Nhóm tác giả ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM đã phân lập, đánh giá hoạt tính sinh học của các hợp chất có trong cây nghệ tím (nghệ đen), mở ra tiềm năng ứng dụng trong sản xuất chế phẩm trong điều trị bệnh viêm khớp.

Hiện nay, tỷ lệ những người mắc bệnh viêm khớp ở Việt Nam ngày càng tăng, không chỉ ở người cao tuổi, mà còn ở những người trẻ.

Mục đích điều trị bệnh viêm khớp là kiểm soát quá trình viêm, để ngăn chặn tình trạng thoái hóa khớp, hạn chế hậu quả của tình trạng viêm gây ra (đau, nhức,…), cải thiện và bảo vệ chức năng khớp. Trong đó, phương pháp ức chế hoạt động cytokine TNF-α (một tác nhân khởi nguồn quá trình viêm) có thể giảm tình trạng viêm, hạn chế các tác hại ảnh hưởng đến khớp. Vì vậy, việc tìm ra những hoạt chất từ cây dược liệu để sản xuất các sản phẩm điều trị bệnh viêm khớp đang là xu hướng của Việt Nam cũng như thế giới.

Cây nghệ tím (tên khoa học Curcuma zedoaria Rosc.) hay còn gọi là nghệ đen, là loài thảo dược quý không thể thiếu trong các bài thuốc y học cổ truyền của người dân Việt Nam. Nghệ tím có vị đắng, cay, tính ấm, thường dùng để chữa các bệnh như thiếu máu, kém ăn, mãn tính đường ruột, viêm loét dạ dày,…Các nghiên cứu cho thấy trong nghệ tím có nhiều hợp chất như curcumin inoid, sesquiterpenoid, diterpenoid, flavonoid, alkaloid, tinh dầu,… Ngoài ra, nghệ tím còn có hoạt tính sinh học quý như kháng ung thư, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng oxy hóa, giảm đau,… Tuy nhiên, tại Việt Nam, không giống như nghệ vàng, nghệ tím còn ít được nghiên cứu và phổ biến.

n
Cây và củ nghệ tím Ảnh: Internet

Nhằm tìm kiếm các hoạt chất từ nguồn dược liệu trong nước, nhóm tác giả đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng ức chế cytokine TNF-α của củ nghệ tím”.

TNF-α là một trong số nhiều cytokine (là một nhóm protein đa chức năng, được sản xuất bởi các tế bào miễn dịch, giúp vận hành hệ miễn dịch của cơ thể) trong cơ thể người. TNF-α tham gia vào quá trình sinh sản và trưởng thành của mô lympho (một loại tế bào bạch cầu chính trong hệ miễn dịch của cơ thể, có chức năng chống nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm), điều hòa các phản ứng bảo vệ của cơ thể đối với một số loại vi khuẩn (đặc biệt vi khuẩn nội bào) và được coi là chất khởi đầu trong việc hoạt hóa nhiều chuỗi phản ứng viêm. Với nồng độ bình thường trong các mô, TNF-α được coi là có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên với nồng độ cao, TNF-α có thể dẫn đến phản ứng viêm quá mức và gây tổn thương mô viêm.

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả, củ nghệ tím sau khi thu hái ở huyện Tịnh Biên (An Giang), rửa sạch, cắt nhỏ, phơi khô, rồi trích ly bằng hệ thống chiết Soxhlet. Dịch trích ly được cô quay để điều chế cao thô, cao phân đoạn EtOAc (sử dụng dung môi EtOAc).

Bằng phương pháp sắc ký cột và phổ cộng hưởng từ hạt nhân, nhóm đã phân lập và định danh thành công 14 hợp chất trong củ nghệ đen: gingerone C, 5-dehydroxyhexahydrodemethoxycurcumin A, demethoxycurcumin, zedoaroxan, procurcumenol, aerugidiol, zedoarondiol, isozedoarondiol, zedoaroxide , gajustulactone A, neolitacumone, docosyl ferulate, β-sitosterol, β-stigmasterol.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, cao EtOAc nghệ tím và 14 hợp chất phân lập được đều có hoạt tính ức chế gốc tự do DPPH (hợp chất hóa học hữu cơ 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl) và cytokine TNF-α. Trong đó, 12/14 hợp chất có khả năng ức chế gốc tự do và 8/14 hợp chất có khả năng ức chế cytokine TNF-α. Hai hợp chất zedoaroxide và zedoaraxan có hoạt tính ức chế cytokine TNF-α mạnh nhất.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp thêm các hợp chất mới vào danh mục hợp chất tự nhiên, làm sáng tỏ thành phần hóa học, các hoạt tính của củ nghệ tím Việt Nam. Qua đó góp phần mở rộng khả năng ứng dụng của loài cây này làm nguồn nguyên liệu để sản xuất các chế phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.