Vẻ đẹp trang nhã vốn có của biệt thự Phương Nam (nay là The Villa) đã được hàng chục nhà khoa học và nhà phục chế từ nhiều quốc gia khôi phục và hồi sinh, dẫu cả trăm năm đã vụt qua…
“Khi tôi đến biệt thự Phương Nam lần đầu, nó đã bị hư hỏng và xuống cấp rất nhiều. Tuy vậy, ta vẫn có thể nhìn thấy vẻ đẹp pha trộn giữa trường phái Tân Nghệ thuật (Art Nouveau) và nghệ thuật trang trí (Art Deco) từ đầu thế kỷ XX”, chuyên gia phục chế Ý Giacomo Dini, người đảm trách vai trò giám đốc kỹ thuật trong dự án phục chế biệt thự Phương Nam, kể lại ấn tượng đầu tiên của ông khi đến khảo sát tòa nhà, tại buổi hội thảo trực tuyến chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn di sản văn hóa” do Đại sứ quán Ý tại Việt Nam tổ chức vào ngày 9/7 vừa qua.
Bà Maria Constancio, chuyên gia phục chế, tiến hành bóc tách các lớp sơn trên tường dinh thự cổ. Ảnh: saigondautu
Khi ấy, chủ sở hữu mới của ngôi nhà là CTCP Minerva đã mời đến các chuyên gia thuộc Viện phục chế Palazzo Spinelli tại Florence và công ty StoneWest từ Vương quốc Anh đến để khảo sát. “Đó là một quyết định đúng đắn”, ông Giovani Dini nhận xét, “Đây đều là những tổ chức đã từng phục dựng cho rất nhiều các điền trang, những nhà thờ và những tổ chức văn hóa lịch sử khác”.
Các chuyên gia nhận thấy rằng những chi tiết trang trí bên trong tòa nhà mang đậm ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam, Trung Quốc, Pháp. Trong đó, hầu hết phòng trong ngôi dinh thự đều có tranh tường và tranh trần, đậm chất liệu Á Đông, như bức tranh trần Thập nhị tiên cô, hoa quả bí, lục anh túc, hoàng lan… Những bức tranh này nằm ẩn sâu bên trong các lớp sơn mới1. “Tôi và đội ngũ của mình buộc phải tìm kiếm những phương pháp có thể phục chế lại các chi tiết ban đầu nhằm hồi sinh vẻ đẹp của nó”, ông Dini cho biết.
Mặt chính biệt thự nhìn từ đường Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM). Ảnh: plo
Làm thế nào để có thể bóc tách những lớp sơn mới mà vẫn đảm bảo tính toàn vẹn của những chi tiết nghệ thuật bên trong? Câu trả lời hóa ra lại đến từ… trận lũ lụt lớn ở sông Arno (Ý) vào năm 1966. “Vào thời đó, các nghệ nhân Florence thường quan niệm rằng chỉ cần hoàn thành các bản phục chế một cách nhanh chóng chứ không cần quan tâm đến việc các tác động sửa đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tác phẩm”, ông Giovani Dini kể. “Ông của tôi – Dino Dini – một nhà phục chế luôn tiên phong đổi mới, lại không nghĩ thế. Khi phục chế một tác phẩm cổ, trước hết ông sẽ xác định tác phẩm ấy được làm từ vật liệu gì, rồi sau đó sẽ dùng phương pháp khoa học để tìm ra nguyên nhân khiến tác phẩm bị hư hại”.
Khi trận lũ lụt lớn ở sông Arno diễn ra, phần lớn các bức tranh và bức bích họa ở Florence đã bị hư hại nghiêm trọng. “Và rồi cơ hội để thay đổi cách phục dựng tác phẩm nghệ thuật, điều mà ông tôi luôn đau đáu, đã đến. Ông đã gặp GS Enzo Ferroni (Trung tâm Khoa học Chất keo và Bề mặt (CSGI) tại Đại học Florence) – một nhà hóa lý có niềm đam mê với nghệ thuật, người về sau đã trở thành một trong những bậc thầy lớn trong lĩnh vực tôn tạo di sản. Hai người đã có dịp làm việc với nhau khi cùng tham gia khôi phục lại tác phẩm Cruxificion (Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá) của Fra Angelico”, ông Giovani Dini cho biết. Cuộc “tương ngộ” ấy đã giúp cả hai tìm ra một hướng phục chế mới, phương pháp đó sau này được gọi là ammonium-barium, hay Ferroni - Dini, và nó vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay.
Hệ thống tranh tường ẩn dưới những lớp vôi vữa bạc màu theo thời gian. Ảnh: plo
Trước đó, các phương pháp phục hồi hoặc bảo vệ đồ tạo tác hầu hết đều sử dụng polymer tổng hợp để sửa chữa các phần sơn, hoặc để kết dính các mảnh vữa polychrome đã tách rời. Thoạt đầu, kết quả phục chế trông không có vẻ gì đáng ngại, tuy nhiên chỉ sau một vài năm, polymer tổng hợp sẽ khiến tác phẩm bị tách rời, bong tróc bề mặt và thúc đẩy các phản ứng hóa học khiến chất lượng tranh bị xuống cấp nhanh hơn. Điều này khá dễ hiểu khi các bức bích họa, đặc biệt là ở châu Âu, thường được vẽ trên vôi. Mưa, gió, bụi, chất ô nhiễm và các nguyên nhân khác về môi trường gây ra sự suy yếu của cấu trúc xốp lẫn các lớp bề mặt của đá hoặc bức bích họa. Nguyên nhân là do sự ăn mòn hóa học của chất kết dính, thường là canxi carbonat, với sự mất liên kết giữa các chất màu và chất nền.
Phương pháp Ferroni – Dini giải quyết điều này qua hai bước: sử dụng dung dịch bão hòa amoni carbonat, và xử lý bằng dung dịch bari hydroxit. Hai loại dung dịch này sẽ giúp loại bỏ các muối đe dọa đến tranh, đồng thời củng cố cấu trúc xốp. Phương pháp này không chỉ được áp dụng thành công với tác phẩm Cruxificion, mà còn được dùng để phục chế các bức bích họa của tu viện San Marco của Fra Angelico, bức bích họa của Piero della Francesca, bức bích họa ở Thánh đường Santa Maria Novella, và cả các tác phẩm ở Vương cung Thánh đường San Marco.
Tuy nhiên, về sau, Trung tâm Khoa học Chất keo và Bề mặt (CSGI) nhận ra rằng bột carbonat và hydroxit bán sẵn trên thị trường có kích thước vài micromet, lớn hơn nhiều so với các lỗ rỗng trên bề mặt sơn. “Điều này có nghĩa là chúng không thấm tốt vào bức tranh và cũng có thể làm hỏng tác phẩm nghệ thuật do lớp men trắng hình thành trên bề mặt”, GS. Piero Baglioni, người kế nhiệm GS. Enzo Ferroni, trình bày trong một công bố.
Họ đã cải tiến phương pháp Ferroni – Dini bằng cách xử lý tranh bằng hạt nano. Sự phân tán của các hạt nano Ca(OH)2 ổn định về mặt động học trong dung môi không chứa nước đã giải quyết hầu hết các nhược điểm của bột siêu nhỏ. Các nhà khoa học cũng đồng thời áp dụng thành công sự phân tán ổn định của canxi hydroxit để thay thế polymer làm chất cố định để kết dính lại các lớp sơn và làm chất củng cố trong nhiều xưởng phục chế ở Ý và ở châu Âu. Phương pháp bảo tồn này đã được sử dụng thành công khi bảo tồn tại chỗ vữa và sơn ở địa điểm khảo cổ ở thành phố cổ Maya tại Calakmul, bán đảo Yucatan.
“Những kết quả tích cực trên cũng chính là câu trả lời cho bài toán mà chúng tôi đang gặp phải trong dự án phục chế căn biệt thự Phương Nam”, ông Giovani Dini cho biết.
Sự tương thích giữa các thành phần hóa lý
“Về nguyên tắc, chúng ta cần ưu tiên những phương pháp phục chế phù hợp với vật liệu hóa lý đặc trưng của vật liệu tạo tác. Chúng cần tương thích với nhau, và nếu không xử lý đúng cách thì khả năng cao các vật liệu phục chế sẽ tác động ngược trở lại, gây hư hại những phần gốc của tác phẩm”, ông Dini chia sẻ về quan điểm của ông, và lưu ý rằng quá trình phục chế biệt thự Phương Nam cũng cần phải quan tâm đến sự tương thích về hóa lý giữa các vật liệu phục chế và vật liệu gốc của tác phẩm. “Việc sử dụng các vật liệu tương thích sẽ giảm thiểu các nguy cơ hư hại – trong trường hợp những hư hại này diễn ra nghiêm trọng nhanh hơn so với mức độ khôi phục mà vật liệu phục chế này đem lại”.
Theo ông, mục tiêu chính của nhóm là khôi phục các bức bích họa lâu đời theo trường phái Tân Nghệ thuật đã được bao phủ bởi những lớp thạch cao dày và lớp sơn vecni. Nhóm đã quyết định áp dụng phương pháp Ferroni – Dini để không gây tổn hại cho các chi tiết trang trí. “Trong giai đoạn đầu của dự án, chúng tôi đã loại bỏ lớp sơn phủ dày bằng cả phương pháp cơ học và hóa học. Ở giai đoạn thứ hai, chúng tôi bắt đầu tiến hành củng cố các lớp sơn gốc ở bên dưới sau khi đã loại bỏ lớp phủ”, ông Dini mô tả. Ngoài ra, ông cũng sử dụng công nghệ laser để làm sạch bề mặt tác phẩm một cách có chọn lọc – quyết định đâu là yếu tố có hại cần loại bỏ, đâu là yếu tố cần được đảm bảo tính nguyên trạng ban đầu.
Hiện tại, nhóm chuyên gia đang ở giai đoạn ba của dự án, bao gồm tái tạo các chi tiết và lớp màu sắc ban đầu. Nhưng ông cũng chia sẻ thêm rằng, nhóm chuyên gia không có tham vọng thêm thắt quá nhiều họa tiết quanh tác phẩm, “bản phục chế mới này được giữ ở mức độ đơn giản và dễ phân biệt nhằm tôn lên tác phẩm gốc, cũng như tạo ra sự liền mạch trong việc diễn giải giá trị nghệ thuật theo dòng chảy thời gian từ đó đến nay”. Nhóm chuyên gia mong muốn không chỉ hồi phục lại sự tráng lệ, những giá trị xưa trong quá khứ, mà còn giữ nguyên vẹn những giá trị nghệ thuật và đảm bảo tính hài hòa với dấu ấn lịch sử của ngôi nhà.
Các tác phẩm bên trong biệt thự Phương Nam giờ đây đang dần hiện lên với vẻ đẹp như ban đầu, theo cách nó đã tô điểm cho tòa nhà trong hàng trăm năm qua. Với ông Dini, bên cạnh những nỗ lực của các chuyên gia, “khoa học là yếu tố quan trọng để trao lại sức sống cho những tác phẩm này. Đây là minh chứng rõ ràng cho triết lý áp dụng khoa học vào trong các dự án bảo tồn.”
Khác với những người nghệ nhân Florence xưa kia thường không chia sẻ các bí kíp phục chế của mình, ông và các chuyên gia đã hợp tác với Trường Đại học HUTECH và Đại học Văn Lang để trao đổi những phương pháp này cho các em sinh viên trong khoa Kiến trúc – Mỹ thuật, giúp các em hiểu hơn về tầm quan trọng của khoa học trong bảo tồn di sản, từ đó cùng tham gia bảo vệ những giá trị văn hóa trước khi chúng bị hư hại nghiêm trọng và rồi biến mất. Bên cạnh các bí quyết công nghệ, ông Giacomo Dini chia sẻ những điều mình nghiền ngẫm sau hàng chục năm làm nghề: “Trước khi phục chế bất cứ một thứ gì, chúng ta cũng cần tính tới hệ quả, và tự hỏi rằng mục tiêu cuối cùng của mình là gì. Thế hệ tương lai muốn ngắm nhìn những giá trị trong quá khứ, vậy thì chúng ta của hiện tại đừng can thiệp quá mạnh tay vào tác phẩm. Nếu chúng ta tác động thô bạo, thì những tác phẩm mà chúng ta đang nhìn ngắm chỉ là thứ ‘nhìn ngày nào biết ngày đó’ thôi, chứ chẳng phải là thứ giá trị có thể truyền lại cho tương lai”.
Theo ông Baglioni (Khoa Hóa học, Đại học Florence), người đã tham gia cải tiến phương pháp Ferroni - Dini, một quá trình phục hồi thành công phải củng cố cấu trúc xốp và lớp bề mặt của tác phẩm, cũng như đáp ứng được một số nguyên tắc cốt lõi: 1) Cần xử lý tác phẩm sao cho bất cứ lúc nào cũng có thể đảo ngược quá trình xử lý đó nhằm khôi phục tác phẩm trở lại trạng thái ban đầu. 2) Tất cả các hóa chất được sử dụng phải đảm bảo tối đa độ bền và tính trơ, ì hóa học. 3) Các hóa chất được sử dụng phải giúp đảo ngược quá trình xuống cấp mà không làm thay đổi các chất thành phần của đồ tạo tác và các đặc tính lý hóa và cơ học của chúng, nói cách khác, hóa chất được sử dụng phải phù hợp nhất có thể với chất liệu gốc của đồ tạo tác. |
[1] https://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/trung-tu-dinh-thu-co-gan-100-nam-tuoi-67161.html