Những ngày bị cách ly hoặc phong tỏa, với nhiều nhà nghiên cứu, vẫn là khoảng thời gian họ tập trung để theo đuổi những đề tài đang làm hoặc những đề tài mới do chính trận dịch gợi ý. Họ thậm chí đã gửi bài đi và có công bố. Vài người trong số họ chia sẻ câu chuyện của mình với Khoa học và Phát triển.


Không gian làm việc của một nghiên cứu sinh trong khu cách ly thuộc ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: NVCC

Huỳnh Lưu Đức Toàn, nghiên cứu sinh tại Trường Quản lý Otto Beisheim, Đức

Tôi nghĩ nhà nghiên cứu có hai mục đích: nghiên cứu để đóng góp cho lý thuyết khoa học và đóng góp giải quyết một bài toán của một bối cảnh cụ thể. Dịch COVID-19 đặt các nhà khoa học vào cả 2 tình huống trên, những nhà y khoa cần giải quyết bài toán vaccine, tìm kiếm cấu trúc gen…; còn đối với chuyên môn của mình về kinh tế học hành vi, tôi muốn nghiên cứu để lý giải hành vi của người Việt Nam trong đợt dịch bùng phát.

Hiện tại, tôi đang làm một dự án nghiên cứu so sánh sự khác nhau trong nhận thức rủi ro và hành vi của những người trong khu cách ly và ngoài khu cách ly. Tôi rất tò mò rằng liệu sau 14 ngày đi cách ly, con người sẽ có ý thức hơn hay không, sẽ rửa tay thường xuyên hơn không? Tôi cũng muốn nghiên cứu để chỉ cho mọi người thấy, nếu họ ra đường và lỡ nhiễm bệnh, họ có thể gây tổn thất như thế nào cho cộng đồng. Tôi từng tham gia các lớp đào tạo về kinh tế học hành vi của Đại học Copenhagen ở Đan Mạch, nơi các nhà kinh tế học chính là người tham mưu chính sách hành vi để xây dựng luật và góp phần làm công cụ pháp luật đó được thực thi một cách chặt chẽ. Đó cũng chính là động lực nghiên cứu của tôi.

Và thời gian trong khu cách ly đã cho tôi sự tập trung tuyệt đối và sự chín chắn để suy nghĩ các vấn đề thấu đáo hơn. Sau khi bài viết "Nhận thức rủi ro về Covid-19, khảo sát kinh tế xã hội và truyền thông" mà tôi thực hiện trong thời gian cách ly tại Khánh Hòa, được đăng trên tạp chí Econimics Bulletin ngày 25/3, tôi nhận được rất nhiều ý kiến, khích lệ cũng có và chỉ trích cũng có. Một giảng viên chia sẻ trong group rằng: nghiên cứu COVID-19 từ góc độ nhà kinh tế học như tôi là cách làm chụp giật, tạp chí nhận đăng bài cũng thuộc hạng xoàng và không có ảnh hưởng xã hội. Tôi nhận được không ít những ý kiến như vậy nhưng... nếu bạn không làm thì tôi sẽ bắt tay làm. Dù nghiên cứu của tôi công bố trên tạp chí không phải đỉnh cao và mới chỉ là một dạng tóm tắt kết quả sơ bộ, tôi đã cố gắng nêu ra trong đó ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội và mạng xã hội đối với nhận thức rủi ro của người Việt Nam về dịch bệnh Covid-19. Điều đó, ít nhiều tôi tin là có giá trị. Sống khoan dung và hướng tới sự thay đổi tích cực sẽ thoải mái hơn khắt khe chỉ trích và khoanh tay đứng nhìn, tôi nghĩ vậy.

Nguyễn Uyên Phượng, nghiên cứu sinh tại Trường Quản lý, Đại học Mahidol, Thái Lan; nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Đông Nam Á, Bangkok

Là người làm nghiên cứu, thì khái niệm "social distance" không có gì đáng sợ lắm, vì làm nghiên cứu yêu cầu tính độc lập và tập trung rất cao. Dù làm việc với nhóm hay các giáo sư, họ vẫn phải dành phần lớn thời gian một mình để đọc, xử lý dữ/số liệu, thiết kế và viết. Giống như nhà khoa học Nikola Tesla nói, "Một mình là bí quyết của phát minh. Một mình là khi ý tưởng được sinh ra".

Trong khi những người làm trong các ngành nghề khác chưa biết công việc sẽ tiến hành như thế nào trong bối cảnh khủng hoảng COVID - 19, các nhà nghiên cứu vẫn phải tiếp tục công việc của họ, và còn phải làm nhiều hơn. Khi trường thông báo về các khoá học online, tôi vẫn lên văn phòng, vẫn làm việc bình thường một mình ở đó. Tuy nhiên, cách thức triển khai nghiên cứu sẽ khác đi, nhất là khi trao đổi với giáo sư. Thay vì gặp trực tiếp hằng tuần để báo cáo, thảo luận, bây giờ tôi chuyển thành online, qua emails, hoặc gọi điện thoại. Việc này thực sự tôi chưa quen, và nhiều khi hai bên không hiểu được hết được ý tưởng của nhau. Tuy nhiên, khi cần hỗ trợ về tài liệu, phần mềm, tôi liên lạc với các đồng nghiệp ở Mỹ, Phần Lan, Thái Lan, và họ luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Khi về nước và đi cách ly ở ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM, tôi vẫn làm nghiên cứu. Thậm chí, chỉ sau hai hôm vào đây, tôi đã nộp bài về mô phỏng trong giáo dục và đánh giá giáo dục cho tạp chí Simulation & Gaming. Tôi với giáo sư hướng dẫn mất liên lạc mấy hôm đầu nên giáo sư xử lý nốt phần cuối thay tôi. Bây giờ thì tôi đang khai triển bài cho quý tới. Giáo sư gợi ý tôi phát triển mô hình simulations về đào tạo kinh tế bền vững cho người Việt. Hiện tại ý tưởng vẫn chưa trọn vẹn, theo kế hoạch thì thời gian còn lại ở khu cách ly, tôi phải hoàn thành xong phần conceptual framework.

Nguyễn Uyên Phượng tình cờ gặp bạn - cũng là nghiên cứu sinh - ở ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM trong những ngày đi cách ly. Ảnh: NVCC

Xin chia sẻ một câu chuyện vui, bạn của tôi cũng đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Albany, bang New York; hai đứa hẹn nhau 3 lần ở Mỹ, Phần Lan, Thái Lan đều không gặp được vì bận công việc; không ngờ lại gặp nhau ở khu cách ly, tha hồ hỏi thăm về công việc nghiên cứu, rất là vui. Bạn đồng nghiệp khác của tôi cũng gửi bài về tình hình lây nhiễm COVID-19 ở Mỹ, nhờ tôi đánh giá mô hình. Công việc vẫn diễn ra bên trong ký túc xá. Ở đây, đồ ăn, thức uống đầy đủ, bất lợi lớn nhất là mạng Internet rất yếu khi có quá nhiều người sử dụng. Tôi đợi vào lúc khuya khi mọi người đã ngủ thì ra ngồi cạnh cửa sổ bắt sóng wifi mạnh để tải bài. Những ngày này, tôi càng thấy rõ, để trở thành một nhà khoa học, động lực không quan trọng bằng nỗ lực liên tục, dù trong hoàn cảnh nào.

Cao Quốc Thái, Chương trình Thạc sĩ nghiên cứu Ngành Khoa học Hành vi, Đại học Raboud, Hà Lan

Trong những ngày dịch bệnh, tôi quan sát thấy, các đồng nghiệp của tôi cả ở Việt Nam và Hà Lan vẫn đang theo đuổi đề tài nghiên cứu của họ rất miệt mài. Dù nhiều thầy/cô của tôi trong thời gian cách ly vừa phải nghiên cứu vừa phải trông con và lo việc nhà, họ vẫn rất phấn chấn và chăm chỉ trong công việc. Chứng kiến cách mọi người bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh và tiếp tục công việc mới, tôi càng thêm khâm phục tính kỉ luật và tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học.

Khi dịch mới bùng phát ở Hà Lan, đúng là việc học và nghiên cứu của tôi bị ảnh hưởng đáng kể. Cảm giác lo lắng khi thống kê số ca bệnh ở Hà Lan tăng mỗi ngày làm tôi mất tập trung nhiều hơn. Chỉ sau một khoảng thời gian cố gắng để bình tâm và hạn chế cập nhập thông tin về dịch bệnh, tôi mới có thể quay trở lại với công việc. Rất may mắn là các dự án nghiên cứu hiện giờ tôi đang tham gia đều không cần sử dụng đến phòng thực nghiệm hay trang thiết bị của trường. Các cuộc gặp mặt với đồng nghiệp ở Hà Lan thì diễn ra qua zoom. Ở Hà Lan, Hội đồng Đạo đức xét duyệt đề tài nghiên cứu vẫn làm việc nên các bước thực hiện nghiên cứu vẫn có thể diễn ra online. Về việc học, trường tôi đã nhanh chóng gửi thư trấn an tâm lý học viên ngay khi dịch bùng phát và áp dụng các biện pháp chuyển đổi sang học/thi online để không làm chậm tiến trình học của học viên.

Đặc biệt, trong thời gian phân vân quyết định về nước hay không khi dịch bùng phát, tôi đã sử dụng chính khung lý thuyết đã được học để phân tích tâm lý của bản thân và vài du học sinh Việt Nam khác ở Hà Lan và hoàn thành bài báo cho mục trải nghiệm của du học sinh trên một tạp chí khoa học. Tôi đã gửi bài báo đi và đang chờ được phản biện.

Cùng vệt nghiên cứu những diễn biến tâm lý và hành vi mà tôi theo đuổi, trận dịch còn gợi ý cho tôi một vấn đề khác. Đó là, khi trường học đóng cửa và mọi người phải tự cách ly, tôi quan sát thấy có rất nhiều sinh viên không thể tham gia vào các hoạt động xã hội thường ngày và dường như cô đơn nhiều hơn. Bằng chứng là trường tôi có tổ chức một khóa học online về cách đối mặt với cô đơn trong thời gian cách ly và đã nhanh chóng được sinh viên đăng ký hết chỗ. Vì vậy, tôi rất tò mò về vấn đề này và muốn thực hiện một đề tài nghiên cứu về sự cô đơn của sinh viên khi bị cách ly trong thời gian tới.