Các nhà nghiên cứu tại Trường Quản lý Kellog, Đại học Northwestern đã xây dựng nên một cơ sở dữ liệu độc đáo nhằm tìm đáp án cho những câu hỏi thường gặp về một trong những nhóm “tinh hoa” nhất của giới khoa học - các nhà khoa học đạt giải Nobel.

Hình minh họa. Nguồn: Pixabay/CC0 Public Domain

Bộ dữ liệu được tập hợp giúp nghiên cứu sự nghiệp của gần như toàn bộ các nhà khoa học được trao giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực vật lý, hóa học và y học trong 100 năm trở lại đây và so sánh với những đồng nghiệp khác của họ. Từ đó, các nhà nghiên cứu phát hiện, những chủ nhân giải thưởng Nobel đều có những công trình có sức ảnh hưởng lớn ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, song trước khi được trao giải thưởng danh giá thì họ cũng không nhận được nhiều sự chú ý. Ngoài ra, sau khi nhận giải, các công trình tiếp theo của họ có xu hướng tạm thời suy giảm về mặt ảnh hưởng trong ngành, rồi sau đó nhanh chóng vụt sáng trở lại.

“Một mặt, chúng tôi thấy con đường sự nghiệp của những người đạt giải Nobel và các nhà khoa học bình thường có xu hướng giống nhau đáng kể. Mặt khác, chúng tôi cũng khám phá ra những biến số đáng chú ý mà trước đây chưa từng được biết về sự nghiệp của họ (các nhà khoa học thắng giải Nobel).”, nhà nghiên cứu Jichao Li cho biết.

Nghiên cứu tập trung vào giải thưởng Nobel bởi lẽ đây được coi là giải thưởng danh giá nhất dành cho giới khoa học. Thay vì chỉ tìm các hiểu công trình được trao giải, nhóm nghiên cứu đã xem xét toàn bộ quá trình sự nghiệp của người thắng giải để tìm hiểu bức tranh toàn cảnh.

Sử dụng thông tin trích xuất từ nhiều nguồn, bao gồm: website chính thức của Giải thưởng Nobel, Wikipedia, các bài công bố do Microsoft cung cấp, báo cáo dẫn nguồn,...nhóm nghiên cứu đã dựng được một cơ sở dữ liệu bao quát sự nghiệp của hầu hết các nhà khoa học thắng giải Nobel trong các lĩnh vực vật lý, hóa học và y học từ năm 1900 đến 2016. Để tạo sự so sánh, họ cũng dựng cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học có sự nghiệp ít nổi bật hơn từ dữ liệu tổng hợp trên Google Scholar và nhiều nguồn khác.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là về giai đoạn đầu trong sự nghiệp của họ: có dấu hiệu nào phân biệt những chủ nhân giải Nobel tương lai không? Và câu trả lời là những người thắng giải thường có số công trình nghiên cứu xuất bản nhiều gấp đôi và có tỉ lệ công trình nằm trong top 1% trích dẫn trong 10 năm cao hơn 6 lần so các đồng nghiệp khác.

Bên cạnh đó, sự nghiệp của những nhà khoa học được trao giải thường đi theo “quy luật ảnh hưởng ngẫu nhiên”, trong đó “thời kỳ vụt sáng” có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào trong sự nghiệp. So với các đồng nghiệp chưa có vinh dự được giải, họ thường trải qua hơn một thời kỳ hoàng kim trong suốt sự nghiệp (trung bình 1.93 lần) và thời kỳ của họ cũng kéo dài hơn, khoảng 5.2 năm, so với con số 3.7 năm ở nhóm còn lại. Gần 90% các công trình đạt giải được thực hiện trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng, các bài nghiên cứu trong khoảng hai năm sau khi nhận giải thường có sức ảnh hưởng trung bình thấp hơn thời điểm ngay trước khi các nhà khoa học được trao giải. Trong năm đầu tiên được trao giải, sức ảnh hưởng của công trình thường giảm 11.1%, nhưng đến năm thứ tư sẽ trở lại tương đương với thời kỳ họ nhận giải Nobel. Xu hướng này biểu hiện rõ nhất ở nhóm các nhà vật lý học, trong đó sức ảnh hưởng giảm tới 18.1%. Nhưng dù trước hay sau khi nhận giải thưởng cao quý, các nhà khoa học không thay đổi về hiệu suất công việc.

Phát hiện này gợi ý rằng cộng đồng khoa học thường đánh giá các công trình nghiên cứu dựa trên chính nội dung của nó thay vì chú ý đến địa vị của người thực hiện. Lý giải cho hiện tượng sụt giảm trên, các nhà khoa học phát hiện rằng sau khi được trao giải, các nhà khoa học có xu hướng đổi chủ đề nghiên cứu sang các mảng nội dung ít được chú ý hơn. Song điều này không thể hiện mối liên hệ gì giữa hành vi thay đổi chủ đề nghiên cứu với những biến động trong sức ảnh hưởng của nhà nghiên cứu, bởi chúng diễn ra trong khoảng thời gian gần nhau (khi được trao giải Nobel).

Nguồn: https://phys.org/news/2020-06-nobel-prizewinners-career-patterns-peers.html