Trong số các môn võ thuật, nhiều người biết đến kung fu do nó thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim của những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng như Lý Tiểu Long và Thành Long. Tuy nhiên, thuật ngữ kung fu chỉ được dùng để mô tả võ thuật từ thế kỷ 20 trở đi.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết ý nghĩa ban đầu của kung fu không liên quan gì đến võ thuật. Trong nguyên bản tiếng Trung Quốc, kung fu có nghĩa là bất kỳ kỹ năng nào có được thông qua luyện tập và thực hành chăm chỉ. Theo truyền thống, kung fu còn có tên gọi khác là Zhonghua wushu, hoặc wushu.

Ảnh: Ancient Origins.

Ý nghĩa của thuật ngữ kung fu đã thay đổi để phù hợp với cách hiểu của người phương Tây. Nguồn gốc của sự thay đổi ý nghĩa này một phần là do quá trình dịch sai trong lồng tiếng và phụ đề phim, khi phim võ thuật Trung Quốc bắt đầu trở nên phổ biến ở phương Tây vào những năm 1960 và 1970.

Lược sử kung fu

Không có gì ngạc nhiên khi con người đã phát triển các phương pháp để tự vệ trong suốt hàng nghìn năm. Võ thuật Trung Quốc, ngày nay thường được gọi là kung fu, có lịch sử trải dài ít nhất 4.000 năm. Kung fu là sự pha trộn của hàng trăm phong cách và kỹ thuật chiến đấu khác nhau.

Các ghi chép sớm nhất về kung fu gắn liền với những câu chuyện có tính chất phóng đại. Theo đó, võ thuật Trung Quốc đã có từ thời nhà Hạ cách đây bốn thiên nhiên kỷ. Nhà Hạ là triều đại đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Trung Quốc, và những câu chuyện về nhà Hạ thường mang yếu tố thần thoại.

Theo truyền thuyết, Hoàng đế Huangdi là bậc thầy võ thuật đầu tiên của Trung Quốc. Trước khi trở thành hoàng đế, ông là một danh tướng tài giỏi, có nhiều tác phẩm viết về y học, chiêm tinh và võ thuật. Kẻ thù của ông là Chi You – người sáng tạo ra jiao di, một hình thức đấu vật cổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, câu chuyện này rất khó kiểm chứng. Việc ghi công Hoàng đế Huangdi sáng tạo ra võ thuật Trung Quốc cũng giống như việc ghi công Prometheus phát minh ra lửa.

Tài liệu lâu đời nhất về võ thuật Trung Quốc có thể kiểm chứng được là tác phẩm Kinh Xuân Thu ra đời vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Biên niên sử cổ đại này đã đề cập đến lý thuyết chiến đấu bằng tay không, sử dụng cả kỹ thuật cứng và mềm. Kỹ thuật cứng bao gồm những cách phòng thủ dùng vũ lực đối đầu với vũ lực. Kỹ thuật mềm xuất hiện trong các môn võ thuật như jujutsu (Nhu thuật), trong đó người phòng thủ sử dụng sức lực của đối thủ để chống lại họ.

Kể từ năm 400 sau Công nguyên, võ thuật ở Trung Quốc bắt đầu được truyền bá rộng rãi. Một ví dụ điển hình cho điều này là sự thành lập của chùa Thiếu Lâm nổi tiếng vào năm 495 sau Công nguyên. Ngày nay, người ta biết đến các nhà sư Thiếu Lâm như những võ sư huyền thoại. Nhà sư Ấn Độ đầu tiên truyền bá Phật giáo tại chùa Thiếu Lâm là Batuo. Các đệ tử Trung Quốc đầu tiên của ông, Huiguang và Sengchou, đều rất thành thạo võ thuật. Sengchou là bậc thầy trong việc sử dụng vũ khí là một cây trượng làm bằng thiếc. Danh tiếng của Sengchou thậm chí còn xuất hiện trong một số kinh sách Phật giáo Trung Quốc.

Không lâu sau, chùa Thiếu Lâm đã phát triển hình thức võ thuật của riêng mình. Mặc dù sự đóng góp của Thiếu Lâm đối với kung fu có lẽ đã bị cường điệu hóa, tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của ngôi chùa này trong việc truyền bá và phổ biến võ thuật Trung Quốc tới các quốc gia khác trên thế giới.

Một tấm bia có niên đại năm 728 sau Công nguyên mô tả hai trường hợp các nhà sư Thiếu Lâm tham gia chiến đấu. Đầu tiên là hình ảnh các nhà sư bảo vệ tu viện của họ trước sự tấn công của bọn cướp vào năm 610 sau Công nguyên. Trường hợp thứ hai là vai trò của họ trong việc giúp hoàng tử Li Shimin đánh bại Wang Shichong (một vị tướng quân đội đã lật đổ hoàng đế của mình) trong trận Hulao vào năm 621 sau Công nguyên.

Khi vị tướng nhà Minh Qi Jiguang viết tác phẩm Jixiao Xinshu (Luận thuyết mới về Hiệu quả Quân sự) từ năm 1560 đến năm 1590, ông đã mô tả kỹ thuật chiến đấu của các nhà sư Thiếu Lâm. Cuốn sách này trở nên phổ biến trên khắp khu vực Đông Á, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của võ thuật trong khu vực.

Ban đầu, không có triết lý nào gắn liền với võ thuật Trung Quốc, và võ thuật chỉ đơn giản là một hình thức tự vệ. Theo thời gian, khi võ thuật và xã hội Trung Quốc phát triển, các võ sư bắt đầu thêm nền tảng triết học vào các bài giảng cho đệ tử.

Một số văn bản của Đạo giáo đã đề cập đến vấn đề tâm lý và cách tập luyện võ thuật. Các võ sĩ Đạo giáo thực hành Tao Yin – một loạt các bài tập thể dục tĩnh tâm, thiền định – từ ít nhất là năm 500 trước Công nguyên. Nếu nhìn vào các phong cách chiến đấu mô phỏng theo Bát Tiên truyện, người ta sẽ nhận thấy sự liên quan đến các giáo lý của Đạo giáo. Mỗi bài quyền có những đặc trưng riêng và lối thi triển của chúng mang đặc điểm của một trong tám vị thần bất tử.

Những giáo lý Phật giáo sau này ảnh hưởng nhiều hơn đến triết lý kung fu, phần lớn là nhờ vào chùa Thiếu Lâm. Như đã đề cập ở trên, kỹ năng sử dụng cây trượng thiếc của Sengchou thậm chí còn được đưa vào kinh sách của Phật giáo Trung Quốc.

Nửa đầu thế kỷ 20 là một thời kỳ đầy biến động đối với xã hội Trung Quốc. Bên cạnh sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh, Trung Quốc còn phải đối mặt với cuộc xâm lược của Nhật Bản và nội chiến trong nước. Không có gì ngạc nhiên khi trong thời kỳ xảy ra xung đột, mọi người có xu hướng tìm cách để tự vệ. Vì vậy, các võ sĩ bắt đầu dạy cho những người dân bình thường các kỹ năng chiến đấu một cách công khai.

Hơn nữa, trong bối cảnh đầy rẫy những khó khăn và thách thức, chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc ngày càng gia tăng. Võ thuật là một cách tuyệt vời để thúc đẩy lòng tự hào dân tộc và tạo ra một quốc gia mạnh mẽ, có đủ khả năng tự vệ. Chính phủ Trung Quốc bắt đầu xuất bản sách hướng dẫn, huấn luyện võ thuật, thành lập các học viện đào tạo và tổ chức hai kỳ thi quốc gia. Sau đó, họ cử các đội ra nước ngoài để trình diễn, thể hiện uy thế của võ thuật Trung Quốc.

Sau cuộc nội chiến và sự thành lập của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, võ thuật Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến. Một số võ sĩ nổi tiếng đã di cư đến nhiều nơi khác trên thế giới, góp phần truyền bá kung fu cho các cộng đồng người nước ngoài.
Hiệp hội Wushu Trung Quốc được thành lập vào năm 1958. Mục đích của tổ chức này là điều chỉnh việc đào tạo võ thuật sao cho phù hợp với các học thuyết của nhà nước. Ủy ban Thể dục và Thể thao Trung Quốc thậm chí đã chuẩn hóa hình thức các môn võ thuật chính của quốc gia, đảm bảo chúng phù hợp với các hệ tư tưởng hiện nay.

Theo Ancient Origins