Các nhà khoa học quan sát được lốc xoáy phát ra từ ngôi sao nguyên thủy TMC1A, lấy đi vật liệu và khí từ đĩa vật chất xung quanh.
Các nhà thiên văn học vừa công bố kết quả quan sát gió lốc phát ra từ TMC1A, ngôi sao nguyên thủy (protostar) 100.000 năm tuổi nằm cách Trái Đất 450 năm ánh sáng, trên tạp chí Nature hôm 15/12, theo IFL Science.
Ngôi sao nguyên thủy TMC1A tạo ra gió xoáy từ đĩa xung quanh. (Ảnh: P. Bjerkeli et al).
Gió được hình thành trong đĩa xung quanh TMC1A và xoay cùng với nó. Khi gió xoay di chuyển ra khỏi ngôi sao, nó lấy đi một phần năng lượng.
"Bằng cách sử dụng kính viễn vọng ALMA, chúng tôi có thể theo dõi giai đoạn đầu của một ngôi sao nguyên thủy. Chúng tôi quan sát được cách các trận gió giống lốc xoáy nâng vật liệu và chất khí từ đĩa xoay", Per Bjerkelo, tới từ Viện Niels Bohr thuộc Đại học Copenhagen, Đan Mạch, tác giả chính nghiên cứu, cho biết.
Theo giáo sư Jes Jorgensen, đồng tác giả nghiên cứu, lốc xoáy có lúc ngừng hút vật liệu, khiến chúng trôi tự do.
"Điều này làm giảm tốc độ xoay của đĩa, giúp ngôi sao mới có thể đứng vững. Trong quá trình đó, các vật liệu trong đĩa tích tụ và hình thành hành tinh", Jorgensen nói.
Theo VNExpress