càng củng cố giả thiết virus xuất hiện do chọn lọc tự nhiên.


“Chúng tôi có rất nhiều dữ liệu cho thấy điều này là tự nhiên, nhưng không có dữ liệu hay bằng chứng nào cho thấy rằng có bất kỳ mối liên hệ nào với phòng thí nghiệm”,

Kristian Andersen, Nhà virus học tại California


Họ cũng chỉ ra một đặc tính khác thường của SARS-CoV-2, đây cũng là một phần của cơ chế giúp virus xâm nhập vào tế bào người, được gọi là vị trí đặc hiệu cắt furin. Các tác giả cho rằng các quá trình tự nhiên có thể giải thích làm thế nào đặc tính này xuất hiện. Một vị trí tương tự đã được tìm thấy trong một coronavirus có liên quan chặt chẽ với SARS-CoV-2, giúp các tác giả thêm căn cứ khẳng định rằng các thành phần của SARS-CoV-2 đều có thể xuất hiện từ các quá trình tự nhiên.

“Chúng tôi có rất nhiều dữ liệu cho thấy điều này là tự nhiên, nhưng không có dữ liệu hay bằng chứng nào cho thấy rằng có bất kỳ mối liên hệ nào với phòng thí nghiệm”, Kristian Andersen, nhà virus học tại Scripps Research ở La Jolla, California, và tác giả chính của bài báo nói.

Nhưng rõ ràng tất cả các giả định vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Jack Nunberg, nhà virus học tại Đại học Montana ở Missoula, cho biết không có dấu hiệu đặc trưng nào cho thấy bộ gene đã bị thao túng. Tuy nhiên, nếu các nhà khoa học bổ sung một vị trí đặc hiệu cắt furin vào bộ gene của virus. “Sẽ không có cách nào để biết nó là tự nhiên hay do con người tạo ra”, ông nói.

Cuối cùng, sẽ rất khó, hoặc thậm chí là không thể, để chứng minh hoặc bác bỏ giả thuyết virus đã thoát khỏi phòng thí nghiệm, Milad Miladi, người nghiên cứu sự tiến hóa RNA tại Đại học Freiburg ở Breisgau, Đức cho biết. “Và mặc dù các nhà khoa học như Shi cảnh báo thế giới rằng một bệnh truyền nhiễm hô hấp mới sẽ xuất hiện vào một ngày nào đó, chúng ta vẫn thiếu chuẩn bị để đối mặt với điều đó. Hy vọng các chính phủ sẽ học hỏi và chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo”, ông nói.

Nguồn:https://www.nature.com/articles/d41586-020-01541-z