Ngày càng nhiều công bố về y sinh trên các tạp chí khoa học có kèm theo cáo bạch về các vấn đề xung đột lợi ích và chia sẻ dữ liệu.
Hình minh họa: Nature.
Theo một công bố trên tạp chí PLoS Biology vào ngày 20 tháng 11, nghiên cứu y sinh ngày càng trở nên cởi mở và minh bạch nhờ vào việc cung cấp các thông tin về tài trợ, xung đột lợi ích và chia sẻ dữ liệu nhiều hơn.
John Ioannidis ở Đại học Stanford California và các đồng nghiệp đã kiểm tra 149 công bố về nghiên cứu y sinh từ năm 2015 đến 2017 để xem có bao nhiêu thông tin về các chỉ số cơ bản về tính minh bạch, chẳng hạn như ai tài trợ cho công trình nghiên cứu, xung đột lợi ích tiềm ẩn giữa các tác giả, tính khả dụng của dữ liệu thô và mô tả quy trình nghiên cứu.
Họ nhận thấy rằng phần lớn các công trình nghiên cứu có các báo cáo về tài trợ và xung đột lợi ích (lần lượt ở mức 69% và 65%), và gần một phần năm dữ liệu được công khai - mặc dù chỉ một bài báo có đường dẫn tới bản mô tả quy trình nghiên cứu đầy đủ.
Đây là sự tiến bộ lớn so với kết quả nghiên cứu tương tự trước đây: các nhà nghiên cứu đã xem xét 441 bài báo được xuất bản từ năm 2000 đến 2014, và nhận thấy phần lớn có rất ít thông tin về tài trợ, xung đột lợi ích hoặc chia sẻ dữ liệu.
“Đây là điều đáng lạc quan”, Joshua Wallach, đồng tác giả và là nghiên cứu về thực trạng nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Yale ở New Haven, Connecticut cho biết.
Cần coi trọng tái lập nghiên cứu
Cáo bạch về tài trợ và xung đột lợi ích rất quan trọng bởi chúng là nguyên nhân dẫn tới thiên kiến, có thể ảnh hưởng đến cách thiết kế và thực hiện nghiên cứu, Joshua Wallach cho biết.
Khả năng tiếp cận dữ liệu và quá trình thực nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc tái lập các kết quả khoa học. “Thực tế về chia sẻ dữ liệu hiện nay cho thấy văn hóa đang thay đổi,” Wallach cho biết. Khoảng 5% các bài báo được sử dụng trong nghiên cứu là các nghiên cứu đã được tái lập đầy đủ hoặc một phần - một dấu hiệu đáng khích lệ, nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ mong đợi của Wallach. “Chúng tôi cần sự áp dụng rộng rãi hơn việc tái lập nghiên cứu”, ông nói. “Không nên coi đó là khoa học hạng hai.”
Bên cạnh kết quả cho thấy cộng đồng y sinh đang mở rộng sự công nhận về tầm quan trọng của khoa học mở, Wallach cũng ghi nhận một số tiến bộ của các tạp chí: nhiều tạp chí đặt ra yêu cầu công bố thông tin về nguồn tài trợ, xung đột lợi ích và có chính sách chia sẻ dữ liệu.
Nhưng Wallach cho rằng các tạp chí có thể làm được nhiều hơn để thúc đẩy việc chia sẻ biên bản quy trình thực nghiệm nghiên cứu. Và các kho lưu trữ công cộng như PubMed sẽ hỗ trợ để dễ dàng tìm kiếm thông tin về tài trợ, xung đột và dữ liệu cho những người không có quyền truy cập toàn bộ bài báo, ông cho biết.
Jim Woodgett, giám đốc nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Lunenfeld-Tanenbaum (Toronto, Canada), nhận xét rằng các bài báo này đang thay đổi chuẩn mực công việc của các nhà khoa học bằng cách cho thấy trong quá khứ mức độ minh bạch bị hạn chế như thế nào. Nhưng kiểu thay đổi văn hóa này tốn rất nhiều công sức, và các trường đại học và tạp chí cần phải đi đầu. Theo ông: “Không ai có thể từ chối yêu cầu của một tạp chí”. ¨