Áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) vào sản xuất rau hữu cơ mang đến sự cải thiện về mặt sinh thái và lợi nhuận song lại làm giảm năng suất cây trồng và thu nhập của người lao động so với trang trại thông thường - theo một nghiên cứu mới.


Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (Participatory Guarantee System - PGS) là chứng nhận đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình cũng như tuân thủ các quy định của sản xuất hữu cơ. Tại Việt Nam, chứng nhận PGS được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ 10TCN 602-2006 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Được trồng với diện tích lớn, đóng vai trò thương mại quan trọng và mang tính đại diện cao cho địa phương, bắp cải trắng là lựa chọn thích hợp để nghiên cứu. Nhóm các nhà khoa học ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số cộng sự nước ngoài đã tiến hành khảo sát những nông dân trồng bắp cải trắng (từ tháng 8/2022 – tháng 4/2023) tại chín địa phương thuộc Hoà Bình, Hà Nam và Hà Nội có áp dụng chương trình PGS. Tổng số mẫu bao gồm 420 nông dân, trong đó có 119 người được chứng nhận PGS, số còn lại là các hộ trồng rau theo phương pháp thông thường.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ thống PGS góp phần cải thiện đáng kể lợi nhuận thu được khi trồng bắp cải trắng, tăng 117% so với cách trồng thông thường. Nguyên nhân là do rau hữu cơ có giá thành cao, trong khi chi phí cho các chất hoá học giảm. Song lợi nhuận thực tế sẽ giảm đi khi tính đến yếu tố chi phí cơ hội của các lao động trong hộ gia đình, nghĩa là nếu không làm việc trong trang trại trồng rau của nhà, các thành viên có thể làm những công việc khác để kiếm thu nhập tốt hơn. Dù lợi nhuận mang lại cho trang trại tăng nhưng thu nhập của người lao động ở trang trại áp dụng PGS, giảm 18% so với người lao động ở các trang trại thông thường do ở trang trại áp dụng PGS, mức sử dụng lao động cao hơn 2,5 lần.

Ở khía cạnh khác, chứng nhận PGS được các tác giả chỉ ra là yếu tố thúc đẩy hiệu suất sinh thái nông nghiệp (tính đa dạng sinh học, khả năng cộng sinh, hiệu quả, khả năng tái chế và khả năng phục hồi), tăng 40% so với trang trại thông thường. Cũng nhờ áp dụng tiêu chuẩn PGS mà kiến thức của nông dân về canh tác hữu cơ tăng 63%. Khi được yêu cầu giải thích về ý nghĩa của canh tác hữu cơ, họ đề cập được những từ khoá như không sử dụng thuốc trừ sâu hoá học, không dùng phân bón hoá học, sinh vật có lợi, đa dạng cây trồng, chu trình dinh dưỡng tự nhiên... Ngoài ra, sự có mặt của PGS còn cải thiện khả năng lựa chọn nhiều kênh bán hàng của nông dân.

Mặc dù vậy, năng suất cây trồng (tấn/ha) lại chịu tác động tiêu cực, giảm 29% khi PGS được áp dụng. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, nguyên nhân đến từ thực tế không sử dụng các sản phẩm hoá học, thiếu hạt giống rau hữu cơ và chưa có những biện pháp cải thiện tình trạng đất. Tuy nhiên, giá thành cao của rau hữu cơ có thể bù đắp cho năng suất thấp.

Vùng sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS ở xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Chuyên trang Nông sản Việt
Vùng sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS ở xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Chuyên trang Nông sản Việt

Từ những kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp để hoạt động trồng rau hữu cơ PGS có thể khắc phục những hạn chế và mang lại hiệu quả cao hơn. Trong bối cảnh nhiều người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chuẩn bị bước vào giai đoạn nghỉ hưu và thị trường ở các khu vực cận đô thị (Hà Nội) có nhiều cơ hội hơn cho người trẻ, cần thực hiện những công nghệ tiết kiệm sức người để phát triển nông nghiệp hữu cơ PGS như cải tiến giống cây, trồng cây con thay vì gieo hạt để giảm số ngày công hay áp dụng các kỹ thuật ít cày xới để cải thiện cấu trúc, giữ dinh dưỡng cho đất và kiểm soát cỏ dại. Đồng thời, cũng có thể tính đến các chương trình trồng rau PGS tập thể giữa các nhóm nông dân để tối ưu hoá nguồn lực, giảm yêu cầu về lao động.

Đối với vấn đề năng suất, nhóm tác giả cho rằng dù có thể được bù đắp bằng mức giá cao, song không nhiều người tiêu dùng có thể thường xuyên mua sản phẩm hữu cơ đắt gấp đôi, gấp ba so với rau thông thường. Do đó, việc cải thiện năng suất cần được cân nhắc. Ngoài ra, sự có mặt của PGS làm đa dạng các kênh tiếp thị của người nông dân song tiếp thị trực tiếp lại chưa được sử dụng nhiều trong khi đây là kênh phân phối có thể giảm chi phí rau hữu cơ cho người tiêu dùng và cải thiện thu nhập của người nông dân.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Taylor & Francis.

Nguồn: