Nhấn mạnh hơn vai trò của thẩm mỹ, ông Nguyễn Chí Linh - Giám đốc điều hành Công ty An An - khẳng định trong doanh nghiệp ông, người thiết kế đóng vai trò gần như quan trọng nhất bởi: “Làm ra sản phẩm sử dụng được khá đơn giản, nhưng làm ra sản phẩm có tính thẩm mỹ cao thì rất khó. Như mọi người thấy, sản phẩm của Apple vượt trội bởi nó đẹp, tinh tế, đây là điều người thiết kế tạo ra. Bản chất những người thiết kế là tạo ra những giá trị mới cho sản phẩm chứ không phải ngồi và làm ra sản phẩm vận hành được”.
Tuy nhiên theo ông Linh, có nhiều rào cản để doanh nghiệp Việt Nam cho ra một sản phẩm đẹp, đầu tiên là vấn đề chi phí. Người thiết kế tốt phải được trả lương cao. Thiết kế phải làm đi làm lại, mất rất nhiều thời gian, trong khi đội ngũ văn phòng, bán hàng “ngồi chơi” và nhận lương, chi phí đội lên rất nhiều.
“Ví dụ, công ty tôi tạo ra một sản phẩm đo điện tâm đồ, làm cái vỏ đắt gấp 2-3 lần cái lõi” - ông Nguyễn Chí Linh chia sẻ.
Một rào cản nữa là sản phẩm của Việt Nam không có khả năng cạnh tranh cao về “chất xám”. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn mong muốn sản phẩm rẻ. Có 2 sản phẩm công năng như nhau nhưng một cái thiết kế đẹp, một cái rẻ thì cái rẻ thường được chọn, mà nó chắc chắn là xấu hơn.
Giám đốc điều hành của An An cho rằng, để có sản phẩm tốt, giá cả hợp lý và đảm bảo tính thẩm mỹ để thương mại hóa thành công, cần có sự phối hợp 4 bên: Bộ phận R&D nghiên cứu để phát triển sản phẩm, nhà thiết kế, người tạo khuôn mẫu kỹ thuật và thương mại - marketing. Bên nghiên cứu, thiết kế, tạo khuôn không quan tâm đến chi phí, nên cần bên thương mại - marketting “nhắc nhở” cần tạo ra sản phẩm tối ưu trong giới hạn chi phí nào.
“Tình trạng sản phẩm đoạt giải các cuộc thi KH&CN có hình thức xấu xuất phát từ việc nhà sản xuất phải đóng cả vai trò của người thiết kế và nhà thương mại. Một sản phẩm muốn làm thương mại thì chạy tốt là chưa đủ, mà phải đẹp. Đẹp cũng là chưa đủ mà phải dễ dùng, thân thiện” - ông Linh nói.